Công ty chứng khoán cần xác định cho được giải pháp công nghệ phù hợp với chiến lược của công ty.

Công ty chứng khoán cần xác định cho được giải pháp công nghệ phù hợp với chiến lược của công ty.

Công ty chứng khoán toát mồ hôi đầu tư cho công nghệ

(ĐTCK) Các công ty chứng khoán dù to hay nhỏ đều đang chạy đua đầu tư cho công nghệ để không bị… “lấm bụng” trong trận chiến giành giật khách hàng với những gu đầu tư mới thời cách mạng công nghiệp 4.0.

Sức ép ngày càng lớn

Năm 2017, chứng khoán phái sinh lần đầu được đưa vào giao dịch đã châm ngòi cho cuộc đua đầu tư vào công nghệ trong khối công ty chứng khoán nhằm đáp ứng các tiêu chí triển khai sản phẩm mới này.

Trong khi những công ty nằm trong Top 10 thị phần lớn nhất trên thị trường như SSI, HSC, BSC… nhanh chân đầu tư cho giải pháp hạ tầng công nghệ kéo được khách hàng về với mình, thì không ít công ty nhỏ ngậm ngùi nhìn khách ra đi.

“Ðã có tình trạng khách hàng của công ty tìm sang công ty chứng khoán khác để giao dịch chứng khoán phái sinh, mặc dù giao dịch chứng khoán trên thị trường cơ sở họ vẫn sử dụng dịch vụ của chúng tôi.

Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài là không ổn, vì sẽ khiến công ty đối mặt với rủi ro mất khách...”, ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán APG chia sẻ.

Theo ông Hà, vì sức ép quá lớn trong cuộc đua đầu tư cho hiện đại hóa hạ tầng công nghệ cho triển khai các sản phẩm mới như phái sinh, chứng quyền có đảm bảo và tới đây là một số sản phẩm nữa, APG đang tìm cách tăng vốn. Tuy nhiên, Công ty cũng xác định đây là kế hoạch đầy thách thức.

Không chỉ các công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ, ngay cả các “ông lớn” trong ngành cũng cảm nhận rõ sức ép cạnh tranh trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ dưới tác động của cách mạng 4.0.

“Thách thức lớn nhất của chúng tôi chính là sự cạnh tranh từ các công ty Fintech. Trên thế giới, các công ty Fintech đang tham gia cạnh tranh rất nhiều trên thị trường tài chính và quản lý quỹ đầu tư. Vì vậy, đây sẽ là những đối tượng cạnh tranh quyết liệt nhất với chúng tôi trong vòng 5 - 10 năm tới...”, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Kỹ thương nhìn nhận.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia ở công ty chuyên cung cấp giải pháp công nghệ cho các công ty chứng khoán, cùng với các sản phẩm mới như chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant), chứng khoán phái sinh đã triển khai, tới đây, khi Gói thầu 04 về hạ tầng công nghệ triển khai xong tại sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán có thể cho phép giao dịch trong ngày.

Trong khi đó, nhà đầu tư ngày càng có nhu cầu giao dịch các sản phẩm đầu tư phức tạp hơn, nên đòi hỏi nhiều hơn các công cụ hỗ trợ, tư vấn phục vụ cho nhu cầu đầu tư của họ.

Ðể đáp ứng được yêu cầu này, đòi hỏi hệ thống quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán phải được nâng cấp để kiểm soát được rủi ro giao dịch đồng thời giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh, vừa đảm bảo dịch vụ tiện ích cung cấp cho nhà đầu tư.

Thử hình dung một gói dịch vụ kết hợp giao dịch ký quỹ, giao dịch trong ngày và giao dịch phái sinh vừa tiện lợi, nhanh chóng, vừa ít rủi ro sẽ là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống công nghệ thông tin của các công ty chứng khoán.

Sức ép phải tham gia cuộc đua đầu tư cho công nghệ hiện đại với các công ty chứng khoán còn đến từ phía các công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Hàn Quốc, Ðài Loan, Nhật Bản, Malaysia… với tiềm lực mạnh về công nghệ, vốn, cũng như trình độ quản lý, quản trị rủi ro dày dạn kinh nghiệm.

Muốn hiệu quả, phải chọn công nghệ phù hợp

Các công ty chứng khoán đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán đầu tư cho công nghệ, sao cho làm sao vừa hiện đại, vừa hợp túi tiền, nhưng mang lại hiệu quả cao.

Theo ý kiến từ chuyên gia, điều đầu tiên công ty chứng khoán cần xác định được chiến lược hoạt động, định vị rõ phân khúc khách hàng/nhà đầu tư mà họ hướng tới là gì.

Chẳng hạn, nhà đầu tư của công ty chứng khoán đến từ nước ngoài thì tối thiểu cần hệ thống core kết nối đến sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và kết nối với FIX Vendor (ví dụ Bloomberg).

Trong khi nếu định hướng là bán lẻ cho nhà đầu tư nội địa, thì đòi hỏi quy mô đầu tư cho công nghệ của công ty chứng khoán phải lớn hơn nhiều.

Trên cơ sở định vị rõ phân khúc khách hàng, công ty chứng khoán cần xác định cho được giải pháp công nghệ phù hợp với chiến lược của công ty; đồng thời tìm được nhà cung cấp giải pháp đáp ứng các yếu tố quan trọng như am hiểu sâu về thị trường chứng khoán Việt Nam;

Cam kết gắn bó lâu dài với thị trường; hệ thống ổn định, công nghệ tiên tiến, có tính tham số và tính mở cao;

Đặc biệt là có đội ngũ nhân sự lớn tại Việt Nam để có thể đáp ứng tốt về “làm mới” hệ thống công nghệ đảm bảo đáp ứng kịp thời các thay đổi từ cơ chế, chính sách, cơ quan quản lý, cũng như từ chính nhu cầu phát triển của công ty chứng khoán.

Ðối với các công ty chứng khoán hạn chế về mặt tài chính, để giảm thiểu chi phí, khi đầu tư cho hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, các chuyên gia lưu ý, là cần tìm đến các đối tác cung cấp giải pháp công nghệ đồng bộ các dịch vụ.

Ðiều này giúp công ty tránh phát sinh thêm các chi phí tích hợp hệ thống giữa các đối tác cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác nhau; trong đó, bao gồm cả chi phí lúc triển khai lẫn các chi phí phát triển, bảo trì vận hành sau khi hệ thống đưa vào sử dụng.

Xu hướng mới trong cuộc đua đầu tư vào công nghệ…

Công ty chứng khoán toát mồ hôi đầu tư cho công nghệ ảnh 1

Ông Vũ Giáp Gianh, Phó giám đốc CTCP Giải pháp phần mềm tài chính (FSS).

Trong năm 2019 và 2020, các công ty chứng khoán có xu hướng đầu tư mạnh về công nghệ với các mảng chủ yếu như hệ thống Front end mới với nền tảng hiện đại linh hoạt, cung cấp nhiều tiện ích và thông tin nhằm gia tăng trải nghiệm cho nhà đầu tư; triển khai hệ thống Middleware với In-memory database để xử lý lệnh với tốc độ nhanh và số lượng lệnh lớn.

Cùng với đầu tư xây dựng hệ thống API mở (open API) để cho phép việc dễ dàng tích hợp, kết nối hai chiều từ công ty chứng khoán với hệ thống khác như với Bloomberg, nền tảng Robo Advisor..., các công ty chứng khoán còn đầu tư cho hệ thống quản trị rủi ro để quản trị đối với các sản phẩm dịch vụ tài chính (margin, giao dịch trong ngày), giao dịch phái sinh, Covered Warrant;

Đầu tư cho đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ như: giao dịch cổ phiếu, giao dịch trái phiếu OTC, đầu tư quỹ,  đầu tư ủy thác, tiết kiệm…, qua đó, giúp cho nhà đầu tư đa dạng hóa hơn trong đầu tư và quản lý tốt tài sản…

Các công ty chứng khoán sẽ đầu tư vào công nghệ để nâng chất lượng sản phẩm tài chính

Công ty chứng khoán toát mồ hôi đầu tư cho công nghệ ảnh 2

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, Công ty chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC).

Cuộc cạnh tranh chủ yếu về phí giao dịch, lãi margin như trong nhiều năm qua không còn tạo ra nhiều dư địa phát triển cho các công ty chứng khoán.

Thay vào đó, các công ty chứng khoán sẽ đầu tư vào công nghệ để nâng chất lượng sản phẩm tài chính đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhận thấy đây là xu hướng tất yếu, BSC đã và đang tập trung vào đầu tư cho công nghệ và cung cấp các sản phẩm đầu tư, để có thể đem đến cho khách hàng các trải nghiệm đầu tư tốt nhất.

Chúng tôi là đơn vị đầu tiên phát triển chatbot có khả năng tư vấn trực tuyến trong phiên giao dịch i-broker, cung cấp nền tảng đầu tư theo danh mục, tính đến các yếu tố rủi ro, kỳ hạn đầu tư i-invest và sản phẩm open API để kết nối với các trung gian tài chính khác.

Trong lĩnh vực tài chính chứng khoán, việc nâng cấp công nghệ đòi hỏi nỗ lực rất lớn, cần đủ cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Các sản phẩm công nghệ tài chính không phải chỉ cần nguồn vốn đầu tư là được, mà còn cần đến đội ngũ nhân sự có năng lực triển khai, sự đón nhận của nhà đầu tư.

Có khá nhiều công ty chứng khoán tại Việt Nam đã bắt đầu áp dụng, hoặc có kế hoạch triển khai những sản phẩm, dịch vụ mới với hàm lượng công nghệ cao dành cho các nhà đầu tư.

Chúng tôi không nhìn điều này dưới góc độ cạnh tranh, mà cho rằng đây là điều rất tốt cho cộng đồng nhà đầu tư Việt Nam.

Các công ty chứng khoán nghiêm túc phát triển sản phẩm, công nghệ sẽ cùng chúng tôi hướng các nhà đầu tư đến hoạt động đầu tư lâu dài thay vì chỉ quan tâm tới lãi vay, phí vay hay đòn bẩy.

Chúng ta cần một cộng đồng nhà đầu tư dài hạn hơn, chuyên nghiệp hơn thì thị trường cho các công ty chứng khoán mới có thể phát triển mạnh mẽ được.

Tin bài liên quan