Đấu giá SRC: Cái kết như… kịch bản

Đấu giá SRC: Cái kết như… kịch bản

(ĐTCK) Kết quả phiên đấu giá 4,2 triệu cổ phần SRC do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nắm giữ chiều 4/6 không ngoài dự đoán của giới phân tích chứng khoán: Nhà nước chỉ bán được lô cổ phần bằng đúng giá khởi điểm; nhóm nhà đầu tư có liên quan đến Tập đoàn Hoành Sơn, đơn vị đang liên doanh với SRC chuyển mục đích sử dụng khu “đất vàng” 6,2 ha trung tâm Hà Nội, tham gia mua lô cổ phần này.

Cụ thể, nhà đầu tư tổ chức là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng thương mại Việt Anh (Công ty Việt Anh); 3 nhà đầu tư cá nhân gồm Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Tiến Ngọc, Phạm Ngọc Hà.

Những dữ liệu về đăng ký kinh doanh cho thấy mối quan hệ khá rõ ràng giữa Công ty Việt Anh và Công ty cổ phần Ðầu tư và phát triển Hoành Sơn (Công ty Hoành Sơn).

Công ty Việt Anh thành lập tháng 2/2014, cùng ngày thành lập với Công ty Hoành Sơn, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HÐQT; bà Nguyễn Thị Hằng Nga; ông Nguyễn Tiến Ngọc. Trong đó, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Ngọc, nắm ghế Tổng giám đốc. Ðịa chỉ email Công ty là hoanhsongrouppna@gmail.com.

Công ty Hoành Sơn cũng thành lập tháng 2/2014, tại Nghệ An, vốn điều lệ 500 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HÐQT; bà Nguyễn Thị Hằng Nga; ông Nguyễn Tiến Ngọc. Người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hoành Sơn.

Khi Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) chọn Tập đoàn Hoành Sơn để góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng Hoành Sơn nhằm thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 6,2 ha trụ sở của SRC thành dự án bất động sản, đã có không ít ồn ào khi bỏ cao - chọn thấp (Hoành Sơn trả cho SRC số tiền chỉ bằng hơn 1/2 các doanh nghiệp khác); đồng thời Hoành Sơn cho SRC vay tiền góp vốn trong liên doanh với lãi suất 0%/năm, trong thời hạn 36 tháng, với cam kết hết thời hạn vay vốn, SRC sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Tập đoàn Hoành Sơn.

Trước thềm đợt thoái vốn này đã xảy ra không ít lùm xùm khi Vinachem tự tước quyền của mình và cho nhóm cổ đông Nguyễn Tiến Ngọc nắm giữ chưa đến 20% vốn SRC đề cử thành công 2/5 ghế trong Hội đồng quản trị và 1/3 ghế trong Ban kiểm soát. Việc này khiến nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Cường, người đã đặt cọc 19,6 tỷ đồng đăng ký tham gia mua 15% cổ phần SRC hủy đăng ký tham gia đấu giá và rút lại số tiền cọc do lo ngại không có quyền tham gia HÐQT dù có trúng đấu giá.

Không có cạnh tranh, phiên đấu giá đã diễn ra như kịch bản, Nhà nước cũng không có cơ hội tối đa hóa số tiền thu về. Nhà đầu tư Cường nhận xét, nếu thoái vốn rộng rãi và minh bạch, thương vụ này hấp dẫn hơn nhiều thương vụ Khách sạn Kim Liên đã từng đấu giá được gấp 9 lần giá khởi điểm, hoặc ít nhất cũng diễn ra hấp dẫn như thương vụ thoái vốn Vinaconex.

Thế nhưng, diễn biến hiện nay khiến ông Cường và những nhà đầu tư tư nhân khác mất đi một cơ hội đầu tư, Nhà nước rất có thể cũng mất đi phần nào nguồn lực đang cần chắt chiu, tránh thất thoát, lãng phí.

Ở thương vụ này, Vinachem và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hai đơn vị quản lý vốn nhà nước tại SRC đã chọn cách im lặng khi nhận được công văn đề nghị phỏng vấn từ báo chí trước khi đợt thoái vốn diễn ra.

Tin bài liên quan