Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian qua diễn ra rất chậm chạp

Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian qua diễn ra rất chậm chạp

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn: Cần cởi bỏ hoàn toàn “chiếc áo” hình thức

(ĐTCK) Theo giới chuyên gia, sự chậm trễ và nặng tính hình thức trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian gần đây đang là mối quan ngại lớn của giới đầu tư, có thể dẫn tới sự nản lòng và mất niềm tin vào kế hoạch mà Chính phủ đặt ra.

Ngại trách nhiệm

Tại Hội thảo “Cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Góc nhìn chuyên gia” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) tổ chức mới đây, chia sẻ về nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, TS. Nguyễn Quang Trung - Giảng viên cao cấp Trường RMIT cho rằng, vẫn có sự do dự, chần chừ từ một số cá nhân có ảnh hưởng lớn đến các nhà hoạch định chính sách.

Theo ông Trung, bên cạnh câu chuyện phức tạp về định giá tài sản, đất đai, tình trạng “chủ nghĩa thân hữu” đang nổi lên và có xu hướng ngày càng phổ biến trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, trong khi nhiều DNNN chưa được chuẩn bị tốt cho việc chào bán cổ phần lần đầu (IPO) đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn DNNN mà Chính phủ đã đặt ra.

Bên cạnh đó, tình trạng vừa chồng chéo trong khung pháp lý, vừa thiếu tính cụ thể, không phù hợp thực tế khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cũng là những lý do khiến tiến trình này trở nên chậm trễ.

Đồng quan điểm, ông Lê Song Lai - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng cho rằng, những quy định không rõ ràng, thiếu phương pháp tính giá khởi điểm cụ thể... đang là những yếu tố khiến doanh nghiệp rất khó đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn.

"Đặc biệt, yêu cầu không được làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước đã gây sức ép lớn, cũng như rủi ro cho người ra quyết định thoái vốn, từ đó tạo tâm lý e ngại không dám quyết, không dám làm”, ông Lai nhấn mạnh.

Phân tích thêm về nguyên nhân khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn những năm gần đây diễn ra quá chậm, ông Vương Tuấn Dương, Phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho rằng, bên cạnh những biến động tăng giảm của thị trường, tâm lý lo ngại rủi ro, né tránh trách nhiệm của các cơ quan phải thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày càng được đẩy lên cao, cũng là những nguyên nhân làm cho quá trình thoái vốn, cổ phần hóa vốn đã chậm lại càng trì trệ hơn. Theo ông Dương, một tồn tại kéo dài lâu nay vẫn chưa được khắc phục triệt để khiến tiến trình cổ phần hóa chậm trễ, đó là sự trì trệ, thiếu động lực từ chính ban điều hành doanh nghiệp.

“Nên có các chính sách ưu đãi, khuyến khích ban điều hành doanh nghiệp để họ vừa có thêm động lực làm việc, vừa có được lợi ích tài chính tốt hơn. Với các chính sách này, ban điều hành doanh nghiệp sẽ thấy được lợi ích tài chính từ cổ phần hóa chính là động lực thiết thực nhất để họ chủ động vạch ra lộ trình, cũng như giải pháp nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện kế hoạch cổ phần hóa đúng hạn”, ông Dương gợi mở.

Chưa thực chất

Không chỉ là chậm trễ, mối lo ngại lớn hơn vừa kìm hãm, vừa làm mất đi tính hiệu quả của việc cổ phần hóa, thoái vốn cũng được các chuyên gia chỉ rõ, đó là xu hướng "hình thức hóa" vai trò nhà đầu tư chiến lược.

Báo cáo mới đây của Quốc hội khóa XIV về cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp cho thấy, trong giai đoạn 2011-2016, trong số 426 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Cũng theo báo cáo này, sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào khu vực DNNN còn rất hạn chế: Tính đến năm 2017, tỷ lệ vốn nhà nước thực bán qua cổ phần hóa và thoái vốn chỉ chiếm khoảng 7,5% tổng số vốn nhà nước nắm giữ. Hệ quả là việc tham gia quản trị, điều hành doanh nghiệp sau cổ phần hóa của nhà đầu tư chiến lược chỉ mang tính hình thức.

Viện dẫn kết quả quan sát thực tế về vai trò của nhà đầu tư chiến lược trong hoạt động của doanh nghiệp, PGS-TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: “Tuy là nhà đầu tư, cổ đông chiến lược, nhưng các ý kiến, đề xuất cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí... của họ hầu như không được ghi nhận, bởi họ chỉ là cổ đông thiểu số. Thực tế này đã làm hạn chế những đóng góp của nhà đầu tư, cổ đông chiến lược trong việc nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa".

Theo gợi mở của ông Long, để tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước hỗ trợ tốt hơn nữa cho mục tiêu cải thiện chất lượng quản trị tại doanh nghiệp, trước tiên, Nhà nước cần đánh giá cao hơn vai trò của nhà đầu tư, cổ đông chiến lược, đồng thời tạo môi trường tốt hơn để họ tham gia tích cực hơn vào quá trình điều hành doanh nghiệp.

Tiếp đó, cần có cơ chế cho phép nhà đầu tư, cổ đông chiến lược nắm giữ một lượng cổ phần đủ lớn để có thể tạo ra sự tác động đủ mạnh tới hoạt động của doanh nghiệp. Điều này chỉ có thể phát huy tác dụng nếu Nhà nước lựa chọn được nhà đầu tư, cổ đông chiến lược có năng lực, công nghệ và kinh nghiệm phù hợp với sứ mệnh thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Vai trò của nhà đầu tư, cổ đông chiến lược trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở tầm cao hơn còn là yếu tố có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp, cho ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Do đó, theo giới chuyên gia, cần cởi bỏ hoàn toàn "chiếc áo" hình thức và mạnh dạn xây dựng cơ chế trao quyền phù hợp để từ đó tận dụng những lợi thế của nhà đầu tư, cổ đông chiến lược trong việc nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách thực chất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa và thoái vốn.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN cần phải được sử dụng như một công cụ để hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

“Cùng với việc mạnh dạn trao đủ quyền cho nhà đầu tư, cổ đông chiến lược thông qua chơ chế cho phép họ nắm giữ được một lượng cổ phần đủ lớn, rất cần tạo môi trường thông thoáng để họ tham gia tích cực hơn vào quá trình điều hành doanh nghiệp, đồng thời tiếp thu các ý kiến, đề xuất họ trong việc nâng cao năng lực quản trị, cắt giảm chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn”, ông Tùng nói.

Minh bạch thông tin cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp

Từ thực tiễn triển khai bán vốn nhà nước của SCIC tại các doanh nghiệp, ông Lê Song Lai đánh giá, chúng ta hiện vẫn còn lúng túng trong việc cân nhắc, hài hòa giữa các mục tiêu tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước với việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược giúp phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn.

Theo ông Lai, bên cạnh yêu cầu tạo lập một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, bảo đảm quy trình bán vốn công khai, minh bạch, cần tổ chức hoạt động bán vốn một cách chuyên nghiệp, lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp, theo sát diễn biến thị trường và thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, tiên phong áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù như bán cả lô, bán cho nhà đầu tư chiến lược, bán dưới mệnh giá...

Liên quan đến việc minh bạch hóa thông tin, bảo đảm cho công chúng và thị trường có được thông tin đầy đủ, kịp thời, ông Vương Tuấn Dương cho rằng, một trong những vấn đề cần phải được cải thiện nhanh chóng, đó là công tác công bố thông tin.

Theo đề xuất của ông Dương, định kỳ hàng năm hoặc tối thiểu là 6 tháng một lần, Chính phủ nên cung cấp cho báo chí, cộng đồng nhà đầu tư những thông tin cơ bản về kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn cho giai đoạn vừa qua, những thành quả đạt được và các biện pháp khắc phục khi không đạt kế hoạch...

Cũng theo ông Dương, trong thời gian tới, Chính phủ cần có biện pháp mạnh mẽ đảm bảo tiến độ chương trình cổ phần hóa, thoái vốn, tránh để các biến động của thị trường, cũng như các yếu tố vĩ mô khác gây ảnh hưởng lớn đến tiến trình tái cơ cấu DNNN. Đối với các thương vụ lớn, Chính phủ cần chuẩn bị kỹ kế hoạch từ sớm và thực hiện dần từng bước, tránh tình trạng "dồn toa" khiến thị trường không kịp hấp thu...

Tin bài liên quan