Để không “lỗi nhịp” phản ứng chính sách!

(ĐTCK) Ngày 1/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán. 
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trong các quy định này, điểm đáng chú ý là việc tập hợp các điều kiện kinh doanh đã được ban hành rải rác ở các thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng đối với CTCK, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam, thành viên lưu ký, thành viên giao dịch, ngân hàng thanh toán, ngân hàng giám sát, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên TTCK Việt Nam… vào chung một nghị định.

Thông thường, việc ban hành các văn bản pháp quy quy định về điều kiện ngành nghề kinh doanh ở cấp cao hơn về pháp lý với các lĩnh vực sẽ giúp các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện có thể bớt đi những thủ tục không đáng có. Nhưng với một lĩnh vực mà điều kiện kinh doanh cũng như các yếu tố thị trường biến chuyển rất nhanh như chứng khoán, điều này dường như đang gây ra những lo ngại về việc phản ứng chính sách dễ bị lỗi nhịp với chuyển động thị trường!

Nhìn lại lịch sử các quy định về điều kiện thành lập, hoạt động, điều kiện triển khai các nghiệp vụ của các CTCK, công ty quản lý quỹ… trên TTCK cho thấy, tốc độ thay đổi các văn bản điều chỉnh khá nhanh.

Tháng 4/2007, TTCK đón nhận Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán. Năm 2012, Thông tư 210/2012/TT-BTC điều chỉnh quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán được ra đời, thay thế Quyết định 27. Đến tháng 1/2016, Bộ Tài chính lại có Thông tư số 07/2016/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 210...

Hầu hết những sửa đổi, bổ sung chính sách trên đều được đánh giá là phù hợp với sự chuyển động của thị trường. Nếu các điều kiện đó được “đóng khung” trong một nghị định thì khả năng thay đổi một cách linh hoạt như vậy là rất khó, trong khi với sự thay đổi diễn ra liên tục và phức tạp của thị trường tài chính, việc liên tục điều chỉnh chính sách là rất cần thiết.

Với việc đưa các điều kiện đầu tư với một ngành nghề nhiều đặc thù như lĩnh vực chứng khoán lên cấp nghị định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cả Bộ Tài chính đều khó có khả năng điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt theo sát diễn biến thị trường. Bởi việc sửa đổi một thông tư vốn đã mất nhiều thời gian, việc sửa đổi một văn bản ở cấp nghị định còn phức tạp và mất thời gian hơn nhiều.

Tin bài liên quan