Điểm cộng cho niềm tin

Điểm cộng cho niềm tin

(ĐTCK) Tiếng vỗ tay rộn rã vang lên khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng gõ tiếng cồng đầu tiên, khai trương phiên giao dịch đầu năm 2014 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Lãnh đạo các CTCK, DN niêm yết, DN đăng ký giao dịch, các thành viên thị trường trái phiếu và nhà quản lý trao nhau những lời chúc tốt đẹp cho một năm giao dịch mới, vừa chính thức bắt đầu.

Trong không gian giao lưu tại HNX, cánh nhà báo cũng cụm đầu chúc nhau năm nay sẽ có nhiều thông tin mới, nhiều sản phẩm báo chí hấp dẫn. Không khí ấm áp trong ngày đầu tiên của năm 2014 như cổ vũ cho sự lạc quan của tất cả các chủ thể tham gia thị trường. “Cụng ly” với các nhà báo, Chủ tịch UBCK chia sẻ về những việc UBCK sẽ làm trong năm mới. Trước câu hỏi của ĐTCK rằng, thông điệp Chủ tịch UBCK muốn truyền tải nhất năm 2014 là gì? Người đứng đầu ngành trả lời không do dự: “Đó là niềm tin”.

Niềm tin nhân lên

Chúc TTCK sẽ phát triển mạnh mẽ năm 2014, chúc các thành viên thị trường thêm niềm tin, thêm hy vọng và thêm hạnh phúc trong năm mới, Chủ tịch UBCK bày tỏ niềm tin của chính mình bằng 4 điểm nổi bật. Một là vị trí của TTCK Việt Nam đã được nâng lên trong quan điểm, đánh giá của lãnh đạo các cấp, các ngành. Trong thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, người đứng đầu các bộ ngành, của các đại biểu Quốc hội, các nhà nghiên cứu gần đây, câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế được nhấn mạnh hơn bao giờ hết và ở đó, TTCK đóng vai trò không thể thiếu để thúc đẩy tiến trình này. 

Hai là, niềm tin vào các giải pháp điều hành của Chính phủ của nhà đầu tư đang tăng lên, khi năm 2014, nền kinh tế nước ta đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn (5,8%) năm 2013, với các giải pháp được đưa ra ngày càng cụ thể, quyết liệt. “Trên TTCK, niềm tin là yếu tố quyết định”, Chủ tịch UBCK nói và cho rằng, nỗ lực cải cách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt là tái cơ cấu DNNN, thúc đẩy cổ phần hóa, đang góp phần nhân rộng niềm tin của nhà đầu tư, thúc đẩy các dòng vốn trong và ngoài nước tham gia TTCK. 

Từ đó, TTCK sẽ có điều kiện để phục vụ trở lại công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các DN, tăng hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế.

Yếu tố thứ ba, theo Chủ tịch UBCK, là các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đang có sự cải thiện rất rõ rệt. Nếu như năm 2011, nước ta phải đối mặt với tình trạng lạm phát phi mã (18,13%), lãi suất tăng cao, thì 2 năm gần đây, nền kinh tế đã thực hiện được các mục tiêu chính yếu, lạm phát được kìm giữ ở mức hợp lý, mặt bằng lãi suất giảm đáng kể, tăng trưởng GDP đang ngày càng cải thiện. “Năm 2014, dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng những mục tiêu vĩ mô được Quốc hội, Chính phủ đặt ra tốt hơn năm 2013, là một tín hiệu tích cực cho thấy, sự chuyển biến thực sự của nền kinh tế”, Chủ tịch UBCK nói.

Yếu tố cuối cùng, là từ chính nội tại ngành chứng khoán. “Ngành chứng khoán đã và đang quyết liệt đổi mới, quyết liệt tái cấu trúc và xây dựng những giải pháp cụ thể hỗ trợ DN, hỗ trợ các thành viên thị trường”, Chủ tịch UBCK khẳng định và chia sẻ, năm 2014, ông hy vọng sẽ có những giải pháp đột phá trên TTCK, mà nới tỷ lệ đầu tư tối đa, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào các DN, là một trong những giải pháp đó.

Sức khỏe DN đang “ấm” dần

Nếu năm 2004, TTCK Việt Nam mới chỉ có 26 DN niêm yết với giá trị vốn hóa khoảng 3.800 tỷ đồng, bằng 0,63% GDP, thì chưa đầy 10 năm sau, Việt Nam đã có một TTCK hoàn toàn khác. Gần 700 DN niêm yết trên 2 sàn khiến tổng giá trị vốn hóa toàn TTCK năm 2013 ghi nhận con số kỷ lục: 37% GDP. Trên thị trường trái phiếu, mốc cán đích 15% GDP được ghi nhận vào ngày 31/5/2013 tại HNX, tính đến hết năm 2013, giá trị vốn hóa thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam đã vượt trên con số 16% GDP.

Nếu quy mô vốn hóa thị trường thể hiện cho sự phát triển theo chiều rộng, thì tính thanh khoản và khả năng huy động vốn của TTCK chính là 2 yếu tố đánh giá sự phát triển về chiều sâu. 

Năm 2013, thanh khoản trên TTCK đạt 3.430 tỷ đồng/phiên (trong đó, thị trường niêm yết tại HOSE đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/phiên, thị trường trái phiếu tại HNX đạt 1.600 tỷ đồng/phiên, thị trường niêm yết HNX đạt 330 tỷ đồng/phiên), tăng mạnh so với mức 2.150 tỷ đồng/phiên của năm 2012 và tăng “cực mạnh” so với mốc 108 tỷ đồng/phiên vào năm 2005, chỉ 8 năm trước đó. 

Về huy động vốn, năm 2013, toàn TTCK huy động được trên 200.000 tỷ đồng, một con số kỷ lục trong suốt 13 năm hoạt động vừa qua. Tuy con số này bị lệch về trái phiếu (chiếm khoảng 90% huy động vốn là từ trái phiếu chính phủ), nhưng triển vọng cải thiện trong huy động vốn qua TTCK của các DN ngày càng rõ nét, khi Chính phủ quyết liệt thực hiện cổ phần hóa DNNN, thúc đẩy việc thoái vốn Nhà nước qua TTCK. Bên cạnh đó, sức khỏe của chính các DN niêm yết đang được cải thiện, cũng sẽ giúp các DN có điều kiện huy động vốn tốt hơn trên thị trường.

So với năm 2011, năm 2012, hiệu quả hoạt động của các DN niêm yết đã có sự cải thiện, nhưng so với năm 2012, hiệu quả của các DN niêm yết năm 2013 có sự cải  thiện rõ nét. Dù cả 2 sàn có khoảng 50 DN có lỗ lũy kế, nhưng tính chung lại, tổng doanh thu và lợi nhuận của các DN niêm yết đang tăng lên, phản ánh sức khỏe các DN niêm yết đang “ấm” trở lại. Chưa kể, năm 2013, nhiều DN niêm yết Việt Nam có tên trong các DN tốt nhất khu vực châu Á (theo bình chọn của Fobers) và Việt Nam cũng đã có DN niêm yết có tên trong TOP 2000 DN lớn nhất toàn cầu (Vietinbank).

Năm 2013 khép lại với những dấu ấn đẹp hơn về TTCK Việt Nam trong nền kinh tế. Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng niềm tin thị trường đang được nhân lên và lan tỏa từ phiên giao dịch “mở hàng” này.

Tin bài liên quan