Dân Hải Phòng, Quảng Ninh còn lạnh nhạt với chứng khoán

Dân Hải Phòng, Quảng Ninh còn lạnh nhạt với chứng khoán

(ĐTCK) Người dân các tỉnh, thành phố trọng điểm của kinh tế phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh có thu nhập bình quân khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Song thực tế, họ ít chọn chứng khoán làm kênh đầu tư. Dòng vốn nhàn rỗi rất lớn trong dân tại các địa phương này nếu được dẫn vào kênh chứng khoán sẽ giúp thị trường sôi động hơn rất nhiều.       

Người dân chưa mặn mà với chứng khoán

Báo cáo thường niên 2018 của Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (Haseco) - công ty chứng khoán thành lập từ khi thị trường chứng khoán trong nước mới mở cửa, nhắm đón đầu nhu cầu đầu tư của người dân, tổ chức tại thành phố Cảng và khu vực lân cận - đã cho thấy sự kém sôi động của hoạt động đầu tư chứng khoán tại các địa phương này.

Doanh thu môi giới năm 2018 của Công ty chỉ đạt 9,11 tỷ đồng, giảm 6,94% so với năm 2017. Tính đến cuối năm 2018, số lượng tài khoản giao dịch tại Haseco là 22.609, chỉ tăng 443 tài khoản so với năm 2017.

Việc phát triển khách hàng mới tại thị trường ngách như Hải Phòng, Quảng Ninh, theo chia sẻ của bà Vũ Thị Thanh, Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng rất khó khăn.

Với các nhà đầu tư đã mở tài khoản đầu tư chứng khoán, việc đầu tư hầu như mang tính tự phát. Họ thường tự tìm hiểu thông tin và ra quyết định đầu tư, ít tham vấn ý kiến của nhân viên môi giới, giao dịch lại qua online nên hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán tại Hải Phòng, Quảng Ninh rất lèo tèo.

Ðiều này được chính anh Bùi Sơn Tùng, 30 tuổi, nhà đầu tư chứng khoán có 3 năm kinh nghiệm tại Quảng Ninh xác nhận. Anh cho biết, ban đầu, khi mới tham gia đầu tư chứng khoán, anh còn đến chi nhánh công ty chứng khoán để thực hiện giao dịch và tham vấn ý kiến của nhân viên môi giới. Nhưng hiện tại, anh tự tìm hiểu thông tin và thực hiện giao dịch online.

Còn anh Nguyễn Anh Tuấn, 39 tuổi, sống tại Hải Phòng, tham gia đầu tư chứng khoán 12 năm nay cho biết, những kiến thức đầu tư của anh hoàn toàn là do tự học. Tất cả các quyết định đầu tư đều do anh tự đưa ra, mà không hề thông qua tham vấn nhân viên môi giới, bởi anh chưa có niềm tin vào đội ngũ này.

Chính yếu tố chất lượng nhân sự đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc mở rộng thị trường của các công ty chứng khoán tại Hải Phòng. Báo cáo thường niên 2018 của Haseco đã cho thấy, công ty này gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự môi giới.

Cùng quan điểm này, bà Thanh cho rằng, cũng vì thị trường chưa thực sự phát triển nên việc tìm được nguồn nhân sự có chất lượng tốt và có khả năng tư vấn cho khách hàng không dễ và có tìm được cũng khó giữ chân họ.

Ðến thời điểm hiện tại, số lượng các công ty chứng khoán mở chi nhánh tại Hải Phòng hay Quảng Ninh không nhiều. Còn công ty chứng khoán duy nhất có trụ sở chính tại Hải Phòng là Haseco cũng đang ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ.

Ðể chứng khoán không chỉ là kênh tiềm năng

Theo một nhân viên môi giới chứng khoán lâu năm tại Hải Phòng tên Huy, người dân thành phố Cảng ít lựa chọn chứng khoán là kênh đầu tư, mà thường bỏ vốn vào bất động sản hoặc vàng.

Còn theo bà Thanh, hiện chưa có nhiều người dân ở hai tỉnh, thành phố có vị trí trọng điểm kinh tế của miền Bắc quan tâm đến kênh đầu tư chứng khoán, vì vẫn coi đây là một kênh đầu tư mạo hiểm, có tính chất “đỏ - đen”. Bản thân các nhà đầu tư còn thiếu kiến thức ở kênh đầu tư này nên còn e dè tham gia.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đa phần ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chưa đáp ứng đủ điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thậm chí, các doanh nghiệp này cũng không có khát vọng đưa cổ phiếu lên niêm yết để huy động vốn trên sàn chứng khoán, phần vì e ngại các thủ tục phức tạp, phần vì ngại phải minh bạch tình hình tài chính, tình hình hoạt động trước cổ đông và giới đầu tư.

“Tuy nhiên, nếu nhìn vào tương lai, đây có thể coi đây là thị trường tiềm năng”, bà Thanh nhận định. Năm 2018, GRDP bình quân đầu người của Hải Phòng là hơn 4.000 USD, cao gấp gần 1,6 lần bình quân chung cả nước; mục tiêu đến năm 2030 đạt 29.900 USD. Còn Quảng Ninh thì GRDP bình quân đầu người năm 2018 đã đạt khoảng 5.110 USD và mục tiêu đến năm 2030 đạt khoảng 20.000 USD.

Thu nhập người dân tăng lên, dòng tiền nhàn rỗi cũng nhiều hơn và dòng tiền này nếu được huy động vào thị trường chứng khoán sẽ giúp thị trường sôi động hơn, làm tốt hơn vai trò kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.

Song, để thu hút được dòng tiền nhàn rỗi trong dân vào thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán cần chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng. Theo bà Thanh, việc tổ chức các khóa đào tạo cơ bản về kiến thức đầu tư chứng khoán hay các hội thảo cung cấp thông tin thị trường cần được triển khai thường xuyên hơn.

Ðiều này sẽ giúp tăng mức độ hiểu biết nhà đầu tư về lĩnh vực này và tạo ra nguồn khách hàng tiềm năng. Các công ty chứng khoán cũng cần đầu tư hơn nữa cho chất lượng nguồn nhân lực môi giới, vì chỉ hiệu quả thực tế mới đủ sức thuyết phục người dân bỏ tiền vào chứng khoán.             

Tin bài liên quan