Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Đầu tư giá trị không có nghĩa là nắm giữ dài hạn

(ĐTCK) Trong bài viết mới đây, một chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm về kinh doanh và đầu tư đã khẳng định, việc đầu tư giá trị là phải nắm giữ dài hạn. Bài viết ấy được hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận ủng hộ. Tuy nhiên, quan điểm này chưa hẳn là luôn luôn đúng.

Ðể lý giải được vấn đề này, chúng ta cần thống nhất chung quan điểm: đầu tư giá trị là cố gắng đi định giá và tìm kiếm lợi nhuận từ khoảng chênh lệch giữa giá thị trường và giá trị thực của cổ phiếu, hay còn được biết đến với khái niệm là biên an toàn.

Như vậy cơ hội đầu tư giá trị hấp dẫn sẽ xuất hiện khi nhà đầu tư định giá được một cách “tương đối chính xác” giá trị thật của một cổ phiếu, đây là điểm mấu chốt. Trong đầu tư, để định giá một doanh nghiệp có 3 cách phổ biến.

Thứ nhất, định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF); thứ hai định giá so sánh hệ số tương đối - một dạng rút gọn của phương pháp chiết khấu dòng tiền (P/E, EV/EBIT,…) và thứ ba, định giá theo phương pháp giá trị tài sản thuần (Net Net, NAV).

Chính việc một nhà đầu tư sử dụng phương pháp định giá nào trong 3 phương pháp trên sẽ quyết định thời gian nắm giữ hợp lý. Ðôi khi thời gian là “bạn đồng hành” của phương pháp này, nhưng lại là kẻ thù của phương pháp kia. Tại sao lại như vậy?

Đầu tư giá trị không có nghĩa là nắm giữ dài hạn ảnh 1

Ðối với phương pháp định giá thứ nhất và thứ hai, thời gian đủ dài là điểm mấu chốt để kiếm được lợi nhuận. Có thể ở thời điểm hiện tại, những chỉ số tài chính không thể hiện được doanh nghiệp đó đủ hấp dẫn về định giá, nhưng nhà đầu tư biết được trong tương lai triển vọng kinh doanh sẽ tích cực và khi chiết khấu về hiện tại trong khoảng thời gian 5-10 năm thì mức giá hiện tại đang là rất rẻ.

Nếu triển vọng tăng trưởng vẫn tích cực thì tăng thời gian lên 10-15 năm thậm chí xa hơn, cổ phiếu lại càng rẻ hơn nữa.

Như vậy, lúc này thời gian là yếu tố giúp doanh nghiệp trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã từng nói: “Khoảng thời gian mà tôi muốn nắm giữ cổ phiếu là mãi mãi”.

Chính Buffett cũng đã khẳng định mua và nắm giữ (Buy and Hold) là một nhánh của đầu tư giá trị, thứ mà ông chỉ thực sự nhận ra khi gặp Charlie Munger.

Ðiều lưu ý, một nhà đầu tư giá trị theo phương pháp mua và nắm giữ cần phải trả lời các câu hỏi như: Ban lãnh đạo công ty có chính trực? Công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững? Ðộ rộng thị trường của sản phẩm có đủ lớn để công ty tăng trưởng?

Những câu hỏi này để biết rằng, công ty ấy có tốt không trước khi đi định giá. Ðịnh giá là công việc rất tốn kém thời gian, đòi hỏi một sự nghiên cứu nghiêm túc và rất dễ mắc sai lầm.

Ðó là lý do tại sao trên thế giới có hàng chục triệu người muốn như Buffett và Munger, nhưng chưa ai làm được.

Tuy nhiên, đầu tư giá trị không chỉ có mua và nắm giữ với phương châm lãi kép và thời gian là “bạn đồng hành”. Ở một góc nhìn khác, thời gian lại là “kẻ thù” của phương pháp thứ ba mà chúng ta đã đề cập ở trên, phương pháp giá trị tài sản thuần.

Ðối với phương pháp này, nhà đầu tư giá trị không đi tìm những doanh nghiệp tốt được sở hữu bởi một ban lãnh đạo chính trực.

Cái nhà đầu tư đi tìm là tập trung vào giá trị thanh lý của công ty, hay được Buffett nhắc đến là “những mẩu xì gà hút dở”, thứ có thể mang đến những khoản lợi nhuận kếch xù mà không phải chờ quá lâu.

Hãy tưởng tượng nếu bạn thấy một công ty đang làm ăn thua lỗ có có lượng tiền hoặc tương đương tiền và tài sản được đánh giá lại theo giá thị trường là 500 tỷ.

Trong khi đó, chỉ phải bỏ ra 200 tỷ tiền mặt để mua toàn bộ cổ phần công ty (con số này chính là vốn hóa thị trường) và 100 tỷ để trả nợ cho công ty đó.

Như vậy, lúc này tổng số tiền nhà đầu tư bỏ ra để mua đứt công ty là 300 tỷ, nhưng khi đem đi giải thể thì số tiền thu về là 500 tỷ, thực sự là một ván bài hấp dẫn. Ðây chính là “điếu xì gà hút dở” mà Buffett vẫn luôn nhắc đến trước khi ông gặp Munger.

Ðối với chiến lược này, nhà đầu tư cần phải hiểu: chính vì công ty đang làm ăn thua lỗ nên mới có một mức thị giá hấp dẫn như vậy. Nhưng thử hình dung, nếu công ty không giải thể và lấy tiền chia cho cổ đông mà tiếp tục đầu tư gây lỗ tiếp thì điều gì sẽ xảy ra?

Xác suất rất cao là giá trị đánh giá lại 500 tỷ sẽ giảm đi và một lúc nào đó con số này nhỏ hơn 300 tỷ. Từ một món hời trở thành gánh nặng. Có thể hiểu rằng, thời gian trong phương pháp này trở thành “kẻ thù” của bạn, càng rút ngắn thời gian trở về giá trị thực bao nhiêu thì khả năng sinh lời càng cao và rủi ro càng thấp.

Một điều nữa cần chú ý, mỗi chiến lược đầu tư giá trị là để phù hợp với từng giai đoạn thị trường khác nhau.

Trong một thị trường mới bước qua suy thoái, đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ hồi phục thì phương pháp giá trị tài sản thuần đã được chứng minh là phương pháp kiếm lợi nhuận tốt nhất.

Tuy nhiên, khi thị trường đã ở một giai đoạn tăng trưởng nhất định, việc chúng ra đi tìm những “mẩu xì gà hút dở” là vô cùng khó khăn, vì lúc này giá trị thị trường thường đã được “sự kỳ vọng” đẩy lên rất cao so với giá thanh lý. Lúc này chiến lược phù hợp là đầu tư giá trị theo phương pháp mua và nắm giữ.

Với những diễn biến hiện tại của TTCK Việt Nam, hàng loạt cổ phiếu lớn đã về dưới mức giá trị sổ sách và có thể đã dưới mức thanh lý.

Rất nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn đang chờ chúng ta phía trước. Việc cần làm lúc này là kiên trì để rút ngắn tối đa thời gian nắm giữ. Thời gian không phải lúc nào cũng là “bạn đồng hành” đối với một nhà đầu tư giá trị chân chính.

Tin bài liên quan