(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đại hội đồng cổ đông thành công: Đầu xuôi, đuôi mới lọt

(ĐTCK) Tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) hợp lệ, đúng quy định của pháp luật và điều lệ của công ty nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo sẽ dễ dẫn đến các tranh chấp phát sinh. Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết chia sẻ về công tác chuẩn bị và tham gia ĐHCĐ tại các công ty cổ phần của SCIC - đơn vị được Chính phủ giao quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại hàng trăm doanh nghiệp.

Cuộc họp ĐHCĐ là một trong những sự kiện quan trọng nhất của một công ty cổ phần dù có quy mô lớn, vừa hay nhỏ. Thông qua việc tham dự ĐHCĐ, nhà đầu tư hoặc cổ đông thực hiện vai trò chủ sở hữu theo các quy tắc, quy định tại điều lệ công ty, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp lý khác.

Hơn 10 năm qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận vốn nhà nước tại trên 1.000 doanh nghiệp từ các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chuyển giao, trong đó hầu hết là các công ty cổ phần. Do vậy, việc tham gia ĐHCĐ thường niên tại các công ty cổ phần này là nhiệm vụ thường xuyên, được SCIC đặc biệt chú trọng để phát huy tối đa vai trò cổ đông trong quá trình quản trị vốn.

Yếu tố chính để đạt được mục tiêu tổ chức và tham gia ĐHCĐ thành công là sự chuẩn bị chu đáo. Bên cạnh việc nắm vững các quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty, SCIC đã ban hành quy chế quản trị vốn đầu tư tại các công ty cổ phần, trong đó hướng dẫn cán bộ, người đại diện của SCIC các nội dung, quy trình tham gia ĐHCĐ.

Chẳng hạn, từ tháng Giêng hàng năm, SCIC có văn bản gửi đến hội đồng quản trị (HĐQT), người đại diện vốn của SCIC tại các doanh nghiệp để nhắc nhở, hướng dẫn họ chuẩn bị cho công tác tổ chức ĐHCĐ như thời gian dự kiến tổ chức đại hội, hướng dẫn bộ tài liệu trình đại hội, các vấn đề cần lưu ý đối với phương án phân chia lợi nhuận, kế hoạch kinh doanh, kiện toàn nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát…, kể cả các phương án đầu tư mà doanh nghiệp dự định sẽ trình ĐHCĐ thông qua.

Sau đó, SCIC sẽ cùng với HĐQT hoặc thông qua người đại diện vốn của Tổng công ty chủ động trao đổi, thảo luận, đánh giá kết quả sản xuất - kinh doanh trong năm, dự kiến kế hoạch kinh doanh, phương án nhân sự… Việc thảo luận trước này giúp hiểu rõ, tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất trước khi SCIC biểu quyết chính thức tại ĐHCĐ.

Hơn nữa, cán bộ SCIC được phân công phụ trách doanh nghiệp nắm bắt và cập nhật thông tin định kỳ cũng như đột xuất kịp thời trước ĐHCĐ, từ đó có được thông tin sát với tình hình của doanh nghiệp, phục vụ hiệu quả cho việc đưa ra các ý kiến khi tham gia ĐHCĐ. Kinh nghiệm cho thấy, khi cán bộ của SCIC làm tốt công tác này và có sự phối hợp tốt với ban lãnh đạo doanh nghiệp thì việc tham gia nhiều ĐHCĐ trong một thời điểm vẫn được xử lý ổn thỏa.

Từ kinh nghiệm trong quá trình tham gia ĐHCĐ ở nhiều doanh nghiệp, chúng tôi thấy một số doanh nghiệp chuẩn bị tài liệu trình đại hội sơ sài, thiếu nội dung. Ví dụ, đại hội nhiệm kỳ nhưng thiếu báo cáo của HĐQT về kết quả sản xuất - kinh doanh của cả nhiệm kỳ, thiếu kế hoạch kinh doanh nhiệm kỳ mới, thậm chí thiếu báo cáo của Ban kiểm soát cho cổ đông, hoặc doanh nghiệp gửi và công bố tài liệu cho cổ đông trước khi tổ chức đại hội không đủ thời hạn theo quy định. Cũng có những biên bản, nghị quyết đại hội không phản ánh đầy đủ diễn biến, kết quả đại hội, việc tổ chức kiểm phiếu biểu quyết tốn nhiều thời gian, hoặc sai kết quả…

Có một số trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng tài chính khó khăn, nội bộ mất đoàn kết, không còn nhân sự chủ chốt hoặc ban lãnh đạo thiếu kinh nghiệm, SCIC đã trực tiếp chủ trì, phối hợp tổ chức ĐHCĐ cho doanh nghiệp.

Hầu hết ý kiến của SCIC tại ĐHCĐ được các cổ đông khác tôn trọng, đồng thuận, vì tính hợp lý và thuyết phục. Trong thực tế, đã từng xảy ra trường hợp có nhóm cổ đông lớn, vì bảo vệ lợi ích riêng, nên có những ý kiến không đồng thuận với SCIC, thậm chí gây rối tại đại hội. Khi đó, cán bộ SCIC đã kiên trì, mềm mỏng, vận dụng vững chắc các quy định của điều lệ và Luật doanh nghiệp để giữ đại hội được tiếp diễn và kết thúc thành công.

Tuy vậy, tại một số doanh nghiệp mà SCIC có tỷ lệ sở hữu thấp, có những ý kiến của SCIC không gặp nhau với nhóm cổ đông lớn còn lại. Nguyên nhân thường là do SCIC biểu quyết không thông qua các báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán ngoại trừ, có thể dẫn đến tình trạng “lãi giả, lỗ thật”, hoặc kế hoạch phân phối lợi nhuận không phù hợp, phương án phát hành tăng vốn không rõ ràng, chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh chưa đủ cơ sở…, trái với nguyên tắc tuân thủ pháp luật, hiệu quả quản trị vốn, bảo vệ lợi ích của cổ đông mà SCIC theo đuổi.

Để đại hội thành công và đạt được sự đồng thuận cao giữa các cổ đông, nhà đầu tư, bên cạnh việc thực hiện đúng các thủ tục chuẩn bị ĐHCĐ, thì HĐQT nói riêng và ban lãnh đạo nói chung của doanh nghiệp cần bảo đảm các nội dung trình tại ĐHCĐ đúng pháp luật, phản ánh đúng thực chất sức khỏe doanh nghiệp, thông tin đầy đủ, chính xác, rõ ràng. Các nghị quyết được thông qua thể hiện được sự hài hòa lợi ích giữa các cổ đông, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan