Đấu giá VNM, hồi hộp chờ giờ G

Đấu giá VNM, hồi hộp chờ giờ G

(ĐTCK) 16h chiều nay, 9/12/2016 sẽ hết thời hạn để nhà đầu tư đăng ký và nộp tiền đặt cọc đấu giá cổ phiếu VNM do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán.

Giới đầu tư đang chờ đợi thời điểm thông tin về khối lượng đặt mua và số lượng nhà đầu tư đăng ký đặt mua được công bố, để có đánh giá bước đầu về thành công của cuộc đấu giá này. 

Trước tiên phải nói, việc thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, đặc biệt là tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) là hành động được thị trường chờ đợi từ rất lâu.

Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài coi đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm của Chính phủ thực hiện một chủ trương lớn cải cách doanh nghiệp nhà nước. Cuộc đấu giá VNM lần này thu hút sự quan tâm của rất nhiều chủ thể trên thị trường, còn bởi đây là DN đầu tiên trong 10 DN lớn (NTP, BMP, HGM, BMI, VNR…) được Chính phủ chỉ đạo phải thoái vốn Nhà nước.

Ngày 7/12, F&N Dairy Investments Pte Ltd và F&N Bev Manufacturing Pte. Ldt - hai công ty con của Fraser & Neave Limited (Singapore) đồng loạt đăng ký mua hơn 39 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 2,7% vốn điều lệ, đúng bằng số lượng cổ phần tối đa mà một nhà đầu tư có thể mua, theo quy chế đấu giá VNM của SCIC. Fraser & Neave Limited  hiện là cổ đông lớn của VNM, khi F&N Dairy Investments Pte Ltd đang sở hữu 10,95% vốn VNM.

Như vậy, hơn 50% số lượng cổ phiếu SCIC chào bán lần này đã có người đặt mua. Tuy nhiên, khối lượng đặt mua tổng thể vẫn là ẩn số, bởi Quy chế đấu giá đã vô tình loại nhà đầu tư nhỏ lẻ ra khỏi cuộc chơi bằng cách quy định giá đặt mua tối thiếu không được thấp hơn giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phiếu và không thấp hơn giá sàn tại ngày chào bán.

Những nhà đầu tư nhỏ lẻ (mua vài trăm nghìn cổ phiếu VNM trở xuống) có thể mua trên sàn với giá tốt mà không cần đấu giá với chi phí cao. Nếu đặt mua tối thiếu 20.000 cổ phiếu, tiền đặt cọc đã là 3 tỷ đồng. Cuộc đấu giá VNM là sân chơi của những “tay to”, những chủ thể muốn mua VNM với khối lượng lớn tới mức không thể mua theo kiểu gom hàng trên sàn.

Tuy vậy, quy định đấu giá giới hạn tỷ lệ đặt mua tối đa là 2,7% vốn điều lệ lại là rào cản với những nhà đầu tư muốn sở hữu VNM khối lượng lớn, lớn đến mức có thể đưa VNM thành công ty liên kết.

Việc sở hữu tỷ lệ 5 hay 10% cổ phần trở xuống tại một DN chỉ phù hợp với nhà đầu tư tài chính, trong khi đa số các nhà đầu tư tài chính lớn như Dragon Capital hay VinaCapital đều đã sở hữu VNM. Khả năng các quỹ này tham gia đấu giá VNM là thấp, vì nâng sở hữu VNM còn phụ thuộc vào tỷ trọng, cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ. Nhà đầu tư tài chính nếu tham gia mua VNM đợt này sẽ chỉ các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư ở thị trường Việt Nam có quy mô nhỏ hơn hai “đại gia” Dragon Capital và VinaCapital.

Đó là lý do vì sao trên thị trường nhiều ý kiến lo ngại, số lượng cổ phiếu VNM đấu giá lần này có thể sẽ khó bán được hết. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường đối với cổ phiếu VNM như thế nào, thị trường sẽ chỉ biết rõ khi kết quả đăng ký đấu giá được công bố.

Theo giới phân tích tài chính, thông thường ở những trường hợp bán lớn, bên chào bán nên sử dụng phương pháp dựng sổ (book building), đây là một phương pháp phát hành chứng khoán thông dụng tại các thị trường tài chính phát triển. Theo đó, công ty chứng khoán (thực hiện chức năng ngân hàng đầu tư) sẽ đứng ra dựng hồ sơ, quảng bá và đo nhu cầu thị trường thông qua việc dựng sổ nhu cầu mua của các nhà đầu tư ở các mức giá khác nhau (nằm trên mức giá sàn được xác định trước), để giúp doanh nghiệp chốt một mức giá phát hành thống nhất. Cách làm này đảm bảo sự thành công của đợt phát hành, đồng thời mang lại hiệu quả tài chính phù hợp cho doanh nghiệp. Bản chất của phương pháp dựng sổ là giúp chủ thể phát hành xác định mức giá hiệu quả nhất cho đợt phát hành được thành công.

Trong khi đó, với phương pháp đấu giá, các mức giá trúng sẽ lựa chọn từ cao xuống thấp, nghĩa là sẽ có nhiều mức giá trúng khác nhau. Theo ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maritime, phương pháp đấu giá quan tâm nhiều hơn và hướng tới việc tối đa hóa số tiền thu được của đợt phát hành, nhưng nhược điểm là tạo ra nhiều mức giá cho các nhà đầu tư khác nhau trong cùng một đợt phát hành, dẫn đến sự e dè và thận trọng của các chủ thể khi tham gia. Hơn nữa, chủ thể phát hành khó đo lường được mức độ thành công trước đợt chào bán, dẫn đến những trường hợp ế đấu giá như chúng ta đã chứng kiến.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc Nhà nước không đấu giá hết lượng cổ phần, chỉ cho mỗi nhà đầu tư mua không quá 2,7% vốn điều lệ là rào cản với nhà đầu tư chiến lược. Việc không áp dụng phương pháp dựng sổ để bán thành công lượng chào bán ở mức giá thị trường thể hiện sự dùng dằng trong chủ trương thoái vốn, khiến nhà đầu tư không mặn mà tham gia.

Bình luận về sự kiện đấu giá VNM, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital nói: “Chúng tôi hết sức hoan ngênh và ủng hộ việc Chính phủ thoái vốn khỏi VNM nói riêng cũng như các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nói chung. Đây là một chương trình lớn nên khi làm lần đầu, tất nhiên ai cũng phải học hỏi. Dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo tôi đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng”.

Cả thị trường đang chờ đợi công bố danh sách các nhà đầu tư tham gia đấu giá VNM tại giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phiếu. Giá VNM hiện dao động trên sàn quanh mức 132.000 đồng/cổ phiếu càng khiến thị trường tò mò về danh tính người mua cổ phiếu VNM qua đấu giá, chắc chắn họ không chỉ là nhà đầu tư tài chính đơn thuần.

Tin bài liên quan