Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Điểm đến của dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong tháng 6

(ĐTCK) Sau khi xác lập mức tăng 30% trong hai tháng 4 và 5, chỉ số VN-Index tiếp tục có phiên mở màn tháng 6 đầy hứng khởi, “lừ lừ” tiến về mốc 880 điểm. Ở cột mốc khá nhạy cảm này, dòng tiền thông minh vẫn len lỏi tìm kiếm cơ hội.

100.000 tài khoản mới kéo TTCK đi

Trái với những lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu suy giảm trong năm 2020, thị trường chứng khoán các nước, kể cả thị trường chứng khoán Mỹ, tâm dịch Covid-19 cũng đang diễn biến khá tích cực.

Chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều ghi nhận tăng 3% trong tuần qua, đưa tổng mức tăng trong tháng 5 của hai chỉ số này lần lượt là 4,5% và 4,2%.

Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,7% trong tuần vừa qua, nâng đà tăng trong tháng 5 lên 6,7% và lên mức 38% so với mức đáy xác lập hồi tháng 3/2020. Chỉ số này chỉ còn thấp hơn 10% so với mức cao kỷ lục đã được xác lập vào tháng 2/2020.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, sau khi tăng gần 30,5% trong 2 tháng vừa qua, thị trường tiếp tục có phiên khởi đầu tháng 6 khá suôn sẻ.

Điểm đến của dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong tháng 6  ảnh 1

Đà tăng của thị trường đang được sự hỗ trợ và tiếp sức của dòng tiền mới, chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước khi số lượng tài khoản mở mới trong 3 tháng (3, 4, 5) ghi nhận tăng mạnh với hơn 100.000 tài khoản mới, chủ yếu là của các nhà đầu tư cá nhân.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS), thanh khoản 5 tháng vừa qua trên cả 3 sàn bình quân đạt 5.071 tỷ đồng/phiên, tương đương tăng 11% so với cùng kỳ; trong đó, thanh khoản thông qua khớp lệnh đạt 3.972 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ).

Một yếu tố được xem là tiếp sức cho thị trường hiện tại là dòng vốn ngoại đang trở lại mua ròng. Nếu như trong tháng 3 và tháng 4, khối ngoại bán ròng lần lượt 7.838 tỷ đồng và 6.139 tỷ đồng trên sàn HOSE thì trong tháng 5 vừa qua, lượng bán ròng đã giảm đáng kể, chỉ còn 446 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 2/3 tuần cuối tháng 5, khối ngoại đã mua ròng trở lại, bên cạnh đó dòng tiền qua kênh ETF cũng đang mua ròng khá mạnh ở các quỹ như FinLead hay ETFVN30.

Theo góc nhìn của MBS, trong tháng 6, chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, dựa trên nền lãi suất thấp, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ một số lãi suất điều hành kể từ đầu năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua.

Trên bình diện quốc tế, các thị trường chứng khoán khu vực châu Âu và Mỹ cũng có 2 tháng tăng liên tiếp nhờ vào sự lạc quan của giới đầu tư về việc mở cửa trở lại của nhiều nền kinh tế, đi kèm theo đó là các gói nới lỏng định lượng để hỗ trợ nền kinh tế hậu Covid-19.

Điểm đến của dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong tháng 6  ảnh 2

Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings ước tính các gói nới lỏng định lượng toàn cầu (QE) sẽ đạt 6.000 tỷ USD vào năm 2020, bằng một nửa tổng số gói nới lỏng định lượng lũy kế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong năm 2009 - 2018.

Biến động ngược chiều của thị trường chứng khoán so với thực trạng của nền kinh tế, với hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy nhà đầu tư đặt nhiều niềm tin vào cách ứng phó của Chính phủ đối với khủng hoảng kinh tế.

Ở mỗi quốc gia, các gói kích cầu mang những màu sắc và ý nghĩa khác nhau, nhưng thông điệp chung là sự chia sẻ của Chính phủ đến nền kinh tế, đến doanh nghiệp, người lao động, nên có lẽ những điều này đã củng cố thêm tâm lý vững vàng cho nhà đầu tư.

Qua thống kê các chỉ báo độ rộng thị trường cũng như diễn biến tăng giá của nhóm cổ phiếu lớn, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa tăng điểm, đặc biệt là 2 tuần đầu tiên của tháng 6, dù sự rung lắc là khó tránh khỏi.

Chỉ số VN-Index có thể tiến tới vùng kháng cự mạnh 890 - 910 điểm, áp lực chốt lời khi thị trường tiến tới vùng kháng cự tâm lý chắc chắn sẽ gia tăng.

Dù thị trường tháng 6 vẫn còn bệ đỡ hỗ trợ nhưng theo nhìn nhận của nhiều nhà đầu tư trong nước, mức tăng sẽ khó duy trì vững như giai đoạn tháng 4, 5 do định giá thị trường ngày càng cao hơn làm giảm động lực khiến mức độ tăng sẽ bị ảnh hưởng.

“Tháng 6 có thể không thuận lợi như 2 tháng vừa qua cho bên mua, một phần do mức hồi phục trong tháng 4 - 5 đã quá mạnh, đưa VN-Index tiến lên những kháng cự mạnh. Một phần do những số liệu đầy đủ hơn về triển vọng 2020 của các doanh nghiệp từ mùa đại hội cổ đông sẽ góp phần hiệu chỉnh lại định giá của thị trường”, ông V.M Đức, một nhà đầu tư có bề dày kinh nghiệm trên sàn chứng khoán chia sẻ.

Dòng tiền tìm điểm đến

Cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechips) vẫn đóng vai trò lực kéo chính của thị trường, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dù vậy, khá nhiều bluechips đang ở tình trạng bão hòa sau một thời gian hồi phục. Câu hỏi đặt ra là, nhóm cổ phiếu nào sẽ có sức hút với dòng tiền ở thời điểm hiện tại?

Điểm đến của dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong tháng 6  ảnh 3

Thực tế, nhóm bluechips bị chốt lời trong 2 tuần vừa qua sau nhịp phục hồi kéo dài 2 tháng, đây là hiện tượng thường thấy khi thị trường đã tăng hơn 30%. Thông thường, nhóm bluechips sẽ là nhóm tín hiệu kéo thị trường từ chân sóng phục hồi, do vậy, nhu cầu chốt lời ở thời điểm hiện tại là điều dễ hiểu.

Hiện tại, nhóm smallcap đã có 8 tuần tăng liên tiếp và nhóm midcap cũng có tới 5 tuần tăng liên tiếp. Do vậy, sau 2 tuần “xả hàng”, nhóm bluechips đang có lợi thế hút dòng tiền hơn so với 2 nhóm còn lại.

“Đối với các nhóm cổ phiếu cụ thể, nhóm bất động sản khu công nghiệp, thưc phẩm đồ uống, hóa chất hay ngân hàng, chứng khoán… sẽ là địa chỉ của dòng tiền ở thời điểm hiện tại”, nhà đầu tư V.M Đức nhìn nhận. 

Nhìn lại giai đoạn tháng 4, tháng 5, dòng tiền lớn trong nước được kích hoạt chảy mạnh vào thị trường trong bối cảnh khối ngoại bán ròng mạnh và hiện chưa có đánh giá nào về tiềm năng của dòng tiền đứng ngoài thị trường trước sự chuyển biến tích cực từ kinh tế vĩ mô.

Các tổ chức quốc tế cũng đã đánh giá rất cao sự hồi phục kinh tế, khả năng thu hút dòng tiền vốn FDI của Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19 (hơn 15 tỷ USD trong 5 tháng) đã khiến Việt Nam đang trở thành tâm điểm sự chú ý của nhà đầu tư quốc tế.

Tâm lý nhà đầu tư nội được đánh giá khá tốt. Điều này phản ánh qua diễn biến giao dịch tại các cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu thuộc nhóm VN30 cùng với dòng tiền lớn mua lên tại các cổ phiếu vừa và nhỏ kể cả các nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ dẫn sóng như nhóm cổ phiếu SSI, ITA, KBC...

Cho dù các cổ phiếu đầu ngành như VNM, MSN, BVH, GAS đang đi ngang, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có diễn biến giao dịch khá mạnh. Các cổ phiếu lớn ngân hàng như VCB, BID, VPB, CTG hứa hẹn là nhóm trụ nâng đỡ thị trường trong tháng 6.

“Nhiều cổ phiếu tăng tốt trong giai đoạn vừa qua như nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng và vật liệu, dịch vụ chứng khoán. Những nhóm cổ phiếu đang thu hút dòng tiền giai đoạn hiện tại có thể nói là nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, dịch vụ chứng khoán, hóa chất và dầu khí”, ông Đào Hồng Dương nêu quan điểm.

Dòng tiền đang có sự phân hóa rõ nét hơn ở các nhóm cổ phiếu cũng như các cổ phiếu riêng lẻ có những thông tin hỗ trợ riêng. Sau khi lan tỏa từ nhóm bluechips, dòng tiền thông minh đang hướng tới phân khúc thấp hơn là midcap và penny.

Giai đoạn hiện tại cứ dòng cổ phiếu nào có câu chuyện, mặc dù có khi câu chuyện còn rất xa vời, là thu hút dòng tiền, đơn cử như nhóm cổ phiếu ngành nông nghiệp và khu công nghiệp.     

Tin bài liên quan