Tiêu điểm của thị trường trong năm 2020 theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) là các buechips.

Tiêu điểm của thị trường trong năm 2020 theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) là các buechips.

Điểm đến của dòng tiền năm 2020 sẽ thay đổi

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán có hai phiên mở đầu năm 2020 không quá tệ. Tâm điểm đầu tư năm nay đang được nhìn nhận sẽ có sự thay đổi. 

Triển vọng chỉ số tăng điểm

Kinh tế toàn cầu năm 2020 theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế như OECD, WTO, IMF, WB, ADB là khá “bấp bênh”, với mức tăng trưởng dự báo bình quân 2,9 - 3,0%.

Ðó là chưa kể một số yếu tố rủi ro như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong bối cảnh thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 vẫn đang trong quá trình đàm phán và hiện là ẩn số khó dự đoán.

Không chỉ vậy, sự tăng trưởng chậm lại ở nhiều quốc gia có thể dẫn đến tình trạng kiềm chế đầu tư tài sản cố định và lợi suất trái phiếu đang ở mức rất thấp, thậm chí ở mức âm, do nhà đầu tư lo ngại suy thoái kinh tế, khiến cho nhà đầu tư toàn cầu có thể trở lại cuộc đua săn tìm lãi suất tín dụng tại Mỹ.

Yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu toàn cầu là nguy cơ bong bóng từ việc một số nhà đầu tư bơm tiền vào các startup “kỳ lân”, thổi phồng mức định giá của các startup này.

Bên cạnh đó là sự bùng nổ các quỹ đầu tư thụ động theo chỉ số (quỹ ETF), có thể khiến thị giá của một số nhóm cổ phiếu bị đẩy lên quá cao, dễ dẫn đến sự đổ vỡ mang tính dây chuyền.

Về kinh tế Việt Nam, Quốc hội đã thông qua mục tiêu GDP năm 2020 tăng 6,8%, tỷ lệ lạm phát không quá 4%.

Kinh tế vĩ mô tăng trưởng, ổn định là nền tảng cơ bản để thị trường chứng khoán phát triển. Nhiều ý kiến nhận định, thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến khả quan hơn, dù tiếp tục bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các yếu tố ngoại biên.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, quy mô và điểm số của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020, tốc độ tăng có thể chậm lại so với năm 2019, nhưng sự tăng trưởng mang tính phân hóa và chọn lọc hơn.

Theo đó, mức cao nhất trong năm 2020 của các chỉ số chính được dự báo tăng khoảng 5 - 10% so với đỉnh của năm 2019. Thanh khoản, bao gồm giao dịch khớp lệnh và giao dịch thỏa thuân trên hai sở giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX) sẽ có sự cải thiện tích cực.

Khối lượng và giá trị giao dịch trung bình phiên được kỳ vọng tăng xấp xỉ 10% so với năm 2019 và xu hướng chung các chỉ số trong năm 2020 sẽ có sự tương đồng nhất định với năm 2019. VN-Index nhiều khả năng có xu hướng vận động quanh một nền giá cao hơn, nhưng biên độ dao động sẽ gia tăng, trong khoảng 170 - 180 điểm.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, chỉ số VN-Index trong năm 2020 sẽ theo sát các yếu tố cơ bản, dao động trong vùng 950 - 1.120 điểm.

Các quỹ ngoại cũng có góc nhìn tích cực về triển vọng thị trường trong năm nay. Chẳng hạn, VinaCapital cho rằng, câu chuyện thành công của Việt Nam sẽ tiếp diễn trong năm 2020.

Nền kinh tế và thị trường chứng khoán có vị thế tốt để vượt qua các thách thức, chỉ số VN-Index có thể tăng 10 - 15% nhờ nền kinh tế tăng trưởng, mức định giá cổ phiếu đang hợp lý. Thậm chí, Quỹ Pyn Elite nhận định, VN-Index có thể đạt 1.800 điểm.

Lựa chọn nhóm ngành

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ có kịch bản lạc quan trong giai đoạn quý I/2020.

Có nhiều yếu tố để hình thành kịch bản này, đầu tiên là vĩ mô ổn định và dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức cao.

Thứ hai là thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá thấp, trong khi nhiều doanh nghiệp duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số.

Thứ ba, quý I thường là thời gian tăng điểm mạnh nhất trong năm của chỉ số, mức tăng trưởng trung bình quý đầu năm các năm qua là 3,27%.

“Tôi vẫn ưa thích nhóm ngân hàng, còn nhóm bất động sản có thể chỉ tăng tích cực trong quý I/2020 và sẽ khó khăn trong các quý còn lại. Nhóm ngành bán lẻ, công nghệ dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020…”, ông Minh chia sẻ.

Thực tế, việc lựa chọn cơ hội đầu tư rất khó khăn, nhưng nhà đầu tư có động lực giải ngân hơn, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài, vì rủi ro thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 không cao so với nhiều thị trường khác sau năm 2019 chỉ số VN-Index đi ngang trong bối cảnh thị trường thế giới tăng mạnh.

Bên cạnh đó, các quỹ ETF gần đây hoạt động khá tích cực và có thể trở thành một trong những dòng tiền chính trong năm. Việc giải ngân vào những mã nhỏ thường gặp khó khăn về thanh khoản, nên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhiều khả năng là điểm đến của dòng tiền này.

Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank, quý I/2020 là cơ hội đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, với nhóm vốn hóa thấp hơn sẽ khó tạo ra làn sóng tăng giá nếu không có câu chuyện đủ mạnh hỗ trợ.

Nhìn nhận khó có thể có nhóm cổ phiếu đủ mạnh để dẫn dắt thị trường trong năm 2020, Chứng khoán Agriseco cho rằng, câu chuyện vẫn nằm ở từng cổ phiếu cụ thể.

Với nhóm ngân hàng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhiều khả năng sẽ chậm lại và không tạo được cú huých như vài năm qua, trong bối cảnh nền lợi nhuận cao năm 2019, tín dụng và lãi suất đang giảm, dư địa từ xử lý nợ xấu không còn nhiều...

Về mặt dòng tiền, cổ phiếu ngân hàng có thể tận dụng được cơ hội khi nhiều mã mới sẽ lên sàn và là đích đến của dòng tiền ngoại.

Tuy nhiên, dòng tiền này biến động thất thường và khó dự báo. Cổ phiếu của những ngân hàng xử lý được các điểm nghẽn tăng trưởng, hoặc phát hành tăng vốn thành công, mới thực sự là cơ hội.

Ðối với ngành bất động sản, khó có thể biết đâu là đỉnh, dù liên tục phát triển trong khoảng 5 năm qua, nhưng gần đây đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, có những dự án khó triển khai và tín dụng gặp khó khăn, mức độ tăng nóng của đất nền chậm lại và thanh khoản sụt giảm.

Ðáng lưu ý, mức độ vay nợ của nhóm bất động sản đã tăng lên đáng kể trong 2 năm qua, trong đó dư nợ không nhỏ ở hình thức trái phiếu, với tài sản bảo đảm khó được thẩm định kỹ lưỡng. Ðây là một trong những rủi ro tiềm ẩn của ngành này trong năm 2020.

Công ty Chứng khoán VietinBank dự báo, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2020 đạt khoảng 15%.

Tuy nhiên, nếu loại trừ nhóm ngành ngân hàng, thì tỷ lệ này giảm xuống còn 7% và nếu tiếp tục loại nhóm Vingroup ra khỏi rổ tính toán, con số tăng trưởng lợi nhuận chỉ khoảng 3%.

Các ngành nhiều khả năng giữ được động lực tăng trưởng lợi nhuận là ngân hàng với các đầu tàu như VCB, BID, CTG, MBB, hay nhóm ngành bán lẻ tiêu dùng như MSN, VNM, MWG, PNJ.

Tiêu điểm của thị trường trong năm 2020 theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) là các bluechips, các mã trụ cột này được BVSC nhìn nhận tiếp tục tăng trưởng ổn định và giữ nhịp cho thị trường.

Nhà đầu tư nên tăng tỷ trọng nhóm ngành sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ. Một số nhóm ngành khác kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng là bán lẻ, công nghệ thông tin.

Nhóm cổ phiếu bất động sản chỉ nên tập trung vào các doanh nghiệp có thể ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Câu chuyện định giá rẻ hoặc cổ tức ổn định được nhận định sẽ không phải là điểm đến của dòng tiền trong năm 2020.

Tin bài liên quan