Năm 2018 có thể xem là một năm khá thành công với SHS, dù thị trường nhiều biến động.

Năm 2018 có thể xem là một năm khá thành công với SHS, dù thị trường nhiều biến động.

Đầu năm, “ngắm” khát vọng gọi vốn

(ĐTCK) Tuần giao dịch đầu tiên của năm 2019, rất nhiều doanh nghiệp đã rầm rộ công bố kế hoạch gọi vốn từ cổ đông. Liệu động thái này mang lại niềm tin về một năm mới kinh doanh khả quan, hay khiến nhà đầu tư trở nên e ngại?

SRA: Chào bán tăng vốn gấp 8 lần

Ngày 17/1/2019 tới đây, Công ty cổ phần (CTCP) Sara Việt Nam (SRA) sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện chào bán 16 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng. Với tỷ lệ thực hiện quyền 1:8 (1 cổ phiếu cũ mua thêm 8 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu), nếu tăng vốn thành công, SRA sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng vốn nhanh nhất trên sàn chứng khoán trong hơn 1 năm qua.

Thông báo chào bán của SRA cho biết, toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để đầu tư vào 3 dự án liên doanh liên kết lắp đặt máy chụp cắt lớp vi tính 640 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ 3.0 tesla và hệ thống máy spect tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ với tổng vốn đầu tư 169 tỷ đồng, trong đó 160 tỷ đồng lấy từ vốn chào bán cho cổ đông và 9 tỷ đồng từ nguồn vốn hiện có của Công ty.

Ngay trước thời điểm chốt quyền tăng vốn, SRA đã công bố báo cáo tài chính cả năm 2018 với doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ, tạo điểm tựa để nâng cao khả năng gọi vốn thành công.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của SRA, riêng trong quý IV/2018, doanh thu thuần đạt 206 tỷ đồng, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2017. Với chi phí bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý và thuế gần như không đáng kể, kết quả là Công ty thu về lợi nhuận sau thuế (LNST) 44,3 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ năm 2017.

Lũy kế cả năm 2018, doanh thu của SRA đạt 392 tỷ đồng, LNST 104,9 tỷ đồng, đều tăng gấp 10 lần năm 2017. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) ghi nhận mức cao kỷ lục trên thị trường chứng khoán với 51.851 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/1 tại 33.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng mỗi cổ phiếu SRA chỉ đang giao dịch ở mức bội số giá trên thu nhập (P/E) 0,65 lần, thuộc nhóm thấp nhất thị trường. 

SHS phát hành gần 102 triệu cổ phiếu, tăng gấp đôi vốn điều lệ

Ngày 15/1/2019, CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) đã chốt danh sách cổ đông để phát hành gần 102 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ gấp đôi, từ 1.054 tỷ đồng hiện tại lên 2.073 tỷ đồng.

Trong số này, 26,35 triệu cổ phiếu được SHS phát hành nhằm trả cổ tức từ nguồn LNST năm 2017. 70,26 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời, 5,26 triệu cổ phiếu sẽ được chào bán cho cán bộ, nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) cũng với giá 12.000 đồng/cổ phiếu.

Đây là kế hoạch tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2018 của SHS thông qua với mục đích huy động vốn cho các hoạt động cho vay ký quỹ, đầu tư tài chính, bảo lãnh phát hành... nhằm tăng khả năng cạnh tranh, nắm bắt được các cơ hội phát triển khi thị trường chứng khoán đang trên đà tăng trưởng.

Năm 2018 có thể xem là một năm khá thành công với SHS, dù thị trường nhiều biến động. Tuy chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm nhưng trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu hoạt động và LNST đã ghi nhận mức tăng 27,0% và 8,3% so với cùng kỳ năm 2017; hoàn thành 69% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm, ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Về thị phần môi giới, dù giảm 2 bậc trên sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ thứ 2 của năm 2017 xuống thứ 4 của năm 2018, nhưng trên sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty đã vươn lên vị trí thứ 6 trong Top thị phần môi giới lớn nhất cả năm 2018, tăng một bậc so với 2017. 

SJE, MKP, DP3 chốt quyền gọi vốn từ cổ đông

Tại CTCP Sông Đà 11 (SJE), ngày 11/1 vừa qua, Công ty đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để tiến hành chào bán 6,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông, tương đương 60% số lượng cổ phiếu đang niêm yết với mức giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu.

Toàn bộ số tiền 104 tỷ đồng dự kiến thu về sẽ được SJE sử dụng để đầu tư vào Nhà máy điện mặt trời Phong Phú có quy mô 42 MWp trên diện tích 60 ha tại Tuy Phong, Bình Thuận, với kỳ vọng thu về 4.173 tỷ đồng doanh thu và 2.075 tỷ đồng lợi nhuận trong 25 năm của vòng đời dự án.

Đây là dự án được SJE khởi công trong quý III/2018 và dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6/2019, hạn chót để hưởng ưu đãi từ “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam” được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017.

Trong khi đó, tại CTCP Hóa - Dược Mekophar (MKP), Đại hội đồng cổ đông Công ty đã thông qua phương án chào bán 3,83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành 20%. Tuy nhiên, phải đến ngày 30/1/2019, MKP mới thực hiện chốt danh sách cổ đông để tiến hành chào bán.

Với giá phát hành lên đến 40.000 đồng/cổ phiếu, MKP dự kiến sẽ thu về 153,1 tỷ đồng để đầu tư vào giai đoạn 2 của “Dự án đầu tư nghiên cứu phát triển và sản xuất sinh học - dược phẩm” tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Trở lại sàn chứng khoán sau hơn 6 năm hủy niêm yết, 2018 có thể xem là năm không mấy vui với cổ đông của MKP khi kết thúc 9 tháng năm 2018, Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh kém lạc quan với doanh thu và LNST giảm lần lượt 13,2% và 35,7% so với cùng kỳ năm 2017. So với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) từ tháng 1/2018, thị giá MKP hiện đã giảm gần 40%.

Một doanh nghiệp dược khác cũng đang chuẩn bị phát hành tăng vốn là CTCP Dược phẩm Trung Ương 3 (DP3) nhằm huy động 81,8 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng sản xuất viên nang mềm, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thực phẩm chức năng…

Đáng chú ý, bên cạnh việc chào bán 850.000 cổ phần cho cổ đông và 100.000 cổ phần cho cán bộ nhân viên với giá 26.400 đồng/cổ phần, tương ứng 30% thị giá cổ phiếu trên thị trường, DP3 cũng sẽ bán 850.000 cổ phần qua đấu giá với giá khởi điểm 66.000 đồng/cổ phần. Toàn bộ lộ trình tăng vốn này được dự kiến hoàn tất trong đầu tháng 3/2019. 

Thận trọng với những doanh nghiệp tăng vốn ồ ạt

Cung ứng vốn trung - dài hạn cho doanh nghiệp là một trong những chức năng, vai trò cơ bản của thị trường chứng khoán. Thực tế, những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tốt dòng vốn huy động từ cổ đông để mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và vươn lên thành những doanh nghiệp đầu ngành như HPG, VGC, VRE…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có không ít trường hợp gọi vốn bị cổ đông nghi ngờ về tính minh bạch. Nhiều doanh nghiệp liên tục phát hành tăng vốn ồ ạt nhưng kết quả kinh doanh chỉ vụt sáng trong thời gian gọi vốn, sau đó liên tục báo lỗ, vốn huy động bị thay đổi mục đích sử dụng, vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin... Diễn biến này khiến nhà đầu tư nghi ngờ về hiện tượng làm giá, lợi dụng việc phát hành cổ phiếu để “in giấy lấy tiền”.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 đang được Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu kiểm soát chặt chẽ, xu hướng lãi suất được dự báo tăng trở lại khiến việc tiếp cận dòng vốn vay ngày càng khó khăn, tăng chi phí và áp lực lãi vay…, việc huy động trên thị trường chứng khoán là nhu cầu hợp lý và chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là lãnh đạo doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin và thuyết phục được cổ đông bỏ vốn.

Việc giám sát và kiểm soát doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích sau tăng vốn cũng đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong việc bảo vệ lợi ích, giảm thiểu rủi ro cho các cổ đông nhỏ lẻ mà còn giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan