Cú sốc giá và nỗi lo doanh nghiệp cao su quay lại thời gian khó

Cú sốc giá và nỗi lo doanh nghiệp cao su quay lại thời gian khó

(ĐTCK) Diễn biến tích cực của giá cao su tự nhiên thế giới đã giúp các doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả doanh thu, lợi nhuận quý I/2017 tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ. Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này giai đoạn tới có thể bị thu hẹp trong bối cảnh giá cao su tự nhiên quay đầu giảm mạnh.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang

Từ cuối tháng 8/2016, giá mủ cao su trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) ghi nhận một đợt tăng đột biến, từ vùng 150 JPY/kg nhanh chóng đạt đỉnh 351 JPY/kg trong tháng 1/2017, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Giá mủ cao su tăng mạnh đã nhanh chóng phản ánh vào kết quả kinh doanh quý I/2017 của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên.

Chẳng hạn, tại CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), theo báo cáo tài chính quý I/2017, Công ty ghi nhận doanh thu 412,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 85,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 129,4% và 100% so với cùng kỳ 2016. Theo lãnh đạo PHR, kết quả này là nhờ giá bán cao su bình quân quý I tăng hơn 67% so với cùng kỳ, đạt 45,1 triệu đồng/tấn.

Tại CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), quý I/2017, doanh thu đạt 243,9 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 100,9 tỷ đồng, tăng 162,5% so với cùng kỳ 2016. Lãnh đạo DPR cho biết, dù sản lượng tiêu thụ trong quý chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ 2016, nhưng giá bán bình quân tăng tới 84%, đạt 49,7 triệu đồng/tấn, giúp Công ty hoàn thành 33% kế hoạch doanh thu và 31,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2017…

Cú sốc giá và nỗi lo doanh nghiệp cao su quay lại thời gian khó ảnh 1

Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Từ đầu tháng 2/2017 đến nay, giá cao su đã giảm nhanh trở lại. Tính đến cuối phiên giao dịch ngày 3/6/2017, giá cao su trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo chỉ còn 191 JPY/kg, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Nguyên nhân của đợt sụt giảm mạnh này được cho là tình trạng nguồn cung dư thừa và thiếu hụt đầu vẫn chưa được giải quyết.

Nền tảng của đợt tăng giá vừa qua đến từ những nguyên nhân như tác động theo sự tăng giá của dầu mỏ, thiên tai gây sụt giảm sản lượng, nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh trong ngắn hạn… Do vậy, khi những khó khăn qua đi thì đà tăng giá sẽ không duy trì được.

Thời gian qua, giá cao su thiên nhiên đã chịu tác động từ một loạt thông tin kém tích cực. Cụ thể, nguồn tin từ hãng Reuters cho rằng, sản lượng cao su toàn cầu sẽ tăng lên 12,9 triệu tấn trong năm 2017, từ mức 12,4 triệu tấn năm 2016, chủ yếu nhờ sản lượng ở các nước sản xuất hàng đầu là Thái Lan và Việt Nam hồi phục mạnh trở lại sau năm 2016 chịu ảnh hưởng nặng bởi thiên tai.

Giá dầu thô quay đầu giảm và không thể bứt phá khỏi ngưỡng 50 USD/thùng khiến áp lực tăng giá của các sản phẩm thay thế là cao su nhân tạo giảm xuống. Bên cạnh đó là tin đồn xung quanh việc Chính phủ Trung Quốc sẽ giải phóng tồn kho cao su để tích trữ hàng mới.

Hàng loạt báo cáo phân tích cũng tỏ ra nghi ngại kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này và giới đầu tư giảm đầu tư vào những tài sản hàng hóa nhiều rủi ro.

Theo dự báo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRCP) tháng 1/2017, thặng dư cung cao su thiên nhiên có thể ở mức 300 – 600 ngàn tấn mỗi năm trong giai đoạn 2018 – 2022 và đến năm 2023 mới có thể cân đối cung - cầu. Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) đưa ra kịch bản kém khả quan hơn, khi dự báo tình trạng dư cung có thể kéo dài tới năm 2030…

Có lẽ do nhận thấy sự tăng giá của giá cao su thế giới những tháng cuối 2016, đầu 2017 dựa trên nền tảng chưa bền vững, nên dù ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực quý I, tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều khá thận trọng với kế hoạch 2017, nhất là trong chỉ tiêu giá bán sản phẩm.

 

Nếu như DPR ước tính giá bán bình quân 2017 là 36 triệu đồng/tấn, thấp hơn 27% giá bán bình quân quý I, thì PHR chỉ kỳ vọng giá bán bình quân cả năm ở mức 35,69 triệu đồng/tấn, thấp hơn 20,88% giá bán quý I.

Với CTCP Cao su Tây Ninh (TRC), giá bán cả năm mà Công ty đặt kế hoạch là 35,28 triệu đồng, trong khi quý I, giá bán bình quân đạt 49,2 triệu đồng/tấn.

Thực tế cho thấy, biến động giá bán của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên trong nước thường có độ trễ khoảng 2 - 3 tháng so với diễn biến giá cao su trung bình thế giới. Do vậy, về ngắn hạn, kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp ngành này vẫn có thể tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2016, nhưng từ quý III trở đi, dư địa tăng trưởng nhờ giá sẽ dần thu hẹp. Thậm chí, các doanh nghiệp ngành này có khả năng tăng trưởng âm, nếu xu hướng sụt giảm của giá cao su thế giới tiếp tục duy trì.

Chu kỳ giảm của giá cao su thiên nhiên kéo dài nhiều năm nay, đẩy các doanh nghiệp ngành này vào thế khó. Có thời điểm, họ phải bán với giá thấp hơn giá thành, hoạt động khai thác mủ không có lãi, mà phải bù đắp từ thu nhập khác (chủ yếu là thanh lý vườn cây)…

Một số doanh nghiệp đã phải trồng xen canh cây cao su với một số cây khác để tăng thu nhập, hay PHR, DPR đẩy mạnh đầu tư vào cho thuê khu công nghiệp nhằm đa dạng hóa cơ cấu nguồn thu. Đợt phục hồi vừa qua khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá cao su đã thoát khỏi xu hướng giảm kéo dài.

Tuy nhiên, diễn biến của giá cao su thế giới đang cho thấy khả năng đợt phục hồi chỉ là điểm vụt sáng, những khó khăn có thể nhanh chóng trở lại.

Cổ phiếu cao su có còn hấp dẫn?

Mặc dù giá cao su sụt giảm và duy trì ở mức thấp trong những năm vừa qua, nhóm cổ phiếu ngành cao su thiên nhiên vẫn tạo được sức hấp dẫn nhất định với một số nhà đầu tư. Điều này được cho là đến từ 2 yếu tố.

Thứ nhất là nền tảng tài chính mạnh. Sau nhiều năm đầu ra gặp khó khăn, các doanh nghiệp trong ngành đã chủ động tiết giảm chi phí sản xuất, điều chỉnh cơ cấu tài chính theo xu hướng giảm nợ vay. Nền tảng này cùng với dòng tiền hoạt động kinh doanh dương đều đặn hàng năm giúp các doanh nghiệp trong ngành không những đáp ứng đủ nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư mới, tái canh rừng cao su hàng năm, mà còn duy trì chính sách chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn.

Chẳng hạn, tại DPR, tính đến cuối quý I/2017, tỷ lệ nợ vay/tổng nguồn vốn chỉ chiếm 6,5%, tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng chiếm 26,78% tổng tài sản. DPR cũng là doanh nghiệp có mức trả cổ tức cao nhất, bình quân trên 30% suốt từ năm 2010 đến nay.

Cú sốc giá và nỗi lo doanh nghiệp cao su quay lại thời gian khó ảnh 3

Trong khi đó, PHR có nợ vay ngắn và dài hạn chỉ chiếm 24,1% tổng nguồn vốn. Các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn lên đến hơn 811 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng tài sản, cổ tức hàng năm duy trì trên 15%.

TRC có tỷ lệ vay nợ chỉ chiếm 8,07% nguồn vốn, với cổ tức được đảm bảo trên 15%/năm. CTCP Cao su Thống Nhất (TNC) thậm chí còn không phải vay nợ, không phát sinh chi phí lãi vay, tiền và tương đương tiền lên đến 43,15% tổng tài sản và cổ tức trong những năm khó khăn nhất cũng đạt 8%.

Thứ hai là cơ cấu cổ đông cô đặc. Có đến 4 doanh nghiệp là PHR, DPR, TRC, HRC có tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) từ 55% trở lên.

Với TNC, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cổ đông lớn nhất, nắm 51%. Sự chi phối tuyệt đối của cổ đông lớn giúp định hướng hoạt động của các doanh nghiệp này được duy trì ổn định.

Tuy nhiên, chính điểm này cùng với các cổ đông nội bộ và các quỹ đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn, ít giao dịch đã khiến thanh khoản các cổ phiếu cao su thiên nhiên niêm yết thường xuyên ở mức thấp.

Trong số các doanh nghiệp cao su niêm yết hiện nay, PHR, DPR, TRC là nhóm doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận tốt và ổn định nhất, nhờ tỷ lệ rừng trẻ tuổi chiếm tỷ trọng cao.

Mỗi doanh nghiệp cũng có lợi thế riêng, chẳng hạn PHR có lợi thế diện tích khai thác lớn nhất, DPR có lợi thế phát triển được chuỗi sản xuất khép kín và sử dụng chính cao su tự nhiên làm nguyên liệu đầu vào.

TRC lại đang được hưởng mức thuế ưu đãi với mức 12,5% cho thuế thu nhập doanh nghiệp từ trồng trọt và 15% cho các hoạt động khác đến năm 2019.

Phản ánh những thông tin tích cực về diễn biến giá cao su thiên nhiên thế giới cùng kết quả kinh doanh đột biến trong quý I, nhóm cổ phiếu cao su thiên nhiên đã có đợt tăng giá đáng kể trong 6 tháng trở lại đây.

Thị giá hai cổ phiếu TRC, TNC tăng trên 50%, còn PHR, DPR có mức tăng trên dưới 80%. Hệ số giá trên thu nhập (PE) 4 quý gần nhất của PHR ở mức 10,7 lần, DPR (8,2 lần), TRC (7,8 lần), TNC (9,8 lần)

Đây là mức khá thấp so với VN-Index và nhiều nhóm ngành khác, nhưng trong quá khứ, nhóm doanh nghiệp cao su thiên nhiên cũng thường được giao dịch ở PE thấp hơn thị trường khá nhiều. Do vậy, trong điều kiện giá cao su giảm trở lại sẽ gây áp lực lên triển vọng kết quả kinh doanh, từ đó gây áp lực lên thị giá cổ phiếu cao su.

Tất nhiên, dù giá cao su đang trong xu hướng giảm, nhưng mức bình quân trong năm 2017 nhiều khả năng vẫn cao hơn mức bình quân 2016, nhờ giai đoạn giá cao đầu năm.

Diễn biến này cùng nền tảng tài chính tốt, chính sách cổ tức tiền mặt đều đặn, nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên vẫn là sự lựa chọn hấp dẫn cho những nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu dài hạn, cơ bản khi thị giá đạt mức điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp, điển hình là PHR với thông tin lợi nhuận bất thường từ việc đền bù giải phóng mặt bằng của Khu công nghiệp VSIP 3 cũng có thể khiến cổ phiếu duy trì được đà tăng tốt.   

Tin bài liên quan