Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị .

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị .

Đầu tư vào Việt Nam: Nhà đầu tư châu Âu quan tâm vượt mong đợi

(ĐTCK) Chia sẻ với ông Paul Aplin, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán kiểm toán viên và công chứng viên Anh (ICAEW) tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác ngày 5/7/2019, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng nói rằng, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam hôm 4/7 thành công vượt mong đợi. Câu chuyện về Việt Nam đã thu hút gần 150 nhà đầu tư Anh và châu Âu đến dự, hội trường phải kê thêm nhiều ghế dự phòng. 

Từ quan tâm đến đầu tư: Cần nhiều sự nỗ lực

Thỏa thuận hợp tác với ICAEW được ký kết giữa 2 vị Chủ tịch ngay trong khuôn khổ cuộc gặp nhằm tạo thêm một cây cầu, giúp các doanh nghiệp Việt Nam được đào tạo, làm quen dần với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, kỹ năng quản trị kinh doanh, kỹ năng phát triển thị trường…

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến cơ hội từ Việt Nam là sự thật, nhưng để thúc đẩy họ bước chân sang tìm đối tác, tìm cơ hội, đòi hỏi họ phải hiểu doanh nghiệp tiềm năng. Báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp “kể” câu chuyện kinh doanh theo ngôn ngữ quốc tế. Việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế (IFRS) mới đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, nhưng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ở London, đây là một chủ điểm được nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành tài chính Việt Nam, nhất là về thời điểm nào các doanh nghiệp sẽ thực hiện.

Đầu tư vào Việt Nam: Nhà đầu tư châu Âu quan tâm vượt mong đợi ảnh 1

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Ngài Đại sứ Anh tại Việt Nam chụp anh cùng các thành viên đoàn tại Sở GDCK London

Nước Anh có tổng đầu tư khoảng 300 tỷ USD ra quốc tế, nhưng tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư trực tiếp từ Anh đạt chưa tới 4 tỷ USD và đầu tư gián tiếp chưa tới 1 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho rằng, đây là những con số quá khiêm tốn so với tiềm lực đầu tư từ Anh và cơ hội từ Việt Nam, nhất là trên thị trường tài chính.

“Việt Nam còn nhiều doanh nghiệp nhà nước cần cổ phần hóa, doanh nghiệp đã cổ phần hóa cần bán vốn, với mong muốn mời gọi các nhà đầu tư châu Âu nói chung và Anh quốc nói riêng tham gia vào tiến trình này”, Bộ trưởng chia sẻ.

Hàng loạt cuộc tiếp xúc trực tiếp đã diễn ra ngay trong khuôn khổ sự kiện giữa nhà đầu tư quốc tế với các doanh nghiệp Việt Nam như Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Công thương  Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn…

Các định chế tài chính trung gian như SSI, BSC, Eastspring Investments cũng bận rộn không kém khi tổ chức nào cũng nhận được ít nhất 2-3 lời đề nghị đối thoại, tìm hiểu cơ hội. Tuy nhiên, để vốn đầu tư từ các thị trường tài chính bậc cao này chảy vào Việt Nam, còn rất nhiều việc phải làm khi nhà đầu tư nơi đây có nhiều câu hỏi không dễ giải.

Ðến từ một tập đoàn chăm sóc sức khỏe của Anh, đang tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, ông Simen Loker đặt câu hỏi rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Vậy bên cạnh nỗ lực kiếm tiền, trách nhiệm xã hội được quan tâm như thế  nào  tại Việt Nam? Các doanh nghiệp có chịu quy định gì, giám sát gì trong việc vì sự phát triển của mình, nhưng không được làm tổn thương môi trường hay không?

Ðến từ Trường Ðại học Hoàng gia London, ông William Arly đặt câu hỏi rằng, bên cạnh cơ hội, những thách thức nhà đầu tư cần vượt qua là gì? Người Anh đặc biệt quan tâm đến sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu, vậy Việt Nam đang bảo vệ những quyền đó như thế nào? Thậm chí, một số câu hỏi nhà đầu tư muốn biết về quyết tâm phòng chống tham nhũng và xử lý nợ công của Việt Nam, bởi với họ, hoạt động đầu tư sẽ chỉ diễn ra trên cơ sở có niềm tin dài hạn và sự minh bạch.

Những doanh nghiệp nào sắp được cổ phần hóa và vấn đề về room ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng là chủ điểm quan tâm tại hội nghị. Việt Nam có thể lập một bảng giao dịch riêng dành cho nhà đầu tư nước ngoài hay không? Với nhiều cổ phiếu đã hết không gian cho nhà đầu tư nước ngoài, liệu phương án đầu tư qua chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) có thể được thực thi ở TTCK Việt Nam không?...

Đầu tư vào Việt Nam: Nhà đầu tư châu Âu quan tâm vượt mong đợi ảnh 2

Chủ tịch UBCK Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với Chủ tịch ICAEW tại Luân Đôn

Cuộc đối thoại vì thế kéo dài hơn dự kiến khi câu chuyện từ Việt Nam rằng, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, nợ công giảm, thủ tục hành chính giảm, chính sách thuế hấp dẫn, TTCK quy mô 200 tỷ USD, thị trường cổ phần hóa có nhiều doanh nghiệp như Agriseco, Mobifone… cần chào bán; thị trường  thoái vốn nhà nước có trên 140 doanh nghiệp với quy mô 5 tỷ USD cần bán…. tạo nên sức hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư sau sự kiện bày tỏ, họ sẽ đến Việt Nam để cảm nhận rõ hơn về bức tranh nền kinh tế mới có thể đưa ra quan điểm về đầu tư cụ thể.

Kỳ vọng tương lai

Trong đánh giá của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK, thì nhà đầu tư châu Âu nói chung và Anh quốc nói riêng rất chuyên nghiệp và đi kèm với đó là sự đòi hỏi rất cao. Nhưng TTCK Việt Nam cũng đang phát triển cả về quy mô và chất lượng, có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiều nhà đầu tư và thực tế, có nhiều nhà đầu tư từ Anh quốc đã từ lâu gắn bó và thành công với TTCK Việt Nam.

“Tôi nghĩ rằng, nhu cầu đầu tư và tiềm năng cơ hội từ hai phía là hiện hữu. Việc còn lại là làm thế nào để 'xây cầu nối' gắn kết hiệu quả”, ông Dũng nói.

Một trong những nhà đầu tư Anh quốc đã gắn bó với Việt Nam là Dragon Capital. Chia sẻ với các nhà đầu tư đến hội nghị, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho biết, ông đã đến Việt Nam từ năm 1995 và tính đến nay, các khoản đầu tư thị trường cổ phiếu mang lại lợi nhuận trung bình khoảng 7%/năm, đầu tư trái phiếu có năm đạt 9% lợi tức.

Ông cũng cho rằng, dù TTCK Việt Nam còn non trẻ, nhưng khi hiểu về Việt Nam, ông dành toàn bộ tâm sức để kết nối cơ hội từ Việt Nam đến các nhà đầu tư ngoại. Hiện Dragon Capital đang quản lý khoảng 3 tỷ USD danh mục  đầu tư vào Việt Nam, nguồn tiền được huy động nhiều từ thị trường Anh và Mỹ.

Một doanh nghiệp gốc Anh, nhưng cái tên đã trở nên quen thuộc với Việt Nam là HSBC. Tập đoàn này có trụ sở tại London, quản lý tổng tài sản trên toàn cầu lên đến gần 2.700 tỷ USD. HSBC đã giúp UBCK có cuộc trao đổi riêng với 15 quỹ đầu tư Anh quốc ngay sau ngày tổ chức hội nghị.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ, HSBC nhận được nhiều ý kiến từ nhà đầu tư châu Âu rằng, họ rất muốn tăng đầu tư vào Việt Nam, nhưng không tìm thấy cơ hội phù hợp.

“Thị trường Việt Nam cần có nhiều hàng hóa chất lượng và cần minh bạch hơn nữa, cải thiện niềm tin và công bố thông tin theo chuẩn quốc tế để giúp nhà đầu tư thấy cơ hội rõ ràng”, ông Hải nói.

Đầu tư vào Việt Nam: Nhà đầu tư châu Âu quan tâm vượt mong đợi ảnh 3

Hàng trăm nhà đầu tư Anh Quốc và châu Âu đến dự Hội nghị, tìm cơ hội về Việt Nam

Dòng vốn đầu tư nước ngoài luôn có xu hướng tìm đến những thị trường giàu tiềm năng, có chính sách vĩ mô ổn định, có tính chuyên nghiệp cao và khả năng bảo vệ lợi ích nhà đầu tư tốt. Mỗi sự kiện trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư đều có mục tiêu chung là đi đến thực tế chia sẻ các góc nhìn về tiềm năng, cơ hội và rủi ro, thách thức, để các nhà đầu tư có cơ sở hoàn chỉnh hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Ðó cũng chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện tính chuyên nghiệp và sự thiện chí với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng, khi đưa được tiềm năng, cơ hội của thị trường vốn Việt Nam đến gần hơn tới nhà đầu tư và trao đổi, giải đáp được những băn khoăn của họ, sẽ thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư có chất lượng vào Việt Nam; các tiêu chí cả về định lượng và định tính của các tổ chức như MSCI hay FTSE Russell sẽ sớm được đáp ứng.

Liên quan đến việc nâng hạng, UBCK đã làm việc với chuyên gia của  FTSE Russell tại London để lắng nghe và giải đáp những điểm chưa đạt trong các tiêu chí nâng hạng khi tổ chức này đánh giá về TTCK Việt Nam năm 2018. Kết quả là nhiều vấn đề đã sáng tỏ, FTSE Russell có thêm niềm tin vào TTCK Việt Nam với dự kiến tháng 8/2019, các bên sẽ cùng rà soát lần cuối 21 tiêu chí xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam để đến tháng 9/2019, hy vọng sẽ có tin vui từ tổ chức này.

Lớn thứ 5 toàn cầu, nền kinh tế Anh có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực như năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo, công nghệ  thông tin, giáo dục đào tạo, dịch vụ tài chính. Như ông Gareth Ward, Ðại  sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam chia sẻ rằng, họ rất muốn làm “cuộc cách mạng”, mang văn hóa sáng tạo sang Việt Nam.

Ðể dòng chảy vốn và theo đó là công nghệ, tri thức… hướng nhiều hơn đến doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực tổng thể, cải thiện môi trường  đầu tư, niềm tin đầu tư, từ đó mới cải thiện hiện trạng trong 300 tỷ USD đầu  tư ra nước ngoài, người Anh mới dành cho Việt Nam chưa đầy 5 tỷ USD.

Tin bài liên quan