Đẩy nhanh ban hành chính sách, góp phần phát triển TTCK Việt Nam

Đẩy nhanh ban hành chính sách, góp phần phát triển TTCK Việt Nam

(ĐTCK) Để tháo gỡ những khó khăn cho DN và TTCK, nhiều giải pháp hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, chính sách được UBCK hướng tới trong những tháng cuối năm 2013 và năm 2014.

Năm 2013, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Sức cầu sút giảm, hàng tồn kho của các DN tăng cao, khả năng hấp thụ vốn yếu, khiến kết quả kinh doanh của nhiều DN, trong đó, có các DN niêm yết giảm sút; tăng trưởng tín dụng thấp và nợ xấu trong nền kinh tế tăng cao.

Số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản tiếp tục gia tăng so với cuối năm 2012. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, tăng trưởng chậm và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Hoạt động của TTCK bị tác động mạnh bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô và hoạt động khu vực DN, do đó, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những biến động mạnh ở khu vực ngân hàng.

6 tháng đầu năm, dù TTCK đã có sự khởi sắc nhất định khi đạt mức tăng trưởng khoảng 24% so với cuối năm 2012, nhưng thực tế, thị trường lại có nhiều “điểm lùi”. Trong khi có 7 DN lên niêm yết mới thì có tới 21 DN bị hủy niêm yết, do thua lỗ kéo dài và vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin trên TTCK. Tổng mức huy động trên TTCK (thông qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ) đạt 114.840 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng huy động vốn qua phát hành cổ phiếu lại giảm mạnh, chỉ đạt 2.344 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh ấy, việc tái cấu trúc hoạt động của các CTCK được thực hiện quyết liệt, trên cơ sở sắp xếp, phân loại các CTCK theo 3 nhóm, dựa trên các chỉ tiêu an toàn tài chính. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã đặt 5 CTCK vào diện kiểm soát, 9 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt và các công ty được đặt vào tình trạng này đều phải xây dựng phương án, kế hoạch khắc phục. Đồng thời, UBCK áp dụng các biện pháp mạnh trong tái cấu trúc như đình chỉ hoạt động 4 CTCK do hết thời hạn kiểm soát đặc biệt mà không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có mức lỗ gộp trên 50% vốn điều lệ; xem xét thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của 3 CTCK do hết thời hạn đình chỉ hoạt động nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng bị đình chỉ; rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 4 CTCK.

Để tháo gỡ những khó khăn cho DN và TTCK, trên cơ sở tăng quy mô, chất lượng hoạt động thị trường, góp phần phát triển ổn định, công khai, minh bạch, bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, chính sách được UBCK hướng tới trong những tháng cuối năm 2013 và năm 2014 như sau:

Một là nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN: xem xét tháo gỡ khó khăn cho việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, trên cơ sở ý kiến của ĐHCĐ về giá phát hành dưới mệnh giá, đồng thời, DN vẫn phải tuân thủ các điều kiện phát hành ra công chúng và một số điều kiện quy định khác, trong khi chờ ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp, trước mắt, có thể xem xét cho phép các tổ chức niêm yết, không phải lĩnh vực kinh doanh có điều kiện được phát hành dưới mệnh giá nếu có đủ thặng dư vốn bù đắp; tháo gỡ cho DN trong vấn đề huy động vốn qua phát hành trái phiếu; sớm xây dựng tổ chức định mức tín nhiệm, triển khai sản phẩm quỹ hưu trí và các sản phẩm mới về trái phiếu.

Hai là nhóm giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài: hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định 55/TTg theo hướng trước mắt kiến nghị, đối với công ty niêm yết, cho phép nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết trên 49% và tối đa đến 60% cổ phiếu có quyền biểu quyết (ngoại trừ đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện); thực hiện phân loại danh mục ngành nghề đối với một số loại hình công ty niêm yết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm áp dụng cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sở hữu trên 49% cổ phiếu có quyền biểu quyết, nhưng tối đa không quá 60%, tập trung vào các DN thuộc ngành nghề Nhà nước không cần nắm giữ theo quy định hiện hành; cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được nắm giữ từ trên 49% đến dưới 100% tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước theo đề nghị của bên Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc các CTCK.

Ba là nhóm các giải pháp hỗ trợ thanh khoản và thuế để triển khai các sản phẩm mới cho thị trường và thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài: nghiên cứu, đề xuất các ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư mới (quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản), công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện; kéo dài thời gian giao dịch đến trong phiên buổi chiều, đưa vào áp dụng một số loại lệnh giao dịch mới nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và góp phần tăng thanh khoản.

Bốn là nhóm giải pháp về tạo hàng hóa, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước: tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức có nhu cầu đầu tư lâu dài; xây dựng cơ chế chào bán theo nhiều phương thức linh hoạt; cơ chế thoái vốn linh hoạt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong các công ty cổ phần.

Năm là nhóm giải pháp triển khai các sản phẩm mới: tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về thuế, phí lệ phí, hệ thống giao dịch, chế độ tài chính, kế toán nhằm thúc đẩy các loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ ETF, quỹ bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí; triển khai việc áp dụng 37 chuẩn mực kế toán trong năm 2013 và áp dụng có lộ trình chế độ kế toán áp dụng cho các CTCK, công ty quản lý quỹ, trong đó, tính theo giá trị hợp lý và tách biệt tài sản của nhà đầu tư với CTCK, có tính đến khả năng đáp ứng về mặt công nghệ của các CTCK; xây dựng các chuẩn mực về kế toán và báo cáo tài chính áp dụng cho thị trường vốn.

Sáu là nhóm các giải pháp về tái cấu trúc thị trường: xây dựng Đề án TTCK phái sinh và nghị định hướng dẫn tổ chức và hoạt động TTCK phái sinh trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2013;  xây dựng Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam, trên cơ sở hợp nhất Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội và Quyết định thành lập Sở GDCK Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2013.

Bảy là nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế giám sát, xử phạt: trình Chính phủ ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK (thay thế Nghị định 85/2010/NĐ-CP); tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý và nâng cao năng lực giám sát hoạt động CTCK, công ty quản lý quỹ; ban hành quy định về quản trị rủi ro, quy định phân loại và quy chế cảnh báo sớm áp dụng cho công ty quản lý quỹ, CTCK.