Công ty chứng khoán lộ khoản dự phòng margin mã FTM

Công ty chứng khoán lộ khoản dự phòng margin mã FTM

(ĐTCK) Trong câu chuyện thị giá cổ phiếu FTM (của CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân) rớt sàn hơn 1 tháng, 14 công ty chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ cổ phiếu này chịu thiệt hại. Báo cáo tài chính quý III của một số công ty chứng khoán trong nhóm này cho thấy con số trích lập dự phòng khoản phải thu gia tăng.

Lộ diện những khoản dự phòng trên báo cáo quý III

Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) trên toàn thị trường đối với cổ phiếu FTM tập trung vào gần 30 tài khoản chứng khoán được đứng tên của hàng chục cá nhân mở tại 14 công ty chứng khoán - đều là cổ đông lớn của CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân.

Nguồn tin tin cậy của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, danh sách nhà đầu tư có dư nợ vay margin tại các công ty chứng khoán gồm Bùi Năng Luân, Lâm Văn Đỉnh, Lê Quốc Quân, Nguyễn Chí Cường, Nguyễn Duy Chiến, Nguyễn Mạnh Tùng, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Phạm Đình Giá, Phạm Đức Tâm.

Còn danh tính các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể có thể kể đến như Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Chứng khoán VNDirect (VNDS), Chứng khoán Rồng Việt (VDS), Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán Trí Việt, Chứng khoán Agribank, Chứng khoán KIS Việt Nam, Chứng khoán NH Việt Nam, Chứng khoán IB, VNCS, Chứng khoán KB, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Chứng khoán Everest (EVS).

Trong các đơn vị trên, VDS là đơn vị gần như duy nhất có thuyết minh chi tiết khoản dự phòng, trong đó có dự phòng cho khoản vay giao dịch cổ phiếu FTM (tại thời điểm viết bài, MBS chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2019).

Theo đó, trong kỳ, VDS  có khoản dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp hơn 33 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Trong đó, phát sinh thêm 4 khoản dự phòng cho vay giao dịch ký quỹ đối với 4 nhà đầu tư, gồm Lê Quốc Quân, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Chí Cường. Con số trích lập trong kỳ cũng tập trung vào 4 cá nhân này, khoảng 6 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2019, giá trị phải thu khó đòi của VDS gần 53 tỷ đồng, riêng 4 cá nhân trên là khoảng 25,6 tỷ đồng.

Những cá nhân này đều là cổ đông lớn của FTM; trong đó, ông Quân sở hữu 5,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 11,6% vốn; bà Huyền nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 5% vốn; ông Hà nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,07% vốn và ông Cường giữ 2,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,89% vốn.

Tại Công ty cổ phần Chứng khoán IB, tại thời điểm cuối quý III/2019, Công ty có khoản dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp là hơn 3,5 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số hơn 120 triệu đồng hồi đầu năm (không được thuyết minh chi tiết).

Điều này cũng khiến cho IB phát sinh chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm tài sản tài chính và các chi phí đi vay của các khoản vay gần 3,4 tỷ đồng trong quý III.

Đồng thời, dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu là 12 tỷ đồng, tương đương so với đầu năm.

Tuy nhiên, đây là khoản phải thu cho vay giao dịch ký quỹ của các khách hàng của CTCP Chứng khoán Vincom (tên gọi cũ của Công ty) từ năm 2014 trở về trước và đã được Công ty trích lập dự phòng 100%.

CTCP Chứng khoán Everest (EVS) tại thời điểm 30/9/2019 có khoản dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp gần 7,6 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm, con số trích lập trong kỳ là 4,5 tỷ đồng.

EVS cũng phát sinh thêm chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi hơn 4,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không có khoản này. Dĩ nhiên, Công ty không có thuyết minh chi tiết khoản dự phòng liên quan cổ phiếu nào, hoặc cá nhân nào.

Trong khi đó, ở một số công ty chứng khoán như BVS, KIS Việt Nam, SHS, hay VND, VNCS…, khoản dự phòng này không thay đổi, hoặc giảm.

Đơn cử tại BVS, dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp tại thời điểm cuối quý III/2019 là 77,77 tỷ đồng, tăng so với con số 65 tỷ đồng hồi đầu năm. Còn dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu là 15,73 tỷ đồng, giữ nguyên so với đầu năm.

Trong kỳ, Công ty có khoản chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm tài sản tài chính và chi phí đi vay hơn 10 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ chỉ hơn 57 triệu đồng; nâng chi phí dự phòng lên hơn 11 tỷ đồng trong 9 tháng. Tuy nhiên, BVS không thuyết minh chi tiết khoản dự phòng này.

Tại Công ty Chứng khoán Agribank, quý III, Công ty hạch toán dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính và tài sản thế chấp khá lớn, gần 340 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với đầu kỳ; dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu 1.166 tỷ đồng, giảm 9 tỷ đồng so với đầu năm. Trong kỳ, AGR có chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và chi phí đi vay của các khoản cho vay hơn 7,45 tỷ đồng, gần bằng phân nửa chi phí này trong cả 9 tháng.

Vì sao có công ty trích, công ty không?

Báo cáo tài chính quý III của KIS Việt Nam cho thấy, dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính 128 tỷ đồng, giữ nguyên so với đầu năm.

Chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm tài sản tài chính và chi phí đi vay của các khoản cho vay hơn 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ hơn 5 tỷ đồng.

Tại VNDS, vào cuối tháng 9/2019, Công ty có khoản dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp hơn 370 tỷ đồng, tăng gần 80 tỷ đồng so với con số 289 tỷ đồng vào đầu năm nay.

Quý III, Công ty trích lập dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm giá trị tài sản tài chính chưa đến nửa tỷ đồng, lũy kế 9 tháng chỉ hơn 4 tỷ đồng.

Còn tại SHS, dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp bằng 0, còn dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu 426 tỷ đồng, thấp hơn đầu kỳ 433 tỷ đồng.

Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam còn “tươi sáng” hơn khi không có dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp, không có dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu.

Công  ty Chứng khoán Trí Việt cũng có chi phí dự phòng không đáng kể trong quý III. Còn tại Chứng khoán IB, khoản dự phòng phải thu khó đòi được thuyết minh cụ thể, nhưng không có cái tên nào liên quan đến FTM.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, vị giám đốc của một trong những công ty chứng khoán trên cho rằng, công ty chứng khoán nào đã bán xong xuôi tài sản đảm bảo này thì bắt buộc phải hạch toán, trích lập trên báo cáo tài chính.

Còn nếu công ty vẫn đang trong quá trình xử lý, còn nguyên tài sản đảm bảo và khoản phải thu này vẫn chưa quá 6 tháng thì có thể treo khoản phải thu, chứ chưa trích lập ngay.

Dù tài sản đảm bảo có suy giảm giá trị so với giá thị trường, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, đây không phải là khoản đầu tư, mà bản chất là tài sản cầm cố của một khoản cho vay.

Khách hàng phải có nghĩa vụ thanh toán lại cho công ty chứng khoán 100% khoản vay này, chứ không phải công ty chứng khoán chiếu theo giá thị trường để tính toán.

Một kiểm toán viên thì cho biết, tùy vào đánh giá khả năng trả nợ của nhà đầu tư mà công ty chứng khoán sẽ ra quyết định về việc có trích lập dự phòng hay không.

Nếu nhà đầu tư vẫn tiếp tục giao dịch tại công ty chứng khoán thì sẽ phải nộp tiền/tài sản vào để đáp ứng các tỷ lệ ký quỹ, điều này sẽ hạn chế rủi ro cho công ty chứng khoán cũng như áp lực phải trích lập dự phòng.

Ngược lại, nếu nhà đầu tư dừng giao dịch sẽ là một dấu hiệu cho việc khó thu hồi khoản cho vay này. Nói một cách đơn giản, khi khách hàng “bỏ của chạy lấy người”, chắc chắn công ty chứng khoán phải trích lập dự phòng với khoản cho vay margin.

Tin bài liên quan