Kinh doanh hiệu quả, dòng tiền vẫn thờ ơ
Nửa đầu năm 2019, CTCP Dịch vụ hàng không Nội Bài (NCT) ghi nhận 331,2 tỷ đồng doanh thu, 115 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 4.396 đồng.
Với quy mô 480 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó nguồn tài trợ từ vốn chủ sở hữu lên đến 408 tỷ đồng, hệ số sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) của NCT lần lượt đạt 24% và 28,8% chỉ sau nửa đầu năm.
Cùng với hiệu quả kinh doanh cao, báo cáo tài chính của NCT còn cho thấy cơ cấu tài chính tích cực, với khoản mục tiền, tương đương tiền tại thời điểm cuối tháng 6/2019 là 196 tỷ đồng, chiếm 41% tổng tài sản.
Giá trị các khoản phải thu chỉ chiếm 66 tỷ đồng, chủ yếu là phải thu từ các hãng hàng không lớn, nên rủi ro thất thoát không đáng kể. Cơ cấu nguồn vốn của Công ty cũng hoàn toàn không có nợ vay, do đó, không có chi phí lãi vay.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tại một trong những cảng hàng không lớn nhất cả nước, rủi ro kinh doanh của NCT được đánh giá ở mức thấp, nhất là khi cổ đông lớn nhất của Công ty chính là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), với sở hữu hơn 55%.
Doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, cơ cấu tài sản, nguồn vốn chất lượng, chi trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn 9.000 - 10.000 đồng/cổ phiếu mỗi năm, tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu NCT lại không mấy tích cực.
Thị giá (sau điều chỉnh các quyền cổ tức) có vài nhịp tăng rồi chỉ loanh quanh ở mức 70.000 đồng/cổ phiếu. Diễn biến này đã kéo dài 4 năm nay.
Tình hình tương tự với cổ phiếu VNL (của CTCP Logistics Vinalink). Với mức lợi nhuận đều đều mỗi năm khoảng 24 tỷ đồng, Logistics Vinalink duy trì mức cổ tức tiền mặt hàng năm khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu.
Một đặc điểm nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn. Các nhà đầu tư này thường có sự hạn chế trong việc tiếp xúc, tìm hiểu sâu về doanh nghiệp so với các nhà đầu tư tổ chức
Hiệu quả sinh lời trên quy mô tài sản, nguồn vốn không thấp, cổ tức cũng đều đặn, nhưng thị giá VNL đang trong xu hướng giảm trung hạn. Hiện cổ phiếu này đang được giao dịch quanh mốc 16.000 đồng/cổ phiếu.
Việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, nhưng cổ phiếu “bình bình”, theo một số nhà đầu tư, có nguyên nhân là hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này đang đi vào xu hướng bão hòa.
Ðiều này đồng nghĩa với việc mức cổ tức, lợi nhuận khó có triển vọng tăng trưởng cao hơn trong tương lai, trong khi những yếu tố tích cực đã được phản ánh vào diễn biến giá trong quá khứ.
Kết quả là những cổ phiếu này thường chỉ hấp dẫn những nhà đầu tư dài hạn muốn hưởng cổ tức cao đều đặn, mà không phải là điểm đến của dòng tiền ngắn hạn ưa lướt sóng.
Nếu như trong câu chuyện của VNL, NCT, việc bão hòa tăng trưởng là lý do các cổ phiếu này kém sức hút với nhà đầu tư thì trong không ít trường hợp, diễn biến thị giá cổ phiếu không mấy tích cực dù lợi nhuận vẫn duy trì tăng trưởng đều đặn.
Chẳng hạn, CTCP Nhựa Ðông Á (DAG) trong giai đoạn 2011 - 2018 đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế bình quân là 14,4% và 19,9%. 6 tháng đầu năm 2019, Công ty đạt 839 tỷ đồng doanh thu và 43,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 8,6% và 9,9% so với nửa đầu năm 2018.
Tuy vậy, thị giá cổ phiếu DAG đang trong xu hướng đi xuống và đã mất hơn 50% giá trị trong 3 năm qua, hiện ở mức 7.000 đồng/cổ phiếu.
Vì sao không ít doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng trưởng mà cổ phiếu không hấp dẫn dòng tiền?
Không ít trường hợp trong số này, nguyên nhân được đánh giá đến từ việc doanh nghiệp có quy mô hoạt động tầm tầm, không nổi bật. Dòng tiền đầu tư trên thị trường thường quan tâm tới các doanh nghiệp đầu ngành, trong khi dòng tiền đầu cơ quan tâm hơn đến những tin tức đột biến.
Nếu như trong bối cảnh thị trường tích cực cuối năm 2017, đầu năm 2018, dòng tiền ồ ạt đổ vào tìm kiếm cơ hội sinh lời, một cổ phiếu không quá nổi bật cũng thu hút được nhà đầu tư, thì từ đầu năm tới nay, khi thị trường chung trở nên tiêu cực, thị giá cổ phiếu dễ giảm dù rằng doanh nghiệp chẳng có tin gì xấu.
Cách nào để cổ phiếu “bình bình” bật sáng?
Một đặc điểm nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn.
Các nhà đầu tư này thường có sự hạn chế trong việc tiếp xúc, tìm hiểu sâu về doanh nghiệp so với các nhà đầu tư tổ chức. Nguồn thông tin mà họ khai thác được chủ yếu là thông tin doanh nghiệp công bố theo luật định, hoặc báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán.
Trong khi trên thực tế, đa phần các doanh nghiệp đã lên sàn hiện nay, dù niêm yết hay đăng ký giao dịch mới chỉ xem việc công bố thông tin là các thủ tục bắt buộc phải thực hiện, làm cho đủ, cho có, mà chưa chú trọng đến nội dung thông tin cung cấp đến nhà đầu tư.
Ðơn cử, mỗi mùa công bố kết quả kinh doanh, nếu lợi nhuận thay đổi trên 10% so với cùng kỳ, doanh nghiệp niêm yết sẽ phải giải trình nguyên nhân.
Tuy vậy, các giải trình phần lớn lại tập trung vào việc đưa ra con số doanh thu thay đổi bao nhiêu, chi phí tăng giảm bao nhiêu… dẫn đến thay đổi lợi nhuận. Những con số nhà đầu tư hoàn toàn tự tính được bằng những phép cộng, trừ đơn giản.
Trong khi đó, doanh thu tăng do nguyên nhân gì, do sản lượng tiêu thụ tăng hay do giá bán, tình hình cạnh tranh trên thị trường thay đổi như thế nào, chi phí giảm do nguyên nhân khách quan hay doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, quản trị tốt hơn, vốn là thông tin quan trọng hơn để nhà đầu tư có thể so sánh, đánh giá lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như tính bền vững của lợi nhuận hầu như không được đề cập.
Trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư đã nếm trái đắng khi bỏ vốn vào những doanh nghiệp tạo doanh thu, lợi nhuận ảo, mua bán chuyển nhượng lòng vòng giữa các công ty nội bộ, vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp để đẩy giá cổ phiếu, phát hành, tăng vốn…
Do đó, nhà đầu tư đang ngày càng thận trọng hơn và quan tâm kiểm tra tính thực tế trong những con số mà doanh nghiệp công bố.
Bởi vậy, mỗi mùa đại hội cổ đông, có những nhà đầu tư đã lặn lội về các tỉnh vùng sâu vùng xa để trực tiếp nghe lãnh đạo doanh nghiệp trả lời chất vấn, chia sẻ những định hướng, thuận lợi, khó khăn dù rằng các tài liệu đại hội đã được công bố công khai và có thể dễ dàng tiếp cận.
Nguyên nhân là để trực tiếp xem cách ban lãnh đạo chia sẻ có thực sự cởi mở, quan tâm đến quyền lợi cổ đông, điều khó thể hiện được qua các con số trên báo cáo.
Ðây cũng là nguyên nhân khiến những doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông đa dạng, với sự tham gia của các quỹ đầu tư, tổ chức lớn tên tuổi tạo nên đối trọng phản biện trong ban quản trị, giảm sát, điều hành dễ được nhà đầu tư tin tưởng, đánh giá cao hơn so với những doanh nghiệp tư nhân với sự chi phối của một nhóm cổ đông nhất định.
Với những doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông cá nhân lớn sẽ phải minh bạch hơn, chủ động hơn rất nhiều mới có thể thuyết phục được nhà đầu tư.
Thực tế, không ít doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông tư nhân đã và đang chủ động mời tham gia vào hội đồng quản trị thành viên độc lập là chuyên gia uy tín trong ngành vừa đóng góp cho doanh nghiệp phát triển, vừa để tăng tính phản biện trong nội bộ và tạo thêm niềm tin với cổ đông.
Xây dựng niềm tin là câu chuyện dài hạn, càng chủ động làm sớm, làm đủ, doanh nghiệp sẽ càng có nhiều lợi thế. Nếu để “nước đến chân mới nhảy”, chỉ khi cần gọi vốn mới làm chẳng những gây tốn chi phí nhiều hơn mà hiệu quả e rằng cũng không được như mong đợi.