Các nhà đầu tư trông đợi yếu tố chuyên nghiệp, lành nghề của các “tướng” mới sẽ mang lại nhiều nét mới trong hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ chứng khoán.

Các nhà đầu tư trông đợi yếu tố chuyên nghiệp, lành nghề của các “tướng” mới sẽ mang lại nhiều nét mới trong hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ chứng khoán.

Đầu năm, nhiều công ty chứng khoán... “thay tướng”

(ĐTCK) Đầu năm 2020, nhiều công ty chứng khoán bất ngờ… “thay tướng”. Phía sau động thái này là kỳ vọng người mới sẽ mang lại hướng đi mới cho công ty nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh trong cuộc chiến giành thị phần dịch vụ chứng khoán ngày một khốc liệt.

Người mới, người cũ

Sau quyết định bổ nhiệm của Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND), ông Đỗ Ngọc Quỳnh chính thức đảm đương vị trí quyền Tổng giám đốc VND từ ngày 15/1/2020, thay bà Phạm Minh Hương.

Bà Hương san sẻ ghế điều hành cho ông Quỳnh trong bối cảnh bà nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VND kể từ khi ông Nguyễn Hoàng Giang từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc (hiện ông Giang vẫn là thành viên Hội đồng quản trị VND).

Tuy không phải là “dân chứng khoán”, nhưng ông Quỳnh không phải xa lạ gì với giới tài chính, bởi ông từng giữ vị trí Giám đốc kinh doanh vốn và tiền tệ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhiều năm.

Đồng thời, liên tục nhiều năm qua, ông Quỳnh nắm giữ vị trí Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).

Có lẽ vậy nên ông Quỳnh thể hiện sự điềm tĩnh khi đảm đương vị trí “ghế nóng” tại VND.

Một đồng nghiệp của ông Quỳnh từng ở VBMA với vai trò Phó chủ tịch là ông Trịnh Hoài Giang, sau nhiều năm đảm đương vị trí Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa được Hội đồng quản trị công ty này bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc, thay cho ông Johan Nyvene.

Ông Giang sẽ ngồi vào ghế cao nhất trong Ban điều hành HSC từ ngày 1/4/2020, hoặc kể từ ngày có hiệu lực của quyết định điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp cho HSC về thay đổi người đại diện theo pháp luật sau khi Hội đồng quản trị HSC chấp nhận đơn từ chức của ông Johan Nyvene.

Tổng giám đốc đương nhiệm có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc cho Tổng giám đốc mới trước ngày 31/3/2020.

Sau 13 năm nắm giữ vị trí Tổng giám đốc, ông Johan Nyvene sẽ vẫn giữ vai trò thành viên Hội đồng quản trị và tiếp tục đóng góp cho HSC với những kinh nghiệm của một nhà quản lý am hiểu thị trường tài chính.

13 năm làm việc tại HSC, ở vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư và vận hành, ông Giang là nhà điều hành dày dạn kinh nghiệm.

Ông định hướng tiếp tục nâng cao vị thế của HSC, trong đó tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, số hóa các dịch vụ tiện ích và nâng cấp hạ tầng công nghệ, củng cố nền tảng quản trị rủi ro và tuân thủ.

Khác với VND hay HSC là những “ông lớn” trên thị trường, thường xuyên có mặt trong Top 4 công ty chứng khoán chiếm thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lớn nhất, một công ty chứng khoán ít tên tuổi là Công ty Chứng khoán HDB (HDBS) với tiền thân là Công ty Chứng khoán Phú Gia vừa chốt phương án thay đổi nhân sự cao cấp.

Theo đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 của HDBS đã miễn nhiệm toàn bộ 4 nhân sự trong Hội đồng quản trị gồm: Chu Việt Cường, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Ngọc Lâm và Nguyễn Thị Vân.

Cùng với đó, Đại hội đã thông qua phương án giảm số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015 - 2020 từ 4 người xuống 3 người gồm: Nguyễn Đoàn Duy Ái, Phạm Khắc Dũng, Nguyễn Thị Tích. Trong đó, bà Nguyễn Đoàn Duy Ái được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Phạm Khắc Dũng giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 6/1/2020.

Áp lực “ghế nóng”

Để duy trì được phong độ luôn có mặt trong Top 3 - 4 công ty chứng khoán nắm giữ thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lớn nhất trên cả sàn HOSE lẫn HNX trong bối cảnh cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán ngày một gay gắt, những “tướng” mới tại các công ty chứng khoán ít nhiều cảm nhận được áp lực từ “ghế nóng”.

“Thực ra, tính chất công việc điều hành sẽ không có nhiều cái mới, nhưng áp lực nhất khi lên nắm giữ vị trí Tổng giám đốc với tôi là làm sao phải liên tục tạo ra sự đổi mới trong hoạt động của HSC, để thích ứng tốt với sự thay đổi của thị trường.

Vị trí đứng đầu Ban điều hành phải đưa ra nhiều quyết định hơn, mang tính rộng hơn…”, ông Trịnh Hoài Giang chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.

Từ vị trí Phó tổng giám đốc lên Tổng giám đốc, ông Giang chia sẻ về 3 thay đổi lớn mà ông phải đương đầu trong thời gian tới.

Đầu tiên, thay vì ở vị trí Phó tổng giám đốc quản lý 200 nhân sự làm việc ở một số mảng, thì ở vai trò lãnh đạo cao nhất trong Ban điều hành, ông phải quản lý, nắm bắt hoạt động của 1.000 con người làm việc ở tất cả mảng.

Thứ hai, khi còn làm phó, ông chỉ quản lý các khối kinh doanh, phát triển sản phẩm, hệ thống công nghệ, nhưng khi ngồi vào ghế cao nhất trong Ban điều hành, ngoài việc phải có tầm bao quát các mảng này, còn phải nắm bắt toàn bộ các mảng hoạt động khác của HSC như quản trị rủi ro, quản trị công ty, quản lý các nguồn lực…

Thứ ba, ở vai trò Tổng giám đốc, ông phải đưa ra quyết định nhiều hơn và đương nhiên cùng với đó là phải chịu trách nhiệm cao hơn, bao gồm rủi ro trong hoạt động quản lý, điều hành lớn hơn.

Áp lực là vậy, nhưng các “tướng mới” ở các công ty chứng khoán khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đều thể hiện sự tự tin trong đương đầu với thách thức, để không chỉ duy trì vị thế trong khối công ty chứng khoán, mà còn đưa công ty bứt phá khi có cơ hội tốt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cũng như triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay được nhìn nhận là có không ít tín hiệu khả quan.

“Sự biến động của thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch đầu năm 2020 mang tính ngắn hạn, nên nhìn về cả năm nay, triển vọng để thị trường vận động theo chiều hướng tích cực là khả thi nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố.

Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành linh hoạt, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước ngày càng chuyên nghiệp trong điều hành chính sách tiền tệ với việc nắm chắc các dữ liệu, cũng như diễn biến thị trường.

Những yếu tố này sẽ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ trong năm nay, mà thậm chí dài hơn sẽ có bước phát triển tích cực, qua đó tiếp tục gia tăng quy mô của thị trường…”, ông Giang nói.

Thị trường chứng khoán vận động theo chiều hướng đó thì có thể nói là các “tướng” mới ở các công ty chứng khoán… gặp thời.

Thực tế, trong nhiều năm qua, khối công ty chứng khoán thường xuyên diễn ra cảnh thay đổi nhân sự cấp cao, liên quan đến định hướng hoạt động và phát triển của mỗi công ty, cũng như khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thị trường khó khăn.

Có những công ty hoạt động hiệu quả hơn sau khi có nhân tố mới, nhưng cũng có công ty vẫn giậm chân tại chỗ.

Năm nay, thị trường nói chung, các nhà đầu tư nói riêng trông đợi yếu tố chuyên nghiệp, lành nghề của các “tướng” mới sẽ mang lại nhiều nét mới trong hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ chứng khoán thời gian tới.

Tin bài liên quan