Cuối năm, nhà đầu tư có thể “đánh cược” với thị trường

Cuối năm, nhà đầu tư có thể “đánh cược” với thị trường

(ĐTCK) VN-Index đang được nhiều ý kiến nhận định ở dưới giá trị hợp lý. Vì thế, nguy cơ giảm mạnh khó xảy ra, còn khả năng hồi phục ở mức cao. 

Thị trường vẫn đang chịu lực nén

Sau nhiều tháng dao động tích lũy, chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.000 điểm từ đầu tháng 11/2019, nhưng chỉ duy trì được vài phiên rồi có xu hướng giảm mạnh, hiện dao động quanh mốc 960 điểm.

Phải có một lý do nào đó để giải thích có sự sụt giảm “vô lý” của thị trường, đó là suy nghĩ của rất nhiều nhà đầu tư, dù không dễ có một đáp án chuẩn xác.

Trong ngắn hạn, những dấu hiệu suy yếu của áp lực bán sau giai đoạn thị trường bị bán quá mức được cho là điều kiện cần cho sự phục hồi.

Tuy nhiên, việc thị trường giảm nhanh và mạnh vẫn ám ảnh không ít nhà đầu tư, nhất là khi thị trường chịu tác động của bán giải chấp do sử dụng đòn bẩy và hoạt động bán tự doanh của khối công ty chứng khoán.

Vì thế, các mốc được xem là hỗ trợ trước đó như 1.000 điểm hay 970 điểm đều nhanh chóng bị xuyên thủng.

Cuối năm, nhà đầu tư có thể “đánh cược” với thị trường ảnh 1

Biến động giá của chỉ số VN-Index, VN30, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ (Nguồn: Công ty Chứng khoán MB).

Ở thời điểm hiện tại, vùng 940 - 950 điểm được nhận định là vùng hỗ trợ mạnh, một phần bởi lực bán đã giảm. Nhiều cổ phiếu mất toàn bộ “thành quả” tích lũy vài tháng trước chỉ trong nhịp giảm vừa qua.

Nhìn lại đợt sụt giảm gần 80 điểm của chỉ số VN- Index (tương đương 7%) trong tháng 11, nguyên nhân chính là nhóm cổ phiếu bluechip điều chỉnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, mang tính dẫn dắt chỉ số.

Theo đó, VN-Index giảm sâu, nhưng mặt bằng chung cổ phiếu trên sàn không quá ảm đạm. Sau khi chạm vùng đáy 950 điểm kể từ tháng 2/2019 thì đà giảm đã chậm lại và xu hướng hiện tại là đang dao động tích lũy, tăng giảm đan xen.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ nhận được sự quan tâm của dòng tiền, sau khi giảm giá khá nhiều trước đó.

Cuối năm, nhà đầu tư có thể “đánh cược” với thị trường ảnh 2

Kịch bản có xác suất xảy ra cao của VN-Index là xoay quanh vùng 955-970 điểm (Nguồn: Công ty Chứng khoán MB).

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, xét về mặt giá trị cơ bản, dựa trên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và hệ số P/E bình quân của các công ty niêm yết trên HOSE, VN-Index có mức định giá hợp lý ở thời điểm cuối năm 2019 là 1.050 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền mới là yếu tố quyết định đến diễn biến ngắn hạn của chỉ số, dòng tiền tạm thời chưa ủng hộ kịch bản này. Nhịp hồi phục của VN-Index nếu có diễn ra trong tháng 12 phải đối diện với các ngưỡng cản lần lượt tại 982 điểm, 989 điểm và 1.000 điểm.

Nhà đầu tư có thể “đánh cược” với thị trường

Nửa sau tháng 12 trở đi có thể coi là giai đoạn cao điểm thông tin như các chỉ số kinh tế vĩ mô được công bố, các doanh nghiệp dần hé lộ kết quả kinh doanh quý IV và động thái chốt giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư.

Về hoạt động chốt NAV, theo ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán, tăng trưởng NAV của các quỹ năm nay đang kém xa chỉ số VN-Index, đây là một áp lực lớn đối với các quỹ. 2019 là năm thứ hai liên tiếp, các quỹ đầu tư kém khả quan.

Tuy nhiên, kỳ vọng thị trường sẽ sớm tăng trở lại từ giữa hoặc nửa cuối tháng 12, giống như năm 2014 và 2015, vì thị trường đã điều chỉnh giảm sớm ngay từ tháng 11.

Nhịp giảm điểm gần đây khiến mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu bluechips có mức định giá hấp dẫn.

Mặc dù vậy, so sánh cơ hội của nhóm này với các cổ phiếu vốn hóa trung bình thì nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ yếu tố rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng.

Đầu tư vào các bluechips có độ an toàn cao hơn, do đó, nhà đầu tư khó có thể kỳ vọng mức sinh lời cao quá cao. Ngược lại, các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể lựa chọn các mã vốn hóa trung bình, thâm chí nhỏ.

Nhìn vào “hiện tượng” các cổ phiếu như PHR, DRC, DGC có thể thấy, nhà đầu tư thích thú với những “game” phát hành, thoái vốn, khi giá liên tục tăng, đi ngược với xu hướng chung của thị trường.

Ông Vũ Minh Đức cho biết, đối với các nhà đầu tư giá trị, việc thị trường giảm mạnh là cơ hội để tích luỹ thêm các cổ phiếu với mức giá “rẻ” hơn giá trị hợp lý.

Danh mục theo dõi hiện tại của VCSC có khá nhiều cổ phiếu đang có tỷ lệ tăng giá kỳ vọng hấp dẫn, tính trên phương diện giá trị nội tại.

Nhưng đối với các nhà đầu tư ngắn hạn thì nên chờ tín hiệu tạo đáy của VN-Index rõ ràng hơn trong những phiên tới.

Năm nay, có nhiều doanh nghiệp gần như đã “chốt” được kết quả kinh doanh, kết quả quý IV chỉ là một sự xác nhận một cách chắc chắn dự phóng trước đó.

Thị giá cổ phiếu đã phản ánh điều này, nên hiện tại, nhà đầu tư bắt đầu hướng sự chú ý tới những cổ phiếu có khả năng tạo lợi nhuận cao trong năm sau.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam (VIS), nhà đầu tư có thể hướng sự chú ý vào những nhóm ngành kỳ vọng tích cực trong năm 2020, nổi bật có nhóm ngành thép, xây dựng khi hoạt động đầu tư công tăng cường trở lại. Nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, thương mại bán lẻ dự báo tiếp tục khởi sắc.

“Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể tạo sóng mới khi nhiều cổ phiếu ngân hàng sẽ niêm yết vào năm sau và cao điểm hoàn thành áp dụng chuẩn Basel II. Đây là thời điểm rất tốt để tích lũy cổ phiếu, nhà đầu tư không nên bỏ qua cơ hội này”, ông Khanh nói.

Thực tế, nếu để lựa chọn ngành có diễn biến tốt hơn thị trường ở thời điểm cuối năm, nhiều nhà đầu tư vẫn nghiêng về phương án lựa chọn các cổ phiếu ngành ngân hàng hoặc bất động sản.

Ngành ngân hàng vẫn đang tăng trưởng tốt và là mục tiêu hàng đầu của dòng vốn ETF đang xu hướng chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi đó, ngành bất động sản có thể chờ đợi câu chuyện hạch toán lợi nhuận quý IV, ghi lợi lãi đột biến.

“Tôi vẫn kỳ vọng ngành ngân hàng tiếp tục là đầu tàu của thị trường chứng khoán. Đây là ngành song hành cùng nền tảng vĩ mô và thông thường sẽ duy trì vai trò dẫn dắt ít nhất thêm 2 - 3 năm kể từ đầu chu kỳ hồi phục. Kết quả của việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng đang dần thẩm thấu vào kết quả kinh doanh, giúp nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng trở lại, dù biên độ có thể hẹp hơn giai đoạn vừa qua”, ông Trần Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.

Tin bài liên quan