Để nhà đầu tư ngoại hiểu và “bỏ phiếu” cho Việt Nam

Để nhà đầu tư ngoại hiểu và “bỏ phiếu” cho Việt Nam

(ĐTCK) Ðề án Tái cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu năm 2019 đặt ra nhiều mục tiêu phát triển thị trường, trong đó có việc thị trường chứng khoán phải được nâng hạng trên danh sách các thị trường mới nổi. 

Thủ tướng không quy định thời điểm cụ thể, mà chỉ yêu cầu thực hiện trước năm 2025. Việc nâng hạng không bị sức ép về thời gian trước mắt, nhưng để đến ngày nâng hạng thì cần nâng tầm thị trường và giúp nhà đầu tư quốc tế cảm nhận về sự nâng tầm đó.

Một trong những yêu cầu bắt buộc để được nâng hạng là thị trường chứng khoán Việt Nam phải đạt được các phiếu bầu của nhà đầu tư quốc tế, theo sự khảo sát ngẫu nhiên của tổ chức xếp hạng hàng năm.

Ðây là chỉ tiêu khó nhất trong các chỉ tiêu tiến đến ngày nâng hạng thị trường, bởi thực tế, nhiều chỉ tiêu định lượng theo tiêu chí của MSCI hay một số tổ chức xếp hạng khác, Việt Nam đã đạt được từ vài năm nay.

Làm thế nào để nhà đầu tư “bỏ phiếu” đồng ý nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam? Về định lượng, Việt Nam có nhiều tiêu chí hấp dẫn, chẳng hạn vốn hóa thị trường cổ phiếu sắp đạt 200 tỷ USD và có sự tăng mạnh trong 10 năm qua, từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 72% GDP năm 2018. Dù thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm thu hút vốn ổn định chảy vào.

Từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài liên tục vào ròng ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỷ USD/năm. 5 tháng đầu năm 2019, vốn ròng chảy vào thị trường đạt 1,28 tỷ USD. Thực tế này cho thấy, vốn ngoại "khoái" chảy vào Việt Nam, nhưng niềm tin của họ vào Việt Nam có được cải thiện hay không, vốn vào có bền vững hay không, vẫn là câu hỏi ngỏ.

Trên nhiều diễn đàn, các nhà đầu tư quốc tế thường chia sẻ, họ thiếu thông tin về Việt Nam, về doanh nghiệp Việt Nam và vì thế, sự hấp dẫn của Việt Nam vẫn chỉ là những cảm nhận chưa rõ nét, dòng tiền đầu tư từ khối ngoại mới chỉ ở bước thử nghiệm thông qua các công cụ gián tiếp là chính, chứ chưa có niềm tin xác thực, để gắn kết và đồng hành lâu dài cùng nhau.

Xây dựng niềm tin quốc tế là câu chuyện cần sự nỗ lực của nhiều chủ thể, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Trong ngành tài chính, chứng khoán, từ năm 2016, các hoạt động xúc tiến đầu tư quốc tế đã được tổ chức tại nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, tạo cơ hội gặp gỡ, lắng nghe nhà đầu tư quốc tế, đồng thời chia sẻ thông điệp từ Việt Nam.

Việc chia sẻ cơ hội từ Việt Nam có thể sẽ tăng sức hút dòng tiền đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, để thay đổi cảm nhận của nhà đầu tư và thúc đẩy họ bỏ phiếu cho việc nâng hạng thị trường thì chia sẻ cơ hội là không đủ, mà cần có sự cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, phát triển các sản phẩm tài chính chuyên nghiệp, nâng cấp quản trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin tài chính theo chuẩn quốc tế...

Nâng hạng cần cả hai yếu tố: nội lực tốt và quảng bá tốt mới có thể đưa thị trường vượt qua ngưỡng mới nổi như hiện nay.

Tin bài liên quan