Dai dẳng tranh cãi về áp dụng Điều lệ mẫu

Dai dẳng tranh cãi về áp dụng Điều lệ mẫu

(ĐTCK) Nhiều công ty đại chúng không áp dụng Điều lệ mẫu, mà chỉ áp dụng Luật Doanh nghiệp, do đó, cổ đông phản ánh, đơn thư kéo dài.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh nhiều trường hợp các cổ đông phản ứng với điều lệ công ty như trường hợp CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP), CTCP Cấp nước Nhơn Trạch... Theo phản ánh của các cổ đông, điều lệ của các công ty này trái với quy định tại Điều lệ mẫu ban hành kèm theo Thông tư 95/2017/TT-BTC.

Chẳng hạn, tại DNP, cổ đông cho rằng, Điều lệ Công ty chỉ quy định cổ đông có quyền tham dự đại hội đồng cổ đông và biểu quyết trực tiếp.

Nhưng Điều 140, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cổ đông còn có thể tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác, gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.

Điều lệ mẫu cũng quy định cổ đông có quyền thực hiện bỏ phiếu từ xa. Với quy định này, cổ đông cho rằng, Công ty đã hạn chế quyền bỏ phiếu từ xa của họ.

Một số quy định trong Điều lệ Công ty cũng khác với Điều lệ mẫu. Cụ thể, Điều lệ Công ty quy định, thông báo mời họp đại hội đồng cổ đông, thời hạn gửi phiếu lấy ý kiến bằng văn bản, gửi các tài liệu... ít nhất 10 ngày trước ngày họp. Trong khi Điều lệ mẫu quy định là 15 ngày.

Điều lệ mẫu quy định, công ty đại chúng tiến hành tất cả các khoản thanh toán và giao dịch kế toán thông qua các tài khoản mà công ty mở tại ngân hàng.

Tuy nhiên, Điều lệ DNP quy định, Công ty có thể thực hiện các phương thức thanh toán và giao dịch khác theo quyết định của Hội đồng quản trị và/hoặc Tổng giám đốc.

Tại CTCP Cấp nước Nhơn Trạch, các nội dung Điều lệ bị cổ đông phản ánh cũng tương tự, bao gồm các quy định về thời hạn, quy định về thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, có hai vấn đề các cổ đông phản ứng mạnh mẽ nhất là tỷ lệ đề cử, ứng cử và quy định về giao dịch với bên liên quan.

Điều lệ mẫu đưa ra tỷ lệ đề cử, ứng cử bắt đầu từ 5%. Tuy nhiên, Điều lệ Công ty quy định tỷ lệ này là từ 10%. Đối với các cổ đông nhỏ lẻ, việc tập hợp một nhóm để đạt tỷ lệ sở hữu 5% đã không dễ, thì với tỷ lệ 10%, khó khăn cho cổ đông tăng lên gấp bội.

Về giao dịch với bên liên quan, Điều lệ mẫu quy định tỷ lệ nhỏ hơn hoặc bằng 20% tổng giá trị tài sản trong báo cáo tài chính gần nhất, các giao dịch trên 20% phải tuân thủ thêm một số điều kiện khác, nhưng Điều lệ công ty áp dụng tỷ lệ 35%.

Các cổ đông cho rằng, công ty đại chúng, ngoài Luật Doanh nghiệp cần phải tuân thủ thêm quy định của luật chuyên ngành, trong trường hợp này là các quy định của ngành chứng khoán, trong đó có Thông tư 95/2017/TT-BTC, áp dụng cho các công ty đại chúng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty lại cho rằng, họ áp dụng Luật Doanh nghiệp là đúng và Điều lệ mẫu chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là quy định bắt buộc.

Những tranh chấp kiểu này thường kéo dài dai dẳng. Cổ đông nhiều lần đơn thư phản ánh tới cơ quan chức năng, cơ quan chức năng ngoài yêu cầu công ty báo cáo giải trình thì không có thêm ý kiến gì khác.

Được biết, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến đối với Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Bản dự thảo Luật lần này có sửa đổi quy định về tỷ lệ ứng cử, đề cử.

Theo đó, cổ đông sở hữu từ 1% cổ phần trở lên có quyền đề cử, ứng cử, có quyền yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường, xem xét trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của hội đồng quản trị, báo cáo tài chính, báo cáo của ban kiểm soát; yêu cầu ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty...

Việc sửa đổi tỷ lệ đề cử, ứng cử được rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ quan tâm bởi quy định này gắn với quyền tham gia quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo lộ trình, Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 9 (diễn ra vào giữa năm sau). Sớm nhất thì Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.

Chưa kể, nếu Dự thảo Luật sửa đổi này được thông qua thì mới giải quyết được tranh chấp về tỷ lệ đề cử, ứng cử.

Còn rất nhiều vấn đề khác có sự khác biệt giữa Luật Doanh nghiệp và quy định chuyên ngành - ở đây là Điều lệ mẫu ban hành kèm theo Thông tư 95/2017/TT-BTC như các quy định về thời hạn, quy định về giao dịch với bên có liên quan... cần được hiểu và áp dụng thống nhất.  

Tin bài liên quan