CTCK cạnh tranh thị phần bằng tiền rẻ

(ĐTCK) Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến cuối năm 2015,có 25% số CTCK rời bỏ cuộc chơi, chấp nhận hợp nhất vào công ty khác, hoặc tạm dừng hoạt động. 
CTCK cạnh tranh thị phần bằng tiền rẻ

Bảng xếp hạng thị phần môi giới của các CTCK năm 2015 trên sàn HOSE cũng cho thấy, Top 10 CTCK có thị phần lớn nhất đang chiếm 65,37% thị phần, 65 CTCK chia nhau 34,63% thị phần còn lại. Tiềm lực tài chính đang là yếu tố sống còn trong cuộc đua thị phần của các CTCK.

“Mạnh vì gạo…”

Top 10 thị phần của năm 2015 vẫn là những cái tên quen thuộc, SSI với vốn điều lệ 4.800 tỷ đồng giữ vị trí số 1 trên cả hai sàn trong suốt 2 năm liền. Tiềm lực tài chính mạnh đã giúp SSI có khả năng cung cấp tài chính lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho khách hàng, cho dù có thời điểm thị trường gặp khó khăn trước các quy định hạn chế vốn vay ngân hàng vào lĩnh vực chứng khoán.

Không thể phủ nhận tiềm lực tài chính đang là yếu tố sống còn trong cuộc đua thị phần của các CTCK, nhất là trong bối cảnh sắp tới việc cung cấp các sản phẩm mới như phái sinh yêu cầu CTCK phải đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu, cụ thể như 600 tỷ đồng với hoạt động môi giới sản phẩm phái sinh, 800 tỷ đồng với hoạt động tự doanh phái sinh. Quy định về cung cấp dịch vụ T+0 dù không yêu cầu về vốn tối thiểu, nhưng giá trị giao dịch trong ngày của mỗi CTCK không được vượt quá một tỷ lệ nhất định so với vốn chủ sở hữu…

CTCK cạnh tranh thị phần bằng tiền rẻ ảnh 1

Trong quý III và IV/2015, thị trường đã chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục về thị phần môi giới của CTCK KIS Việt Nam. KIS chưa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2015, quý mà công ty này đã bứt phá lên vị trí số 4 thị phần môi giới trên sàn Hà Nội (6,36%) và vị trí số 8 thị phần môi giới trên sàn HOSE (4,21%), tuy nhiên theo số liệu tại ngày 30/9/2015, khoản phải thu khách hàng của KIS đạt gần 1.200 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 263 tỷ đồng hồi đầu năm 2015. Chủ yếu nguồn tiền này để cho vay margin.

KIS bung sức cho vay margin để mở rộng thị phần đến nỗi ngày 23/11/2015, công ty này đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt 150 triệu đồng vì vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ chứng khoán.

Trước đó, vào tháng 1/2015, KIS đã tăng vốn từ 263,6 tỷ đồng lên 1.113 tỷ đồng vào tháng 1/2015. Việc bơm vốn từ phía công ty mẹ Hàn Quốc trong bối cảnh lãi suất ở Hàn Quốc rất rẻ (chỉ từ 1,5 - 2%/năm) và việc đồng Won giảm giá so với VND đã giúp cho KIS có một nguồn tài chính dồi dào để cung cấp margin cho khách hàng. 

… và đội ngũ phân tích chuyên nghiệp

HSC và VCSC có lượng khách hàng tổ chức lớn cũng giữ vững được vị trí số 2 và số 3 trên sàn HOSE. Các CTCK trong Top 3 (SSI, HSC, VCSC) gần như không thay đổi trong 2 năm qua trên sàn HOSE và các CTCK ở top dưới cũng khó bật lên bởi lượng giao dịch của khối ngoại và các tổ chức lớn gần như tập trung tại 3 CTCK này.

Riêng Top 3 đã chiếm giữ 33,43% thị phần. Một phần là nhờ đội ngũ phân tích và môi giới khách hàng tổ chức của 3 CTCK này chuyên nghiệp hơn hẳn các CTCK khác.

Các báo cáo gửi cho nhà đầu tư nước ngoài được viết trực tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Nhật và cập nhật liên tục, nhiều khi thông tin về doanh nghiệp được lấy từ báo cáo các CTCK còn nhanh và đầy đủ hơn doanh nghiệp công bố trên website.

Việc sử dụng các sản phẩm chéo của nhau giữa các bộ phận cũng giúp các công ty này mở rộng mạng lưới khách hàng, như môi giới sử dụng báo cáo của phân tích hay bộ phận IB có thể kéo khách về cho môi giới…

CTCK cạnh tranh thị phần bằng tiền rẻ ảnh 2

Thời điểm năm 2009 – 2012, khi thị trường bất ổn và nhiều CTCK phải sa thải nhân sự, một số CTCK đã quyết định cắt hết bộ phận phân tích. Đến thời điểm này, nhiều CTCK đã xác định phải xây dựng đội phân tích đủ mạnh cùng môi giới khách hàng tổ chức.

VNDirect đứng vững ở vị trí số 2 trên sàn Hà Nội, nơi giao dịch chủ yếu của các NĐT cá nhân, còn trên sàn HOSE, không phủ nhận thị phần của VNDirect tăng đều và chắc trong 3 năm trở lại đây với vị trí thứ 4 (5,695%), nhưng để lên vị trí thứ 3 trên sàn này, có lẽ VNDirect cần phải mở rộng được đối tượng khách hàng sang khối NĐT tổ chức.

Nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang vào TTCK Việt Nam ngày một nhiều, bên cạnh khối khách hàng truyền thống từ Mỹ và châu Âu. Miếng bánh thị trường càng mở rộng thì CTCK càng phải nỗ lực để gia tăng thị phần. Gần đây, một số CTCK như VPBS, Rồng Việt, Maybank KimEng, VCBS, MBS, VietinbankSC… thường xuyên mở các hội thảo phân tích và giới thiệu cơ hội đầu tư, để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.    

Tin bài liên quan