Công ty quản lý quỹ đại chúng, còn phải chịu lỗ... dài

Công ty quản lý quỹ đại chúng, còn phải chịu lỗ... dài

(ĐTCK) Hoạt động ngành quỹ, vẫn vậy, khó huy động vốn, khó nâng cao hiệu quả đầu tư và khó... Ngay cả những công ty đã có tên tuổi trên thị trường quản lý quỹ cũng đang ghi nhận các khoản lỗ lớn.

CTCP Quản lý quỹ Vinawealth, đơn vị đầu tiên đưa ra quỹ mở ở Việt Nam từ một năm trước, là một trong những công ty ghi nhận lỗ lớn nhất trong ngành quản lý quỹ. Tính đến thời điểm 30/6/2013, Công ty ghi nhận lỗ lũy kế lên đến hơn một nửa vốn điều lệ: lỗ 26,5 tỷ đồng trên vốn điều lệ hơn 39 tỷ đồng.

Nói về kết quả kinh doanh, Vinawealth cho biết, vì Công ty là đơn vị đầu tiên phát triển thị trường quỹ mở ở Việt Nam nên đã phải bỏ ra nhiều nguồn lực trong vòng hai năm qua để phát triển phân khúc thị trường đầu tư trong nước.

Nhưng do mức độ tiếp nhận của thị trường về dòng sản phẩm mới này còn rất thấp và chậm, nên VinaWealth cũng như nhiều công ty quản lý quỹ trong nước khác đã và đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tạo ra doanh thu.

Tương tự Vinawealth, các công ty phát triển quỹ đại chúng dạng mở khác đang đối mặt với những khoản chi lớn cho việc vận hành, quảng bá, đào tạo thị trường về loại sản phẩm mới ở Việt Nam này. Trong khi đó, thành tích của các công ty và các quỹ chưa đủ ấn tượng để thu hút nhà đầu tư. Eastspring Investments, công ty quản lý quỹ đại chúng dạng đóng PRUBF1 và đang phát triển sản phẩm quỹ mở ENF, ghi nhận lỗ 2,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2013.

Bà Nguyễn Phương Anh, Phó giám đốc Phát triển kinh doanh của BaoViet Fund ước tính, một quỹ mở sẽ phải đạt đến quy mô 300 - 400 tỷ đồng mới đem lại doanh thu đủ để bù đắp chi phí. Những chi phí này bao gồm chi phí cho bộ máy nhân sự, phần mềm, hệ thống quy trình theo quy chuẩn quốc tế, chi phí cho các dịch vụ của đại lý phân phối, ngân hàng giám sát và quản trị quỹ. 

“Những chi phí từ bên thứ ba thường được áp một mức giá sàn nhất định, tức là nếu quỹ có quy mô nhỏ thì vẫn phải chịu mức phí khá cao. Khi quy mô quỹ đạt được đến một ngưỡng nhất định thì tỷ lệ chi phí trên quy mô vốn mới giảm và vượt qua được điểm hòa vốn”, bà Phương Anh nói và cho rằng, với những quỹ có quy mô nhỏ như hiện nay thì doanh thu thật sự không đủ bù đắp chi phí vận hành quỹ.

Theo nhiều nhà quản lý quỹ, phải có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể phát triển sản phẩm quỹ mở. Vinawealth vào tháng 11/2013 đã nâng vốn điều lệ thêm 23 tỷ đồng, lên 62 tỷ đồng. Quản lý quỹ MBCapital, đơn vị đang quản lý quỹ mở trái phiếu MBBF, trong tháng 11/2013 cũng tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt 200 tỷ đồng.

Vinawealth chia sẻ, từ năm 2014, Công ty sẽ triển khai các sản phẩm và dịch vụ mới cho nhiều phân khúc khách hàng, để tăng doanh thu, đủ bù chi phí. Trong những sản phẩm mới này, sẽ có các quỹ mở mới, quỹ hưu trí tự nguyện theo mô hình ủy thác.

Tuy nhiên, mất bao lâu để kinh doanh có lãi từ thị trường nhà đầu tư đại chúng Việt Nam vẫn là câu hỏi lớn đối với các công ty quản lý quỹ nội. Manulife Asset Management, công ty quản lý quỹ đại chúng dạng đóng MAFPF1 suốt từ năm 2007, đã lỗ lũy kế lên đến 25 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 53 tỷ đồng tính đến cuối quý IV/2013. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, Công ty lỗ 5,7 tỷ đồng - trong khi đó, năm 2013, Quỹ MAFPF1 có tài sản ròng tăng gần 32%, vượt xa mức tăng 22% của VN-Index và doanh thu từ hoạt động kinh doanh quản lý tài sản của Công ty trong 9 tháng đầu năm 2013 đạt gần 13 tỷ đồng, gần bằng doanh thu 14,3 tỷ đồng của cả năm 2012.

Chỉ một số ít công ty có được nguồn doanh thu đủ để cân bằng với khoản hụt doanh thu từ quỹ đại chúng. Baoviet Fund - công ty đã khai trương sản phẩm quỹ mở BVFED vào cuối năm 2013 - tiếp tục thông báo, doanh thu và lợi nhuận năm 2013 bằng với mức của năm 2012 (trong nửa đầu năm 2013, Baoviet Fund đạt 20,5 tỷ đồng  và 6,9 tỷ đồng lợi nhuận). Bà Phương Anh cho hay, trong năm 2013, Công ty đã gọi được thêm nguồn vốn ủy thác của khách hàng, đủ để bù đắp cho doanh thu hụt đi của việc Quỹ BVF1 bắt đầu giải thể.  

Tin bài liên quan