Thị trường luôn có những biến động lớn, đôi khi việc tuân thủ mục tiêu còn quan trọng hơn cả việc lựa chọn cổ phiếu

Thị trường luôn có những biến động lớn, đôi khi việc tuân thủ mục tiêu còn quan trọng hơn cả việc lựa chọn cổ phiếu

Đầu tư chứng khoán, không chỉ biết mà còn cần hiểu (Kỳ cuối): Thiết lập một mục tiêu rõ ràng

(ĐTCK) Không nói về kỹ thuật trading hay kinh nghiệm, trong bài viết này, người viết chỉ muốn hướng nhà đầu tư chứng khoán tới cách đầu tư chuyên nghiệp hơn, thông qua việc thiết lập một mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường, có khả năng thực hiện được cho riêng mình.

Mỗi nhà đầu tư cá nhân khi mới bước chân vào thị trường chứng khoán thường đặt ra những câu hỏi kiểu như: Mua mã nào, đánh con gì sao cho thu lời nhiều nhất có thể? Mã nào sắp tới tăng nhanh nhất, tiền vào nhiều nhất? Đội nào đang đánh lên cổ phiếu X?...

Có thể nói, chúng ta đã sai ngay từ những suy nghĩ đầu tiên và đây là một lỗi rất cơ bản của nhà đầu tư cá nhân. Điều này đã tạo ra một cộng đồng chơi chứng khoán, chứ không phải đầu tư chứng khoán, khiến cho một đội ngũ tư vấn ra đời cũng ráo riết chạy theo nhu cầu này của các nhà đầu tư.

Hãy nhìn xem khi các định chế tài chính, tổ chức lớn họ làm những gì khi bước chân vào đầu tư?

Có thể khái quát những bước cơ bản trong quá trình đầu tư của một tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như sau: Một là, thiết lập mục tiêu đầu tư; Hai là, lựa chọn và phân bổ tài sản; Ba là, lựa chọn chiến lược đầu tư; Bốn là, giải ngân; Cuối cùng là theo dõi và cập nhật danh mục của mình.

Nhìn các bước trên, dễ thấy nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ tập trung vào hai bước cuối cùng là chọn tài sản, giải ngân và theo dõi danh mục. Đây là hai bước quan trọng nhất trong một quy trình quản lý danh mục đầu tư, quyết định lời lỗ, nhưng lại được đặt xuống cuối cùng trong quy trình. Điều này có lý do là việc thiết lập mục tiêu đầu tư là cái nên làm trước và cũng không kém phần quan trọng trong một chặng đường đầu tư dài.

Nhà đầu tư không phải cứ quăng tiền vào thị trường chứng khoán, rồi tìm vận may rủi trong kênh đầu tư này. Ngay cả với hoạt động phụ thuộc vào yếu tố may rủi, các cụ có câu: “Cờ bạc ăn nhau lúc gà gáy”, ai giữ được tinh thần, sự kiên trì không biết mệt mỏi thì sẽ giành được phần thắng sau cùng.

Đầu tư chứng khoán, không chỉ biết mà còn cần hiểu (Kỳ cuối): Thiết lập một mục tiêu rõ ràng ảnh 1

Nói như vậy để thấy rằng, nếu không thiết lập mục tiêu đầu tư ngay từ đầu, trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư chứng khoán rất có thể rơi vào trạng thái tinh thần chán nản, mất định hướng và cuối cùng phải ôm thất bại. Chính những lớp nhà đầu tư như vậy đã hình thành nên một cộng đồng những người trẻ với tư duy không thay đổi, vẫn bước vào chơi chứng khoán và tiếp tục đi theo vết xe đổ của những nhà đầu tư đi trước.

Quay lại với việc thiết lập mục tiêu đầu tư đã đề cập ở trên, các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể không làm được tất cả các bước của một nhà đầu tư tổ chức, vì thời gian và nguồn lực có hạn, nhưng cũng cần tiến hành một cách tương đối đầy đủ những bước sau:

Xác định được mức sinh lời kỳ vọng. Việc này giúp tạo nền tảng cho việc xác định mức chấp nhận rủi ro phía dưới, mức sinh lời lớn bắt buộc phải đi kèm rủi ro cao. Câu chuyện “tham thì thâm” luôn hiện diện trên thị trường chứng khoán, nơi hàng ngày chúng ta đều phải đối mặt với những quyết định về đồng tiền.

Nếu không đặt ra mục tiêu, nhà đầu tư rất dễ rơi vào trường hợp không biết chốt lời ở đâu, giá nào, hay mua rồi ôm mãi từ ngày này sang tháng nọ nhìn giá cổ phiếu lên tới đỉnh xong lại bò về đáy mà không ra được quyết định. Theo phương pháp đầu tư tăng trưởng, 1 năm nếu thuận lợi sẽ mang về cho nhà đầu tư mức sinh lời khoảng 30 - 50% (chưa margin). Đây cũng là một căn cứ để nhà đầu tư đặt ra mức sinh lời kỳ vọng cho mình.

Xác định được mức chấp nhận rủi ro. Rủi ro trong tài chính được xem là độ biến động của lợi nhuận quanh một khoảng nào đó. Không thể nào đặt mức sinh lời kỳ vọng rất cao, nhưng lại chọn những tài sản khá an toàn như gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi…

Khi làm việc với các nhà đầu tư tổ chức, đây là phần họ tập trung khảo sát và điều tra lâu nhất, bạn phải dựa trên tổng tài sản, nguồn lực, khả năng và tính cách và độ tuổi của nhà đầu tư đó.

Nếu số vốn của bạn là tiền nhàn rỗi, có mất hết cũng không sao thì mức chấp nhận rủi ro của bạn là rất cao, hệ số ngại rủi ro thấp, bạn không có mục tiêu cụ thể mà chỉ cần kiếm càng nhiều càng tốt.

Điều này khác với những người có mục tiêu mua xe, mua nhà, cho con đi du học hay tiết kiệm một phần vốn để dưỡng già, để lại tài sản cho con cháu thừa kế.

Nhà đầu tư cần suy nghĩ kỹ về vấn đề này, nó sẽ có tác dụng rất tốt, để chúng ta tự hiểu mình hơn nữa, hiểu tính cách, hoàn cảnh hiện tại và mục tiêu định hướng rõ ràng để đạt được nó. Từ đó mới có chiến lược, cách chọn các loại cổ phiếu khác nhau. Mức sinh lời càng lớn, mức cắt lỗ cũng phải cao, thể hiện mức “chịu đựng” của mỗi người.

Xác định được thời gian nắm giữ: Đừng lên mục tiêu rằng mình sẽ nắm giữ cổ phiếu này 1 - 2 tháng mà mới 1 - 2 ngày giá cổ phiếu giảm tâm trạng đã rối bời, hỏi người này người khác tham khảo nên mua hay bán. Hãy nhớ lại bạn mua cổ phiếu vì lý do gì, thì xem lý do đó đã thay đổi hay chưa, nếu chưa tại sao lại bán? 

Vậy tại sao phải thiết lập mục tiêu đầu tư?

Thị trường luôn có những biến động lớn, đôi khi việc tuân thủ mục tiêu còn quan trọng hơn cả việc lựa chọn cổ phiếu. Thiết lập mục tiêu càng rõ ràng, chi tiết bao nhiêu càng giúp nhà đầu tư tuân thủ tốt bấy nhiêu.

Những nhà đầu tư có thâm niên trên thị trường từng trải qua thời huy hoàng của thị trường từ 2006 tới tháng 10/2007, thời mà chỉ cần nắm giữ cổ phiếu là có lãi lớn, rồi sau giai đoạn 2008 phải mang cổ phiếu ra bán giá sàn hàng tháng trời mà không có ai mua. Không ít nhà đầu tư “tới giờ vẫn còn cảm giác sợ hãi” khi nhà cửa, xe cộ phút chốc bốc hơi vì chứng khoán. Giai đoạn đó, đâu ai quan tâm tới thiết lập mục tiêu hay kỳ vọng lời, rủi ro làm gì.

Đầu tư chứng khoán, không chỉ biết mà còn cần hiểu (Kỳ cuối): Thiết lập một mục tiêu rõ ràng ảnh 2

Tôi muốn mọi người hiểu rằng, chúng ta cần xác định khả năng sinh lời tới mức nào đó và chỉ chấp nhận rủi ro tới mức đó và luôn như vậy cho tới khi chúng ta thiết lập lại mục tiêu. Nhiều nhà đầu tư đã thoái khỏi những trận giảm giá kinh điển của các cổ phiếu cũng vì tuân thủ việc thiết lập mục tiêu ban đầu của mình.

Trong chứng khoán, không ai nói trước được điều gì, nên các nhà đầu tư đi trước, có hiểu biết, dày dặn kinh nghiệm luôn thận trọng hơn lớp trẻ sau này. Nếu nhà đầu tư nào chưa tin, chưa sợ, thì có thể mất tiền thêm nhiều lần nữa để nhận ra các bước quan trọng mà tôi nói phía trên.

Chính vì lẽ đó mà các bậc thầy trong đầu tư chứng khoán mới sinh ra các khái niệm “bảo toàn vốn là quan trọng nhất”, “phải giữ được tiền trước khi kiếm tiền”...

Bạn thử nghĩ kiếm được một khoản lời rất lớn từ cổ phiếu nào đó, nếu rút hẳn thì không sao, nhưng những lần tái đầu tư sau này có phải tài khoản bị bào mòn dần?

Những nhà đầu tư nghiêm túc, muốn gắn bó lâu dài với kênh này, muốn kiếm tiền để đạt được sự tự do tài chính từ chứng khoán, đạt được mục tiêu của mình nên thay đổi thái độ ngay từ bước đầu tiên. Thay vì thử và sai thì hãy tham khảo từ người đi trước, nên tránh đi những trận đánh một mất một còn, nếu còn muốn chặng đường đầu tư được suôn sẻ hơn.

Bản thân mỗi người sẽ có một con đường hướng tới sự thành công khác nhau, nhưng chưa ai đi tới thành công mà không phải trải qua những gian nan, khổ cực. Phải không ngừng học hỏi, phải mất thời gian, kiềm chế cảm xúc, lòng tham và nỗi sợ hãi. Chứng khoán cũng như bao kênh đầu tư khác, nếu bạn đã chọn thì hãy làm tới cùng. Thay vì đứng núi nọ trông núi kia thì hãy luôn mang tư duy cố gắng.

Tin bài liên quan