Cổ phiếu TAG tăng giá sau thông tin MWG đang để ý đến Trần Anh

Cổ phiếu TAG tăng giá sau thông tin MWG đang để ý đến Trần Anh

Đầu tư đón sóng M&A: Cẩn trọng với bẫy giá cổ phiếu

(ĐTCK) Những thông tin liên quan đến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp niêm yết thường tạo ra những con sóng về giá cổ phiếu. Tuy nhiên, việc đầu tư đón đầu các thương vụ này trong nhiều tình huống lại có thể khiến nhà đầu tư nhận những trái đắng khó lường.

TAG tăng giá nhờ MWG

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/5/2017, cổ phiếu TAG của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh có giá 18.800 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua của TAG, với nguyên nhân chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh ở mức trung bình và áp lực cạnh tranh lớn của ngành, nhất là trong bối cảnh Thế giới di động mở rộng đầu tư vào mảng điện máy.

Năm 2016, Công ty Thế giới số Trần Anh đạt doanh thu thuần 4.098 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 21,548 tỷ đồng. Với kết quả này, thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phần TAG đạt 868 đồng. Quý I năm nay, TAG đạt hơn 1.134 tỷ đồng doanh thu thuần và 6,865 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương mức thu nhập trên mỗi cổ phần là 277 đồng.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư nếu có thể mua được cổ phiếu TAG ở mức giá trên, đến thời điểm này đã có thể đạt được mức lợi nhuận lên tới hơn 100% chỉ sau tròn 3 tháng. Bởi kết thúc phiên giao dịch ngày 23/8/2017, TAG có mức giá 38.000 đồng/cổ phiếu.

Việc tăng giá này chủ yếu đến từ tin đồn Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đang “để ý” Trần Anh. Đến nay, với việc Hội đồng quản trị của Trần Anh xin ý kiến cổ đông về việc cho phép MWG được mua trên 25% vốn điều lệ của Trần Anh mà không cần phải chào mua công khai, thì có lẽ, tin đồn là chính xác.

Tuy nhiên, việc mua vào cổ phiếu TAG của nhà đầu tư để ăn theo thương vụ này, có thể sẽ không mang lại kết quả ngọt ngào như mong đợi.

Việc Hội đồng quản trị Trần Anh xin ý kiến cổ đông cho phép MWG mua cổ phần như tờ trình cho thấy, nhiều khả năng MWG đã đạt được thỏa thuận với các cổ đông lớn của TAG về việc mua lại cổ phần. Theo dữ liệu giao dịch, cổ phiếu của Trần Anh hầu như không có thanh khoản. Thời gian gần đây, thanh khoản đã được cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp.

Thêm vào đó, theo cơ cấu sở hữu Trần Anh đã công bố trong Báo cáo thường niên năm 2017, thì hiện tại, 74,77% vốn điều lệ của Công ty được sở hữu bởi các cổ đông lớn. Với cơ cấu này, trừ khi đã đạt được thỏa thuận với các cổ đông lớn, nếu không, MWG sẽ rất khó để đạt được mục tiêu M&A mà không cần xin chào mua công khai. Cơ hội để giá TAG tăng nhờ cạnh tranh về giá sẽ ở mức rất thấp.

Chưa kể, mặc dù xét theo thời gian, kết quả kinh doanh của Trần Anh liên tục tăng trưởng mạnh kể từ năm 2013 đến nay. Tuy nhiên, xét theo định giá, thu nhập trên mỗi cổ phần TAG ở mức thấp và khó có cơ hội bứt phá khiến cổ phiếu này hiện ở mức định giá không hề rẻ. Hiện tại, cổ phiếu TAG đang giao dịch với P/E lên tới trên 60 lần, cao hơn rất nhiều so với MWG.

Trong khi đó, đến cuối năm 2016, Trần Anh mới có 33 cửa hàng, bao gồm 11 điểm bán mới mở năm 2016, tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung.

So sánh với quy mô vốn chủ sở hữu 293 tỷ đồng tính đến hết quý I/2017 và uy tín thương hiệu Trần Anh đã có từ lâu, thì đây là một điểm cộng lớn cho Trần Anh. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh ở mức khiêm tốn cho thấy, Công ty chưa phát huy được lợi thế của mình.

Bản thân Ban lãnh đạo Công ty cũng nhận định, áp lực cạnh tranh trong bán lẻ mặt hàng điện máy thời gian tới sẽ rất lớn. Nếu xảy ra việc sáp nhập Trần Anh vào MWG thì chưa hẳn nhà đầu tư đã có lợi, bởi hiện tại, chính MWG cũng đang kinh doanh mảng điện máy xanh, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Trần Anh.

Sau thông tin về thương vụ M&A Trần Anh của MWG, nhiều chuyên gia phân tích đặt câu hỏi, vì sao MWG phải thâu tóm Trần Anh, khi mà về cơ bản, MWG có hầu như đủ các cửa hàng tại những nơi Trần Anh đang hiện diện?

Lãnh đạo MWG từng cho rằng, đây là cách nhanh nhất để công ty này tấn công mạnh hơn thị trường phía Bắc, nhưng liệu điều này có khiến những cổ đông còn lại của Trần Anh sau thương vụ M&A (nếu không xảy ra một vụ sáp nhập Trần Anh vào MWG) bị thiệt thòi?

Cẩn trọng bẫy giá cổ phiếu

Đầu năm 2017, cổ phiếu STB của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có giá thấp nhất là 8.200 đồng/cổ phiếu. Đến thời điểm hiện tại, STB đang giao dịch ở vùng giá từ 11.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu, sau khi đã điều chỉnh giảm từ mức giá cao nhất trước đó là 14.600 đồng/cổ phiếu (đạt được ngày 21/6/2017).

Nguyên nhân diễn biến này chủ yếu đến từ các thông tin về khả năng nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng - ông Đặng Văn Thành quay trở lại, có đối tác nước ngoài muốn mua Sacombank, các ứng viên Hội đồng quản trị đến từ LienViet Post Bank đã tạo sức nóng cho cổ phiếu.

Tuy nhiên, có một sự thật là Sacombank, dù ông chủ nào lên nắm quyền điều hành, cũng đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn về tài chính, do nợ xấu lớn và hoạt động kinh doanh sa sút.

Các nhà đầu tư lao vào mua cổ phiếu này sau thông tin về nhân sự và phương án M&A đa số dẫn đến tình trạng thua lỗ, bởi suy đến cùng, STB vẫn cần thời gian để thực hiện tái cấu trúc hoạt động của mình, trước khi kỳ vọng mang lại trái ngọt cho cổ đông.

Tương tự câu chuyện của STB, từ vùng giá ổn định xấp xỉ 25.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh tăng giá một mạch lên gần 42.000 đồng/cổ phiếu sau khi phương án nhận sáp nhập Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) được công bố. Lý do thị trường kỳ vọng chính là việc sáp nhập 2 doanh nghiệp này sẽ tạo ra một công ty mía đường mới với quy mô vốn điều lệ 5.570,202 tỷ đồng.

Với mức giá gần 30.000 đồng/cổ phiếu, SBT sau hoán đổi sẽ có vốn hóa lên tới trên 16.000 tỷ đồng. Nếu đạt được mức giá xấp xỉ 40.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của SBT sẽ còn lớn hơn nữa. Ở mức vốn hóa này cùng vị thế ngành, thị trường kỳ vọng cầu ngoại vào SBT sẽ tăng lên. Tuy nhiên, giá SBT sau khi đạt ngưỡng hơn 40.000 đồng/cổ phiếu đã rơi một mạch về mức dưới 30.000 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư chỉ còn ôm lại nỗi thất vọng thua lỗ và chờ đợi.

Không chỉ các doanh nghiệp có thông tin M&A, một loạt cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung hoặc đã đăng ký giao dịch trên UPCoM đều đã tăng giá mạnh sau khi cổ đông nhà nước thoái vốn và có thông tin mua vào cổ phiếu. Tuy nhiên, đa số các trường hợp, sau thâu tóm của nhà đầu tư bên ngoài, các nhà đầu tư ăn theo thường không đạt được kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng.

Chẳng hạn, cổ phiếu SWC của Công ty cổ phần Đường sông Miền Nam sau khi thoái vốn nhà nước, đã có lúc đạt 21.700 đồng, tính giá sau điều chỉnh quyền tương đương mức khoảng 17.250 đồng/cổ phiếu (do Công ty chia cổ tức bằng tiền). Tuy nhiên, giá SWC sau khi tăng ấn tượng, hiện tại chỉ còn 12.800 đồng/cổ phiếu, về gần ngưỡng giá của 1 năm về trước. Hay cổ phiếu MHC của Công ty cổ phần MHC hiện nay chỉ còn có giá 5.680 đồng/cổ phiếu, dù trước đó gần 2 năm, trong lúc hưng phấn bởi “cuộc chơi” thâu tóm, cổ phiếu này có giá lên tới xấp xỉ 14.000 đồng/cổ phiếu.

Cũng có những trường hợp, sau thâu tóm, giá cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh và kéo dài nhờ thay đổi quản trị và chất lượng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, như trường hợp của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), hoặc Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (DCL), nhưng phần còn lại của cuộc chơi, chiếm tỷ trọng lớn hơn, lại là những thương vụ lên cao nhờ M&A và… lao dốc.          

Tin bài liên quan