Sau HTN, Hưng Thịnh sẽ tiếp tục đưa một công ty con khác lên sàn niêm yết

Sau HTN, Hưng Thịnh sẽ tiếp tục đưa một công ty con khác lên sàn niêm yết

Điểm danh các doanh nghiệp địa ốc sắp lên sàn “kiếm vốn“

(ĐTCK) Với việc ngân hàng siết chặt hơn cửa vay vốn, nguồn vốn huy động từ khách hàng không dễ, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tính toán việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán với mong muốn có cơ hội huy động vốn dài hạn, giá rẻ.

Đầu xuôi, mong đuôi lọt

Tháng 11/2018, Hưng Thịnh Incons, một công ty con chuyên ngành xây dựng của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh (HungThinh Corp) chính thức đưa 25 triệu cổ phiếu mã HTN lên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM với giá khởi điểm 23.300 đồng/cổ phiếu. Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HTN đã tăng trần 20% so với giá tham chiếu, đạt 27.950 đồng/cổ phiếu; khối lượng khớp lệnh đạt 146.670 và khối lượng dư mua trần là 215.030 cổ phiếu. Sau 3 tháng, cổ phiếu HTN đến nay vẫn ổn định ở mức giá trên 21.000 đồng/cổ phiếu.

Trước thành công này, mới đây, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HungThinh Corp cho biết, năm 2019, Công ty đặt mục tiêu đưa tiếp công ty thành viên là HungThinh Land lên sàn chứng khoán. Công ty con này trước đây hoạt động trong lĩnh vực môi giới, nhưng bắt đầu từ cuối năm 2018, HungThinh Corp đã thay đổi chiến lược, bổ sung mảng đầu tư phát triển dự án cho HungThinh Land.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (An Gia Investment) cũng vừa phát đi thông báo cho biết, dự kiến vào quý III/2019, doanh nghiệp này sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán TP.HCM. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp này là thâu tóm (M&A) những dự án “đắp chiếu” rồi hồi sinh lại. An Gia đã có nhiều thương vụ hợp tác đình đám những năm qua với nhiều chủ đầu tư lớn. Đứng sau An Gia Investment là quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group với việc quỹ đầu tư này cam kết đổ hàng trăm triệu USD để An Gia thực hiện M&A các dự án bất động sản tiềm năng. Đồng thời, rất có thể, với chiến lược lên sàn huy động vốn, An Gia Investment cũng tính toán đến việc chủ động bài toán tài chính để có thể tự mình triển khai đầu tư phát triển dự án.

Bên cạnh hai đơn vị trên, nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng đang tìm hướng lên sàn chứng khoán để mở rộng cơ hội huy động vốn, phát triển  thương hiệu và quản trị. Đơn cử, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) cho biết, đang tiến hành thủ tục để đưa công ty xây dựng là CBM niêm yết trong năm nay.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, lên sàn chứng khoán là bước đi cần thiết trong lộ trình phát triển, bởi ngoài việc huy động vốn, tìm kiếm cổ động chiến lược, thì sức ép về việc minh bạch hóa hoạt động, minh bạch hóa tài chính theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp niêm yết cũng sẽ khiến doanh nghiệp trưởng thành và tạo niềm tin với khách hàng.

“Trước đây, doanh nghiệp địa ốc thường dựa vào ngân hàng để phát triển dự án, các đòn bẩy tài chính được doanh nghiệp dùng gói vay với việc cầm cố quỹ đất, dự án cho ngân hàng để có tiền thực hiện dự án. Từ đây đã tạo ra nhiều hệ lụy, như việc liên tục xuất hiện dự án bị ngân hàng phát mãi vì doanh nghiệp không thanh toán nợ dù dự án đã hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng. Thêm vào đó,  từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, giảm từ mức 45% trong năm 2018 và  tăng hệ số rủi ro của các khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%, khiến tín dụng cho bất động sản bị siết lại. Bối cảnh này buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm nhiều cách khác nhau để có nguồn vốn phát triển các dự án, hạn chế sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Một trong những cách hiệu quả nhất là tìm đến sàn chứng khoán”, ông Phúc phân tích.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong 5 năm (giai đoạn năm 2014 - 2018), cổ phiếu hai ngành ngân hàng và bất động sản đã đạt mức tăng trưởng 3 con số, trong khi VN-Index chỉ dừng ở mức tăng hai con số. Năm 2018 là năm mà các doanh nghiệp địa ốc đổ bộ lên sàn chứng khoán nhiều nhất. Hàng loạt tên tuổi lớn niêm yết như Vinhomes (thuộc Vingroup), Net Land, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI), Đạt Phương, Hải Phát, Công ty cổ phần Địa ốc First Real, CENLand (thuộc CENGroup)…

Phương án huy động vốn khả thi nhất

Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc HungThinh Corp cho biết,  việc tìm kiếm nguồn vốn qua kênh chứng khoán được đánh giá là phương án khả thi trong dài hạn.

Tại nước ngoài, đây là nguồn vốn rất được các doanh nghiệp quan tâm do có sự ổn định lâu dài và có mức độ linh hoạt hơn rất nhiều so với vay vốn ngân hàng. Chưa kể, chi phí từ việc huy động vốn trực tiếp trên thị trường chứng khoán cũng rẻ hơn tương đối so với vốn tín dụng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, việc các doanh nghiệp địa ốc niêm yết đã trở thành xu hướng mạnh mẽ, biến nhóm cổ phiếu bất động sản trở thành nhóm cổ phiếu lớn nhất trên các sàn tập trung. Việc các doanh nghiệp bất động sản lên sàn không chỉ là bước tiến dài của doanh nghiệp ngành xây dựng - bất động sản, mà còn cho thấy cánh cửa sáng trong việc gọi vốn phát triển dự án bất động sản thông qua thị trường chứng khoán của nhiều doanh nghiệp khác. Đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, thị trường chứng khoán là một kênh để huy động vốn hiệu quả cho những doanh nghiệp muốn mở rộng và phát triển dự án. Bên cạnh đó, huy động vốn qua việc niêm yết cổ phần cũng là một cách hút vốn từ công chúng, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài một cách nhanh nhất.

"Sự hiện diện của các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng đầu tư đang ngày một phổ biến hơn trong cơ cấu cổ đông của những doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, khi mà nhà đầu tư tìm đến những doanh nghiệp niêm yết có uy tín để chọn mặt gửi vàng”, ông Châu nói và nhận định thêm, dòng vốn huy động được từ việc niêm yết trên sàn chứng khoán, đặc biệt là nguồn vốn từ nước ngoài sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh và phát triển dự án, giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô, phát triển bền vững hơn.

Còn ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Vietnam thì cho rằng, xu hướng lên sàn chứng khoán nở rộ trong lĩnh vực bất động sản hiện nay sẽ tạo đà cho việc tăng cường nội lực của các doanh nghiệp bất động sản.

Các đơn vị này sẽ ý thức hơn trong việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản mạnh. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ dần chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện huy động vốn xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và nỗ lực phấn đấu để niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài.

“Niêm yết trên thị trường chứng khoán là xu thế phát triển tất yếu của các doanh nghiệp bất động sản vì cơ cấu cổ đông càng đại chúng, các chủ đầu tư sẽ càng có cơ hội mở rộng lượng khách hàng sở hữu sản phẩm, cũng như mở rộng thương hiệu của mình”, ông Lâm đánh giá.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan