Tăng minh bạch
Còn nhớ cách đây hai năm, lần đầu tiên, báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2016 của 15 doanh nghiệp đại chúng, trong đó hầu hết đang niêm yết như: CMC, KHL, CMT, NAF, KVS, CTCK Quốc tế, CTCK Mê Kong… đã không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp nhận, vì đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán các báo cáo này là Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Thăng Long - TDK đã bị đình chỉ tư cách tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán.
Đáng chú ý, cũng thời gian trên, lần đầu tiên UBCK ra quyết định đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đối với kiểm toán viên Nguyễn Ngọc Tỉnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) do một số vi phạm. Đồng thời 3 kiểm toán khác của CPA Hà Nội cũng bị UBCK đình chỉ tư cách gồm: Nguyễn Thị Gấm, Trần Văn Dũng và Bùi Quang Hợp.
Qua thực tế kiểm tra chất lượng kiểm toán thời gian qua, Bộ Tài chính chỉ ra nhiều sai phạm mà không ít công ty kiểm toán mắc phải. Theo đó, một số sai sót chủ yếu trong hồ sơ kiểm toán BCTC như: Không có giấy tờ làm việc kiểm tra tính tuân thủ pháp luật, các bên liên quan, số dư đầu năm, hoạt động liên tục, đánh giá tổng ảnh hưởng của các sai sót trọng yếu để làm cơ sở đưa ra ý kiến. Chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán, đặc biệt là đối với các phần trọng yếu, rủi ro như: Công nợ phải thu khách hàng, phải trả nhà cung cấp, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang...
Một số công ty kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ, nhưng chưa định lượng giá trị cụ thể của khoản mục ngoại trừ và chưa định lượng đầy đủ ảnh hưởng của vấn đề ngoại trừ đối với BCTC, chưa nêu rõ nguyên nhân dẫn đến ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Có trường hợp các khoản mục bị ngoại trừ do hạn chế phạm vi kiểm toán chiếm tỷ trọng lớn.
Một số công ty kiểm toán không tham gia chứng kiến kiểm kê hoặc chưa thu thập được thư xác nhận công nợ, nhưng không thực hiện thủ tục thay thế mà đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán. Một số công ty có báo cáo kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ, nhưng nội dung của vấn đề ngoại trừ không thuộc phạm vi kiểm toán BCTC; hoặc nội dung ngoại trừ chưa đầy đủ theo các vấn đề mà kiểm toán viên đã phát hiện trong quá trình kiểm toán...
Từ thực tiễn trên, tổng kết của Bộ Tài chính cho thấy, quy định về kiểm toán BCTC đối với công ty đại chúng chưa được đầy đủ, nên chất lượng kiểm toán và soát xét BCTC của các công ty đại chúng còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục hạn chế này, đồng thời tiếp cận thông lệ quốc tế, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi quy định nguyên tắc về tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán.
Theo đó, dự thảo đưa ra nhiều quy định mới như tổ chức kiểm toán được chấp thuận có nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ các nội dung: BCTC năm đã được kiểm toán; báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh trong năm; báo cáo minh bạch và cập nhật thường xuyên các thông tin tại báo cáo minh bạch; báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán; danh sách kiểm toán viên được chấp thuận.
Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật còn đề xuất quy định: Tổ chức kiểm toán được chấp thuận phải công bố thông tin bất thường về các sai phạm trọng yếu do đơn vị được kiểm toán không tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến BCTC đã được kiểm toán và thông báo đến UBCK.
Tổ chức kiểm toán được chấp thuận phải công bố thông tin theo yêu cầu của UBCK, sở giao dịch chứng khoán khi xảy ra các sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư hoặc liên quan đến các sai lệch nghiêm trọng trong BCTC đã được kiểm toán...
“Quá liều…”?
Trước những quy định được coi là rắn tay trên, ngoài quy định mới tại dự thảo Luật Chứng khoán về công bố thông tin của tổ chức kiểm toán được chấp thuận là phù hợp, ý kiến từ những người trong cuộc cho rằng nhiều quy định chưa phù hợp.
Theo ông Trần Anh Quân, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG Việt Nam, do công bố thông tin của tổ chức kiểm toán được chấp thuận là một quy định hoàn toàn mới trong dự thảo Luật Chứng khoán lần này nên cần nghiên cứu thêm về các khía cạnh:
Sự cần thiết của mỗi quy định và so sánh với thông lệ quốc tế, cũng như các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về kiểm toán độc lập.
Quy định về báo cáo minh bạch và danh sách kiểm toán viên được chấp thuận là phù hợp; còn các yêu cầu về công bố BCTC năm đã được kiểm toán, báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh trong năm và báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán là không phù hợp. Các báo cáo đó chỉ nên được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như Bộ Tài chính và UBCK để kiểm tra giám sát...
Ý kiến từ công ty kiểm toán cũng cho rằng, dự thảo hiện tại yêu cầu tổ chức kiểm toán được chấp thuận phải công bố thông tin theo yêu cầu của UBCK, sở giao dịch chứng khoán khi xảy ra các sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, hoặc liên quan đến các sai lệch nghiêm trọng trong BCTC đã được kiểm toán.
Theo các nguyên tắc về kiểm toán độc lập được quy định trong pháp luật và các chuẩn mực kiểm toán, các sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhưng không liên quan đến BCTC được kiểm toán mà không có quy định của chuẩn mực kiểm toán hay pháp luật về kiểm toán độc lập về trách nhiệm của tổ chức kiểm toán, thì không thuộc trách nhiệm của tổ chức kiểm toán độc lập.
Mặt khác, chuẩn mực kiểm toán số 560 cũng quy định sau khi BCTC được kiểm toán đã được công bố, thì kiểm toán viên không phải thực hiện thêm thủ tục nào đối với BCTC đó...
Ý kiến từ các công ty kiểm toán quan ngại, nếu không phân định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, thì dễ có khả năng luật này và Luật Kiểm toán độc lập “đá” nhau, gây khó cho đối tượng bị điều chỉnh là công ty kiểm toán.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, cho rằng, Luật Chứng khoán và Luật Kiểm toán độc lập nên tương tác với nhau để đảm bảo tương thích, tránh xung đột.
“Theo quy định của dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, tổ chức kiểm toán phải công bố thông tin theo yêu cầu của UBCK và sở giao dịch chứng khoán khi xảy ra các sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, hoặc liên quan đến các sai lệch nghiêm trọng trong BCTC đã được kiểm toán. Theo nguyên tắc và quy trình kiểm toán, Luật Chứng khoán chỉ quy định việc công bố thông tin về trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến doanh nghiệp, thay vì yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán công bố thông tin. Chúng tôi đã gửi ý kiến góp ý cho dự thảo Luật tới Ban soạn thảo và mong được tiếp thu ý kiến”, bà Thanh cho hay.
Cùng quan điểm trên, ông Quân cho rằng, nhìn chung các quy định pháp luật về kiểm toán độc lập và các chuẩn mực kiểm toán đã quy định khá đầy đủ trách nhiệm của tổ chức kiểm toán độc lập. Do vậy Luật Chứng khoán chỉ nên quy định những vấn đề thật cần thiết mà các quy định pháp luật về kiểm toán độc lập, các chuẩn mực kiểm toán chưa có quy định…
Tại hội nghị về triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019 mới đây, nhìn nhận chất lượng kiểm toán còn không ít yếu kém, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp triển khai các giải pháp để khắc phục tình trạng này. Cùng với áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm là cần công khai các sai phạm của công ty kiểm toán, để thị trường trừng phạt. Cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ việc này.