Đấu giá nghìn tỷ: Kịch bản có bất ngờ?

Đấu giá nghìn tỷ: Kịch bản có bất ngờ?

(ĐTCK) Tháng 8, cả hai cuộc đấu giá cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Domesco (DMC) và Vocarimex (VOC) đều theo hình thức đấu giá cả lô, trong đó mỗi nhà đầu tư phải đăng ký mua toàn bộ số cổ phần đấu giá. Người có ý định tham gia đấu giá cần chuẩn bị tối thiểu nguồn tài chính cả nghìn tỷ đồng, một “điều kiện” không dễ đáp ứng đối với những tay chơi nhỏ… 

Thị giá tăng theo tin thoái vốn lớn

Hai cuộc đấu giá gây chú ý bởi giá trị thương vụ lớn hơn hẳn so với các đợt thoái vốn gần đây của SCIC, đồng thời cả 2 doanh nghiệp (DN) trên đều có sẵn cổ đông lớn với định hướng gắn bó lâu dài cùng sự phát triển của DN.

Tại Domesco, SCIC sẽ tổ chức đấu giá toàn bộ hơn 12 triệu cổ phần, tương ứng 34,71% vốn điều lệ vào ngày 31/8/2019. Giá khởi điểm 119.600 đồng/cổ phần, tương ứng SCIC có thể thu về tối thiểu 1.441,7 tỷ đồng.

Người tham gia đấu giá không giới hạn các nhà đầu tư nước ngoài, bởi từ năm 2016, Domesco đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc nới room lên 100%, tức là không hạn chế tỷ lệ đầu tư của khối ngoại Ðây là điều kiện thuận lợi để cổ đông ngoại lớn nhất của DMC là Tập đoàn Abbott (đang sở hữu hơn 51%) tham gia nâng tỷ lệ sở hữu.

Còn tại Vocarimex, SCIC đấu giá hơn 44,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 36,6% vốn điều lệ, giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phiếu, nghĩa là đợt đấu giá có giá trị tối thiểu 985,9 tỷ đồng. Hiện cổ đông lớn nhất của VOC là Tập đoàn KIDO, sở hữu 51% vốn.

Với các thông tin thoái vốn trên, diễn biến hai cổ phiếu khá tích cực trong ngắn hạn. Trong 1 tháng qua, DMC có mức tăng hơn 15%. Mã VOC có mức tăng hơn 10% trong 1 quý vừa qua.

Ðặc điểm chung là các thương vụ do SCIC thoái vốn đều có mức giá khởi điểm cao vượt trội so với thị giá, hoặc so với tình hình kinh doanh của công ty chào bán. Tại DMC, giá khởi điểm chào bán cao hơn 64% so với thị giá tại ngày công bố thông tin là 72.900 đồng/cổ phiếu. Còn với mã VOC, giá khởi điểm cao hơn 34% thị giá tại ngày công bố thông tin đấu giá.

Cùng với 2 cuộc bán lớn, SCIC công bố đấu giá toàn bộ 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương 51% vốn cổ phần tại Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang (TQM) với giá khởi điểm 40.400 đồng/cổ phiếu, trong khi DN này thua lỗ gần 6 tỷ đồng năm 2018.

Khoáng sản Tuyên Quang hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng chất và khoáng phân bón, kinh doanh thương mại và dịch vụ. Hoạt động chế biến khoáng sản của Công ty gặp khó khăn và phải dừng sản xuất, các giấy phép khai thác khoáng sản đều hết hạn và đang thực hiện thủ tục đóng mỏ. Hoạt động giúp Công ty duy trì là kinh doanh thương mại, với 5 siêu thị bán lẻ.

Theo kế hoạch của SCIC, trong năm 2019, có hơn 100 DN nằm trong danh sách bán vốn, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI), Công ty cổ phần FPT (FPT), Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM)...

Cổ đông ngoại dễ mạnh chân dấn bước

Cả DMC và VOC đều có cổ đông lớn sở hữu ở tỷ lệ chi phối 51%, cụ thể với DMC là Abbot, còn tại VOC là KIDO. Với cơ cấu sở hữu này, những người thạo tin trên thị trường nghiêng về kịch bản các cổ đông lớn sẽ tham gia mua thoái vốn để “quy về một mối”. Lý do là ở tỷ lệ 51%, dù có chi phối nhưng vẫn không phải có thể “quyết tất”, khi mà SCIC vẫn còn sở hữu số lượng cổ phần có quyền phủ quyết các nội dung quan trọng (tỷ lệ có thể phủ quyết là từ 26% trở lên).

Nếu cổ đông lớn nâng sở hữu lên trên 65% vốn điều lệ tại DN, họ sẽ nắm quyền quyết trong tay và hướng DN đi theo “cách của mình”. Theo đó, DN sẽ đi theo một hướng, giảm thiểu những quan điểm đa chiều, không cần thiết trong tương lai từ những cổ đông khác.

Cách làm này từng diễn ra ở nhiều thương vụ trên thị trường, đơn cử cổ đông lớn Nawaplastic Industries (Thái Lan) đã mua lại cổ phần của SCIC tại Nhựa Bình Minh, chính thức đưa Nhựa Bình Minh thành công ty con trong năm 2018. 

Hay tại Pymepharco (PME), DN có cổ đông chiến lược là Stada - tập đoàn dược phẩm lớn của Ðức, sở hữu 49% vốn, đã đồng hành suốt chặng đường phát triển. Năm 2018, Stada đã có thư ngỏ đề nghị về việc nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên tối đa 72% vốn PME mà không cần phải chào mua công khai. Hiện Stada đã nắm 62% vốn, qua đó chính thức giữ quyền kiểm soát tại PME. Tất nhiên, để nhà đầu tư ngoại nâng sở hữu lên mức 62%, PME đã làm thủ tục để nâng room ngoại lên 100%.

Theo đánh giá của lãnh đạo Stada, Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng quan trọng ở châu Á nơi Stada muốn tiếp tục mở rộng trong tương lai. Việc nâng sở hữu tại Pymepharco là một bước đi cho tiến trình này.

Diễn biến cổ đông lớn dấn bước sở hữu chi phối tại DN Việt cũng diễn ra tương tự tại Dược Hậu Giang (DHG). Nhà đầu tư Nhật Bản Taisho đã tham gia mua lại số cổ phần từ các nhà đầu tư tài chính, lộ tham vọng sở hữu chi phối khi gom mua thêm cổ phiếu DHG và hiện đã nắm giữ khoảng 51,01% vốn tại DHG.

Theo đó, DHG chính thức trở thành công ty con của Taisho. Phần lớn cổ phiếu còn lại tại DHG (43,31%) đang được sở hữu bởi cổ đông lớn thứ hai là SCIC. Nếu SCIC chào bán hết phần vốn tại Dược Hậu Giang, đó sẽ là một thương vụ rất đáng chú ý. Giám đốc một công ty chứng khoán trong Top 3 về thị phần chia sẻ, với tình hình hiện tại, kịch bản có lẽ không thể khác là Taisho sẽ mua hết nếu SCIC chào bán đấu giá cổ phần tại DHG.

Những khoảnh khắc bất ngờ

Tuy nhiên, thực tế mới là câu trả lời chính xác nhất, bởi trên thị trường có những bất ngờ mà phải đến giây phút cuối mới lộ ra.

Dù nhiều người kỳ vọng KIDO sẽ tham gia mua tiếp tại Vocarimex, nhưng thông báo mới nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, đợt chào bán của Vocarimex không có người mua. SCIC sẽ phải thực hiện chào bán đấu giá lại trong tương lai và giá khởi điểm sẽ được xác định lại, phụ thuộc vào thời điểm chào bán.

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị KIDO chia sẻ, tham vọng của KIDO là trở thành DN hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm, trong đó, VOC giữ vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của Tập đoàn, là yếu tố then chốt trong quá trình chinh phục thị trường thực phẩm tiêu dùng.

Với sức mạnh về nền tảng quản trị chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu, kho vận, đặc biệt là lợi thế trong lĩnh vực kinh doanh dầu công nghiệp, VOC sẽ thiết lập nền tảng vững chắc để KIDO gia tăng mức độ ảnh hưởng trên lĩnh vực này, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho các công ty thành viên trong Tập đoàn. Với đặc thù phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu, đồng thời cạnh tranh trong nước khốc liệt giữa các DN Việt với nhau và giữa DN trong nước và DN ngoại, dầu ăn không phải là cuộc chơi của những nhà đầu tư nhỏ và yếu vốn.

Theo đó, VOC được coi là khoản đầu tư dài hạn, chiến lược của KIDO, nhưng sở hữu thêm lại không phải là phương án được KIDO lựa chọn vào thời điểm này.

Trường hợp thoái vốn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) mới đây cũng có diễn biến tương tự. SCIC công bố thông tin đấu giá toàn bộ 3,57 triệu cổ phiếu SGC, giá khởi điểm 111.700 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, SCIC thu về hơn 398 tỷ đồng.

Ðây là DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ gạo như bánh phồng tôm, hủ tiếu, phở khô, bánh tráng... trong đó phồng tôm đóng góp trên 90% doanh thu mỗi năm. Chủ thể mua Sa Giang, theo nhiều dự báo trước thềm cuộc đấu giá, là Công ty Bích Chi - một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Sa Giang và vài năm trước, Bích Chi có ý định mua cổ phần của Sa Giang nếu Nhà nước thoái vốn. Tuy nhiên, đợt thoái vốn của SCIC tại SGC đã thất bại khi không có nhà đầu tư nào tham gia đăng ký đấu giá.

Diễn biến này từng xảy ra tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP). Cổ đông lớn Nawaplastic Industries cũng đã phải bỏ cuộc chơi sở hữu chi phối tại NTP, chấp nhận việc không hiện thực tham vọng sở hữu cả 2 DN nhựa hàng đầu Việt Nam, trấn giữ hai thị trường miền Bắc và miền Nam.

Những diễn biến trên cho thấy, đợt đấu giá nghìn tỷ tại Domesco sắp tới dù có sức hấp dẫn, nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn kết quả. Với nhà đầu tư cá nhân, tham gia đấu giá lô lớn chắc không thể, nhưng rất nên theo dõi diễn biến của các cuộc đấu giá lớn để cảm nhận cách chảy của dòng tiền lớn trên thị trường.

Ẩn số người mua lớn tại Domesco

Tại Domesco, từ sau cuộc gặp gỡ nhà đầu tư do SCIC tổ chức vào cuối năm 2017 đến nay, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới việc bán vốn tại DN này. Tìm hiểu của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, năm 2018, nhiều khách hàng, nhất là khách hàng đến từ Nhật Bản, bày tỏ sự quan tâm tới thương vụ thoái vốn. 

Trước khi diễn ra đấu giá lần này (ngày 30/8/2019), SCIC đã có những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi thông tin với các nhà đầu tư quan tâm tới việc mua cổ phần tại DMC, trong đó có Abbot. Một số ý kiến từ công ty chứng khoán cho rằng, cuộc đấu giá cổ phần của SCIC tại DMC sẽ thành công.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nhà đầu tư nào chính thức đăng ký và đặt cọc tham gia đấu giá DMC. Ðợt đấu giá được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM với thời hạn cuối đăng ký là 20/8/2019. Trong Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát của DMC, cổ đông lớn Abbott cũng đã cử nhân sự tham gia, với số lượng không chênh lệch nhiều so với các thành viên người Việt Nam.

Tính theo giá đóng cửa phiên 14/8, chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) của DMC là 12,64 lần. Về hoạt động kinh doanh, DMC là DN hoạt động hiệu quả. Giai đoạn 2014 - 2019, DMC thường xuyên nằm trong Top 5 công ty sản xuất dược hàng đầu tại Việt Nam

. Tăng trưởng lợi nhuận ròng bình quân đạt 16,81% - mức rất cao trong ngành dược. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2018 thuộc hàng cao nhất trong khối các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (gần 7.000 đồng/cổ phần). Cổ tức bình quân trên 20%/năm bằng tiền mặt.

Dược phẩm là ngành thu hút được dòng vốn ngoại bởi các tập đoàn nước ngoài đánh giá cao tiềm năng của thị trường 100 triệu dân và nhắm tới các DN tốt trong nước. Theo đó, những DN có lợi thế cạnh tranh riêng như DHG, DMC, PME... thường xuyên nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, mua thêm hay không mua thêm luôn là một bài toán kinh tế, mà yếu tố giá nào luôn có tính quyết định đến việc “xuống tiền” của nhà đầu tư.

Tin bài liên quan