CTCK: Ám ảnh "tấc vàng"

Một trong những quy định mới tại Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán có hiệu lực từ 10/5 là các CTCK phải có diện tích sử dụng làm sàn giao dịch phục vụ nhà đầu tư tối thiểu 150 m2. Trong thời buổi "tấc đất, tấc vàng", để xoay sở cho đáp ứng yêu cầu, các CTCK, nhất là các CTCK mới phải tốn công không nhỏ...

Lãnh đạo Công ty chứng khoán Quốc gia (NSI) thở phào khi nghe thông báo của Bộ Tài chính về việc sàn giao dịch phải rộng tối thiểu 150 m2. Diện tích sàn giao dịch mà NSI sắp khai trương trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP HCM) chỉ nhích hơn chuẩn vỏn vẹn 2 m2.

Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch hội đồng quản trị NSI cho hay, sinh sau đẻ muộn nhưng vì kinh doanh chung với Công ty Mua bán nợ của Bộ Tài chính nên công ty mới có được sàn giao dịch 152 m2 nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện tại. Ông cho hay, tuy diện tích nhỏ, không có lầu, nhưng công ty này cũng phải trả giá thuê "hữu nghị" lên đến 30 triệu đồng/tháng. Văn phòng này chủ yếu là để giao dịch và làm nghiệp vụ môi giới, các dịch vụ khác được thực hiện tại chi nhánh Tôn Đức Thắng, cũng trong quận 1.

Vừa khai trương trụ sở mới với tổng diện tích hơn 920 m2 vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (DVSC) cho biết, ở địa chỉ cũ (số 40-42 Phan Bội Châu, quận 1), diện tích sàn giao dịch chỉ vỏn vẹn 50 m2, 40 nhà đầu tư ngồi chật cứng. Cố gắng lắm Rồng Việt mới thuê được cao ốc Estar Building ở số 147-149 Võ Văn Tần, quận 3, chấp nhận sàn giao dịch mới xa trung tâm hơn so với sàn cũ.

Khá nhiều giám đốc công ty chứng khoán đã cho rằng, họ may mắn do sớm lập sàn giao dịch nên mới có thể thuê được mặt bằng rộng như quy định của Bộ Tài chính tại TP HCM. Còn đối với những doanh nghiệp đi sau thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu diện tích đặt ra.

Một công ty đang ráo riết chuẩn bị để gia nhập sàn TP HCM trong tháng tới kể, vốn là người kinh doanh, lại quen biết rộng nhưng kiếm đỏ mắt không ra được chỗ hội đủ các điều kiện để kinh doanh. Ông cho hay, khu vực quanh Trung tâm chứng khoán như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phó Đức Chính, Nguyễn Công Trứ chỗ nào đủ điều kiện làm văn phòng là hét giá trên trời chứ nói gì đến việc kiếm được chỗ đủ chuẩn quy định. "Nhiều khi vừa tìm ra chỗ ngon lại bị một công ty khác lợi dụng quen biết hớt tay trên, mà khu phố Wall thì ...", anh bỏ lửng câu nói.

Thông thường, các công ty chứng khoán phải nằm ở khu trung tâm, tốt nhất là gần Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, "khu phố Wall". Giá thuê cao ốc tầm trung nơi đây khoảng 25 USD/m2. Đó là chưa kể nếu sàn giao dịch rộng 150 m2 thì tổng diện tích văn phòng ít nhất phải rộng gần 400 m2, bởi ngoài khu để các nhà đầu tư ngồi, công ty còn phải bố trí khu đặt lệnh mua, bán, nhập lệnh cũng như quầy thu, trả tiền... Tính ra, nội tiền thuê cũng phải từ 10.000 USD/tháng trở lên. Trong thời buổi ế khách như hiện nay, xoay tiền thuê cao ốc hàng tháng đối với các công ty nhỏ quả không dễ chút nào.

Hiện tại TP HCM có hơn 50 công ty chứng khoán thành viên, mỗi công ty có nhiều sàn giao dịch. Rất nhiều công ty chứng khoán muốn thuê văn phòng trong các cao ốc hạng A như Sunwah, Saigon Center... nhưng đều không được bởi ngoài tình trạng khan hiếm đất, chủ các cao ốc này còn e ngại khách giao dịch chứng khoán lên xuống quá nhiều, gây bất tiện cho những công ty bên cạnh. Còn nếu thuê biệt thự, nhà dân làm sàn giao dịch chứng khoán lại không đạt chuẩn quy định. Nhiều công ty vẫn phải sử dụng sàn giao dịch chật chội không quá 100 m2.

Nhiều công ty chứng khoán cho biết, quy định trên đưa ra hơi đường đột bởi hiệu lực thi hành chỉ sau khi thông báo ngày 5/5 có 5 ngày. Trước vấn đề này, ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM cho biết, thực tế quy định về diện tích sàn của Bộ Tài chính là để bảo đảm cho các nhà đầu tư được giao dịch thuận lợi, thoải mái, tránh cảnh chen lấn dẫn đến tình trạng mất mát tài sản. Quy định chỉ áp dụng với những công ty sẽ khai trương trong thời gian tới. Còn đối với những sàn giao dịch đã hoạt động, Trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM sẽ ra văn bản hướng dẫn thi hành trong đó nêu rõ lộ trình để các công ty chứng khoán chuẩn bị. Sau đó, Trung tâm sẽ tiến hành kiểm tra, nếu không đạt yêu cầu mới rút giấy phép hoạt động.

"Ngoài quy định về diện tích chuẩn của sàn giao dịch, Trung tâm còn yêu cầu các công ty chứng khoán thành viên nâng cấp công nghệ sao cho kết nối tốt với hệ thống của Trung tâm để tránh tình trạng rớt lệnh của nhà đầu tư", ông Sinh cho biết.