Đại hội 2019: Những điểm nóng trên bàn chủ tọa

Đại hội 2019: Những điểm nóng trên bàn chủ tọa

(ĐTCK) Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Tổng công ty Viglacera - CTCP (VCG), cổ đông đã chất vấn gay gắt về việc “ế” cổ phần qua thoái vốn, ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp và thị giá cổ phiếu. Năm nay, nội dung này tiếp tục khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Cổ phiếu “nặng mông”

Không ngoài dự đoán của giới đầu tư, đợt đấu giá cổ phần VGC diễn ra cuối tháng 3 của Bộ Xây dựng tiếp tục ế.

Nếu như năm ngoái, toàn bộ cổ phần VGC được treo bán thông qua sàn niêm yết đã không khớp được cổ phần nào thì năm nay có khá khẩm hơn khi 3 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua 69 triệu đơn vị trong đợt đấu giá gần 80,58 triệu cổ phần, đạt gần 86%.

Hiện tỷ lệ sở hữu của Bộ Xây dựng tại Viglacera là trên 54%. Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ thoái toàn bộ vốn tại tổng công ty này trong năm 2019.

Bởi thế, tỷ lệ 17,97% vốn điều lệ Viglacera bán ra đợt này được nhận định rất chơi vơi, vì không đủ để các nhà đầu tư có tiếng nói quan trọng tại doanh nghiệp.

Việc ế cổ phần thoái vốn khiến nhiều cổ đông của doanh nghiệp lo lắng do ảnh hưởng tới thương hiệu doanh nghiệp và thị giá cổ phiếu trên sàn. Từ mức giá xấp xỉ 25.000 đồng/cổ phiếu khi công bố thoái vốn năm ngoái, cổ phiếu VGC liên tục giảm, chạm ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu VGC đang quanh quẩn đầu 2x, song năm nay, tình trạng ế cổ phần tái diễn được nhận định tiếp tục là nội dung được cổ đông đặt ra với Ban chủ tọa, đặc biệt khi cung cổ phiếu treo cao trước áp lực Bộ Xây dựng phải thoái toàn bộ vốn trong năm 2019.

Ngoài chuyện thị giá cổ phiếu bị tác động bởi các đợt thoái vốn không thành công của Bộ Xây dựng, cổ đông còn bức xúc vì Hội đồng quản trị Viglacera không thực hiện lời hứa chuyển sàn sang HOSE.

Trong thông báo ra thị trường, Viglacera dự kiến chuyển sàn ngay sau Tết Kỷ Hợi vào trung tuần tháng 2/2019, nhưng nay vẫn chưa có động thái gì.

Chung tâm tư về việc giữ lời hứa của hội đồng quản trị doanh nghiệp, trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG), nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về kế hoạch chuyển cổ phiếu từ UPCoM sang HOSE.

Năm 2018, doanh nghiệp đã công bố và cổ đông đã thông qua kế hoạch chuyển sàn, nhưng đến nay doanh nghiệp còn chưa nộp hồ sơ lên HOSE. Tin từ Công ty cho biết, hiện doanh nghiệp đang xem xét chọn đơn vị tư vấn.

Thị giá cổ phiếu LTG hiện rơi xuống rất thấp so với giá trị doanh nghiệp, chỉ dao động quanh 24.000 - 25.000 đồng/cổ phiếu, bằng một nửa so với mức định giá mà nhiều công ty chứng khoán đưa ra và bằng một nửa mức giá mà cổ đông lớn là VinaCapital thoái vốn trước đây.

Tuy nhiên, ít có nhà đầu tư nào dũng cảm mua vào cổ phiếu LTG, vì thanh khoản cổ phiếu ở mức thấp. “Nói mà không làm”, nhà đầu tư sợ bỏ vốn vào sẽ bị kẹt hàng và không thấy sự trọng thị cổ đông của lãnh đạo doanh nghiệp.

Công tác quan hệ cổ đông (IR) kém khiến thị giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp cũng là nhận xét của không ít nhà đầu tư đối với CEO Group.

Đây là doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, dòng tiền đều đặn đến từ các dự án liên tục gối đầu, hàng năm kết quả kinh doanh đạt kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, nhưng thị giá cổ phiếu luôn ở nhóm penny, dao động quanh 11.000 - 13.000 đồng/cổ phiếu.

Nhiều cổ đông phát chán với biểu đồ quanh quẩn của giá cổ phiếu đã quyết định chia tay mã chứng khoán này. Họ tâm sự, không kỳ vọng giá cổ phiếu tăng mạnh, nhưng diễn biến đều đều quanh mệnh giá thách thức tính kiên nhẫn của nhà đầu tư. 

Muốn nghe những câu chuyện mới

Năm nào cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của FPT cũng thu hút đông đảo cổ đông tham dự. Doanh nghiệp này mở rộng cửa với giới truyền thông, chứ không “đóng cửa bảo nhau” như nhiều công ty niêm yết khác.

Kỳ đại hội 2019, nhiều cổ đông mong chờ những yếu tố mới mẻ. Đó có thể là màn ra mắt của Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa vừa được bổ nhiệm, để xem ông Khoa có thể vượt qua được cái bóng của các thành viên sáng lập FPT như thế nào, khát vọng và giải pháp mà ông và FPT sẽ bước đi tới đây ra sao, để đúng với tên gọi công ty công nghệ và đạt giá trị cổ phiếu ở đẳng cấp các công ty công nghệ trên thế giới.

Nhân tố mới có thể chưa đem lại giá trị, nhưng cổ đông luôn trông chờ ở nhiều công ty. Cho nên, có doanh nghiệp đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông giữa tháng 3 năm nay để bầu ra hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới, nhưng nội dung không như cổ đông kỳ vọng khiến không khí đại hội rất tẻ nhạt.

Doanh nghiệp này làm ăn hiệu quả, nhưng thị giá cổ phiếu chỉ bằng một nửa so với các định giá cơ bản mà các công ty chứng khoán tính toán.

Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp là một màn độc diễn của ông chủ tịch, dù trên giấy tờ ông đã tuyên bố chuyển giao dần quyền lực cho con trai, một doanh nhân trẻ được giới đầu tư đánh giá khá cao về năng lực.

Mỗi mùa đại hội cổ đông lại là mùa bận rộn của lãnh đạo các doanh nghiệp đại chúng. Trong lòng nhiều doanh nghiệp là những con sóng êm ả thì đại hội khỏi phải nói, tha hồ “xuôi chèo mát mái”, nhưng nếu doanh nghiệp có chuyện thì coi chừng, cổ đông có thể chất vấn như “tát nước vào mặt”.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cần những đại hội có chất lượng, có chất vấn để hội đồng quản trị các doanh nghiệp có trách nhiệm và nỗ lực hơn. Bởi thực tế là họ được đãi ngộ, được lợi lộc từ vị trí đem lại thì họ cũng phải chịu áp lực từ các đòi hỏi lớn không kém.

Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp 

Ở những nền kinh tế tư bản thuần túy, bất cứ lãnh đạo nào mới được bổ nhiệm đều nhận được một văn bản nêu rõ những chỉ tiêu mình phải đạt theo mốc thời gian. Loại văn bản này luôn ghi rõ luật chơi, cũng như đề xuất rõ những mức thưởng tùy theo mức đạt chỉ tiêu.

Đại hội 2019: Những điểm nóng trên bàn chủ tọa ảnh 1

Luật chơi rất đơn giản. Bất chấp có lỗi hay không có lỗi, bất chấp lỗi từ đâu dẫn tới, lãnh đạo nào không đạt chỉ tiêu sẽ phải rút lui. Không những thế, chỉ cần vài triệu chứng sơ khởi cho thấy sẽ không đạt chỉ tiêu là lãnh đạo cũng có khả năng bị phế truất sớm.

Ở Pháp và Tây Âu nói chung, ngay từ những năm 1990 trở đi, người đứng ở vị trí lãnh đạo có cảm nhận là mình đang bị dẫn vào một cuộc thi nhảy sào thường trực.

Khi bạn vượt chỉ tiêu, ví dụ 8% lợi nhuận và đạt thêm 15% cho niên khóa thì ngay lập tức, hội đồng quản trị sẽ nâng sào lên mốc cao hơn. Ở chỗ này, bạn phải mạnh dạn thương thuyết với chính ông chủ của mình là hội đồng quản trị.

Nhưng nghĩ cho cùng, lãnh đạo doanh nghiệp nào chẳng cùng chung cảnh ngộ: Đã làm lãnh đạo thì phần thưởng rất cao, nhưng những đòi hỏi cũng lớn không kém.

Ở Hoa Kỳ, người lãnh đạo không những phải chịu áp lực trên chỉ tiêu lợi nhuận, doanh số, mà còn trên cả mức giá cổ phiếu. Điều này “ác ôn” hơn nhiều, vì ai cũng biết thị trường chứng khoán biến đổi rất nhanh chóng, khó lòng dự báo trước.

Cổ đông lúc nào cũng như kẻ đói khát, không bao giờ vừa lòng. Steve Jobs từng bị đẩy ra khỏi Apple (năm 1985), trong khi chính ông là người sáng lập Công ty. Không làm đúng chỉ tiêu thì xin mời bạn ra cửa, có thế thôi, cho dù bạn có là “bồ tèo của Thượng đế”.

Tin bài liên quan