Đầy đủ và tin cậy: Yếu tố quan trọng bậc nhất của Báo cáo Phát triển bền vững

Đầy đủ và tin cậy: Yếu tố quan trọng bậc nhất của Báo cáo Phát triển bền vững

(ĐTCK) Trong vai trò của một nhà đầu tư, một cổ đông, chính khách, người lao động hay chỉ đơn giản là người tiêu dùng, bạn nghĩ thế nào khi buộc phải đọc những báo cáo dày về số trang, nhưng “mỏng” về nội dung bạn quan tâm?

Đã đến lúc doanh nghiệp (DN), thay vì “cắt và dán”, cần hiểu rõ về các định nghĩa, các khái niệm về phát triển bền vững, vốn dĩ vô cùng dễ kiếm trong thời đại “nếu mà không biết thì tra Google”. DN nên cung cấp cho độc giả thông tin thiết thực, những vấn đề trọng yếu của DN và ngành hàng, những thách thức, rủi ro và cơ hội về phát triển bền vững một cách rõ ràng, súc tích.

Được may mắn là một trong những người tham gia xây dựng bộ “Tiêu chí đánh giá Báo cáo Phát triển bền vững” và bình chọn Báo cáo Phát triển bền vững trong nhiều năm qua, tôi có một vài nhận định về tiêu chí “Nội dung Báo cáo Phát triển bền vững” , bao gồm “Tính đầy đủ” và “Mức độ tin cậy”.

Tính đầy đủ

Một báo cáo hay là báo cáo nhận diện và giải đáp phần lớn các mối quan tâm của các bên liên quan, giúp họ dễ dàng hiểu được phương cách tiếp cận và xử lý vấn đề phát triển bền vững.

Trong quá trình bình chọn, một bản báo cáo ngắn gọn nhưng cung cấp cho độc giả những thông tin liên quan trọng yếu, bao giờ cũng dễ dàng chiếm được cảm tình của người đọc hơn là một báo cáo dài dòng vài trăm trang nhưng tản mạn. Tôi thấy một báo cáo thành công thường có nội dung bao trùm các yếu tố sau:

Bối cảnh hoạt động: Nhiều DN rất thành công trong việc diễn tả mô hình hoạt động, chiến lược phát triển và phương pháp quản trị trên bình diện địa phương, vùng miền, quốc gia và quốc tế.

Đầy đủ và tin cậy: Yếu tố quan trọng bậc nhất của Báo cáo Phát triển bền vững ảnh 1

 Ông Tôn Thất Hạc Minh, Chuyên gia Năng lượng và phát triển bền vững, Tập đoàn IKEA, Khu vực Đông Nam Á, thành viên Nhóm đánh giá chuyên môn về Báo cáo Phát triển bền vững

Quản trị rủi ro: Rủi ro, bao gồm những rủi ro cơ học khách quan, rủi ro pháp lý, rủi ro liên quan đến việc thay đổi cơ chế quản lý, kỳ vọng của công chúng, thay đổi đối tác chiến lược, chính sách…

Cơ hội tiềm năng: Trong thách thức bao giờ cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp sẵn sàng đòn nhận. Các cơ hội có được từ việc thay đổi xu hướng tiêu thụ của người tiêu dùng, thay đổi kỳ vọng từ doanh nghiệp và cổ đông, sự phát triển sản phẩm và dịch vụ… nhằm giảm thiểu tác động môi trường.

Thể chế và quản trị: Làm rõ việc doanh nghiệp đang được vận hành như thế nào để quản lý rủi ro cũng như nắm lấy cơ hội kinh doanh?

Sự phụ thuộc: Cung cấp cho độc giả biết các yếu tố mà doanh nghiệp đang và sẽ chịu tác động trực tiếp từ việc phụ thuộc vào các nguồn lực tự nhiên và xã hội như thế nào, bao gồm việc tiêu thụ và sử dụng các loại tài nguyên như năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, nước, rừng, lao động và quan hệ cộng đồng...

Tác động doanh nghiệp: Các tác động về môi trường và xã hội tạo ra từ hoạt động của DN, bao gồm vấn đề phát thải ra môi trường, chất thải, nhân quyền cũng như vấn đề đạo đức kinh doanh. Chính sách, chiến lược và mục tiêu phát triển bền vững ngắn, trung và dài hạn của doanh nghiệp trên bình diện địa phương, vùng miền, quốc gia, khu vực và quốc tế.

Hoạt động DN: Các hoạt động chính hoặc hoạt động hổ trợ chiến lược kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Cuối cùng là tầm nhìn, viễn cảnh phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Mức độ tin cậy

Về công bố thông tin và số liệu, đôi khi rất khó để nói lên toàn bộ sự thật. “Tốt khoe, xấu che” là tâm lý khá phổ biến của người Á Đông, không chỉ riêng Việt Nam. Điều này được thể hiện ở một số báo cáo phát triển bền vững. Thật dễ dàng để làm nổi bật những thành tích, cống hiến của doanh nghiệp và bỏ qua những tác động bất lợi cho môi trường và xã hội từ hoạt động của doanh nghiệp.

Như tiêu chí bình chọn báo cáo phát triển bền vững, không nhằm để đánh giá thành tích phát triển bền vững của một DN, mà là độ tin cậy trong việc DN cung cấp thông tin về hoạt động phát triển bền vững cho công chúng và nhà đầu tư trong việc thực thi các chuẩn mực về môi trường, xã hội và doanh nghiệp.

Cung cấp một báo cáo “sạch” là một hành vi giúp gia tăng sức hấp dẫn của DN, quảng bá cơ hội đầu tư, phát triển môi trường kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Về kiểm toán độc lập/sự đảm bảo bởi một bên thứ ba, một điều chúng ta phải thừa nhận là “đảm bảo bởi một bên thứ ba” là một bảo chứng cho độ tin cậy, mà độ tin cậy là vấn đề trọng yếu không chỉ đối với vấn đề phát triển bền vững.

Việc đảm bảo bởi bên thứ ba làm gia tăng độ tin cậy vào chất lượng của các chỉ số hoạt động phát triển bền vững, làm tăng khả năng các số liệu này sẽ được dùng cho việc ra quyết định không chỉ bởi công chúng, mà cho cả chính lãnh đạo DN. Đảm bảo bởi bên thứ ba còn thể hiện sự nghiêm túc, chuyên nghiệp cũng như cam kết cao của lãnh đạo DN trong công bố thông tin.

Ngoài ra, việc đảm bảo bởi bên thứ ba là một trong những công cụ đảm bảo chất lượng dữ liệu, đặc biệt là các số liệu phi tài chính, giúp giảm thiểu rủi ro và làm gia tăng giá trị của báo cáo.

Tin bài liên quan