Cuộc phiêu lưu của thị trường chứng khoán

Cuộc phiêu lưu của thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Cũng như mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, thị trường chứng khoán bị đảo lộn kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Việc đoán đỉnh thị trường đang khó hơn bao giờ hết.

Chứng khoán bước vào cuộc phiêu lưu

Dịch Covid-19 bùng phát khiến chứng khoán rơi về vùng giá hấp dẫn nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), chỉ số P/E của Việt Nam có những thời điểm rơi xuống mức 9 lần, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan (15,2 lần), Indonesia (13,3 lần) và Philippines (12,7 lần).

Chính điều này đã kích hoạt dòng tiền cả cũ lẫn mới vào cuộc bắt đáy, tạo nên cơ hội hồi phục cho thị trường vào tháng 4, tháng 5 và tiếp tục có những phiên giao dịch rất tích cực vào đầu tháng 6.

Thống kê cho thấy, so với mức lợi nhuận bình quân trong cả năm 2019 là 3,16% thì chỉ trong thời gian qua, tỷ suất lợi nhuận mà chứng khoán mang lại cao hơn rất nhiều.

Cụ thể, tháng 4 có tới 36% các mã mang lại lợi nhuận trên 20% và giảm xuống 13,3% trong tháng 5.

Ngay ở những phiên đầu tháng 6/2020, mặc cho những khuyến nghị thận trọng của nhiều công ty chứng khoán, mặc cho những hô hào “thoát hàng” trên các diễn đàn chứng khoán, chỉ số VN-Index vẫn lừ lừ đi lên.

Dòng tiền vẫn rất mạnh và luân chuyển đều từ nhóm bluechips sang midcap, penny…và chỉ những người “thoát hàng” sớm mới chịu thiệt.

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay tại Mỹ, khi cộng đồng doanh nghiệp đang phải hứng chịu những khó khăn chưa từng thấy thì chứng khoán vẫn một mạch đi lên. Không có điều gì có thể giải thích hợp lý cho biến động ngược xu thế của thị trường chứng khoán hiện nay bằng niềm tin của nhà đầu đầu tư.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ nghiêng nhiều hơn về kịch bản tiếp tục tăng điểm trong nửa đầu của tháng 6, với đích đến là vùng kháng cự mạnh của chỉ số VN-Index tại 918 - 932 điểm.

Có nhiều lý do để kỳ vọng về kịch bản này như là việc kiểm soát tốt và sớm dịch bệnh của Việt Nam, sự hồi phục của các ngành nghề dịch vụ cũng như của nền kinh tế Việt Nam, việc chính thức ký phê duyệt Hiệp định EVFTA sẽ tạo động lực trợ giúp cho nhiều doanh nghiệp của Việt Nam hồi phục và mở ra cơ hội tăng trưởng khả quan.

Tuy nhiên, với việc chỉ số VN-Index có khả năng cao sẽ tạo đỉnh ngắn - trung hạn tại vùng kháng cự đã được nêu trên cũng sẽ kéo theo tình trạng phân hóa rõ ràng hơn giữa các nhóm ngành cổ phiếu.

Theo đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý II khả quan sẽ là điểm đến thu hút dòng tiền bên cạnh các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong hai quý còn lại của năm 2020. 

Sự vận động của thị trường đã vượt qua những kỳ vọng ban đầu về một nhịp hồi phục, với hành trình tăng điểm kéo dài đã hơn 2 tháng, đặc biệt kể từ khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt.

Theo đánh giá của ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank, thị trường chứng khoán đang vận động theo cách hưng phấn quá đà, vượt xa các dự báo và phân tích, đánh giá về nền tảng cơ bản, kinh tế vĩ mô, chưa biết thời điểm kết thúc và gợi nhớ về những kỷ niệm thời kỳ 2006.

Bản chất của sự vận động này có lẽ tới từ sự dịch chuyển của dòng tiền nóng trong nền kinh tế, đó là tiền nhàn rỗi của người dân, tiền của doanh nghiệp chưa đổ vào sản xuất - kinh doanh do những khó khăn của nền kinh tế, thậm chí cả nguồn tiền từ các gói kích cầu…

Về xu hướng ngắn hạn, chỉ số vẫn tiếp tục vận động trong kênh giá lên, tuy nhiên hiện tại đã xuất hiện rất nhiều cổ phiếu bước vào vùng quá mua, do đó, áp lực chốt lời ngày càng mạnh (khiến thanh khoản gần đây luôn duy trì ở ngưỡng rất cao và liên tục lập đỉnh).

Thời gian qua, chưa có nhịp điều chỉnh nào đáng kể nên thị trường vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh lớn và có thể đến bất cứ lúc nào.

Khả năng kiếm lợi nhuận, theo giới chuyên gia phân tích là vẫn còn, do dòng tiền nóng đang đổ vào thị trường là rất lớn nên chưa thể xác định được đâu là vùng đỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, việc tham gia vào thị trường ở thời điểm hiện tại giống như một cuộc phiêu lưu, nhà đầu tư không nên hưng phấn quá đà, mà cần chú trọng đến quản trị rủi ro để bảo vệ thành quả. 

Xác suất kiếm lời trong tháng 6

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thế giới đang được hỗ trợ chính từ sự vận động của dòng tiền mới tham gia vào thị trường.

Cụ thể, để ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới nền kinh tế, chính phủ các nước đã có các biện pháp khác nhau để tạo thanh khoản cho thị trường dưới nhiều hình thức.

Điều này đã giúp thị trường chứng khoán sôi động và các chỉ số tăng mạnh sau khi chạm đáy vào cuối tháng 3.

Theo thống kê của FiinPro, các nhóm cổ phiếu ngành du lịch và giải trí (trong đó đặc biệt là cổ phiếu hàng không) mặc dù lợi nhuận quý I/2020 giảm 211,9% so với cùng kỳ, cũng như kế hoạch cả năm 2020 được dự báo giảm 18,6% nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng 26,6% kể từ đáy.

Hay tại nhóm cổ phiếu dầu khí, trong khi lợi nhuận quý I/2020 giảm tới 303,4% và dự kiến cả năm 2020 giảm 35% thì giá cổ phiếu lại tăng 30% so với đáy được xác lập trong tháng 3. Nhiều nhóm ngành khác cũng có diễn biến tương tự, nhưng ở mức độ thấp hơn.

Nhìn vào biến động giá cổ phiếu trong hơn 2 tháng qua cho thấy, các nhà đầu tư mới hầu như đều thắng khi tỷ lệ các mã có lãi trong tháng 4 lên tới 86%, con số này tiếp tục duy trì trong tháng 5 với 77%. Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích, TVSI cho rằng, càng về cuối năm, cơ hội kiếm lời trên thị trường chứng khoán càng không dễ dàng.

“Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang có sự thu hút lớn hơn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Có tới 27% mã bluechip đang hồi phục kém hơn Index”, ông Nam nhận định và lưu ý thêm, mức sinh lời của các cổ phiếu như ở tháng 4 và tháng 5 rất khó để tiếp tục duy trì.

Thống kê của TVSI cho thấy, tháng 5, tỷ lệ các mã có lợi nhuận dưới 10% đã là 63% cao hơn khá nhiều mức 13,6% của tháng 4 và trong các tháng tiếp theo. Thị trường sẽ phân hóa nhiều hơn, tỷ lệ các mã đạt lợi nhuận cao có thể sẽ quay về mức trung bình các năm trước, đó là chỉ có 3 - 4% các mã đạt mức sinh lời 20% theo tháng…

Dẫn lời nói của Justin Mami, “cổ phiếu được mua trong hy vọng và chúng thường bị bán ra bởi vì sự sợ hãi", ông Đào Tuấn Trung cho rằng, diễn biến của thị trường trong thời gian tới sẽ nghiêng nhiều hơn về động thái đầu cơ và tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đồng thời giảm lãi suất huy động khiến cho dòng tiền được điều hướng vào thị trường chứng khoán cùng với sự tham gia của dòng tiền F0.

Bên cạnh đó, kỳ vọng vào sự hồi phục của các cổ phiếu đã hầu như phản ánh hết vào diễn biến tích cực của giá cổ phiếu trong suốt thời gian qua.

Tin bài liên quan