Công ty chứng khoán làm gì trước nguy cơ hụt lợi nhuận quý II?

Công ty chứng khoán làm gì trước nguy cơ hụt lợi nhuận quý II?

(ĐTCK) Diễn biến thị trường chứng khoán quý II/2019 kém thuận lợi đang ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của khối công ty chứng khoán, nhất là mảng môi giới, tự doanh. Đặc biệt, khoản đánh giá các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ dự báo giảm mạnh.

Lường trước sự sụt giảm lợi nhuận trong quý II

Giá trị giao dịch bình quân trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong quý I/2019 là 3.785 tỷ đồng/phiên, giảm 50% so với quý I/2018. Từ đầu quý II đến nay, giao dịch bình quân dưới 3.000 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và sàn UPCoM cũng suy giảm. Bên cạnh đó, giá hầu hết cổ phiếu có diễn biến giảm.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán chia sẻ, với diễn biến kém thuận lợi của thị trường chứng khoán trong quý II/2019, nhiều cổ phiếu trong danh mục tự doanh của công ty giảm so với thời điểm cuối quý I/2019. Đánh giá các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) theo quý, nhiều khả năng lợi nhuận quý II/2019 của công ty sẽ không đáng kể, thậm chí có thể thua lỗ.

“Tuy nhiên, những công ty chứng khoán có danh mục tự doanh lớn thì biến động lợi nhuận từ FVTPL thay đổi theo diễn biến thị trường. Chỉ khi công ty thực hiện bán cổ phiếu trong danh mục thì mới ghi nhận thực lợi nhuận”, vị lãnh đạo công ty chứng khoán nói.

Thực tế, các công ty chứng khoán thường xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên các giả định biến động thị trường. Năm 2019, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.666 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 681 tỷ đồng. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên các giả định: giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 6.500 tỷ đồng, thị phần môi giới đạt mức 12,3%, thị phần phái sinh đạt 20%, dư nợ ký quỹ bình quân ở mức 4.000 tỷ đồng.

Theo các giả thiết trên và nhìn vào tình hình thực tế của thị trường cho thấy, hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ (margin) và hoạt động tự doanh của HSC đều bị tác động lớn, vì con số thực tế giảm so với giả định. Ba mảng hoạt động này dự kiến đóng góp lần lượt là 49%, 31% và 13% vào tổng doanh thu năm 2019, hoạt động tư vấn tài chính đóng góp phần còn lại.

Đại diện HSC cho biết, chưa có con số ước tính về lợi nhuận quý II/2019 của Công ty, nhưng việc lợi nhuận bị chi phối bởi các yếu tố thị trường là điều khó tránh khỏi. Hiện dự nợ margin tại HSC đang ở mức trên dưới 3.700 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức gần 6.000 tỷ đồng ở thời điểm thị trường chứng khoán tạo đỉnh.

Tháng 4/2018, sau khi VN-Index lập đỉnh, thị trường không chỉ giảm về điểm số mà còn sụt giảm về thanh khoản. Với một thị trường mà nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm hơn 80% giá trị giao dịch, sự sụt giảm trong thanh khoản đến chủ yếu từ giao dịch của nhóm nhà đầu tư này. Đây cũng được xem là thành phần nhà đầu tư chính sử dụng margin và khi thanh khoản kém như vậy, theo logic thông thường, dư nợ margin sẽ giảm theo. Dư nợ margin tại các công ty chứng khoán lớn hiện ghi nhận giảm 30 - 40% so với hơn 1 năm trước.

Theo ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), hoạt động của khối công ty chứng khoán phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” của thị trường nên bản thân các công ty lường được nguy cơ suy giảm hiệu quả hoạt động trong quý II/2019. Đặc biệt, mặc dù danh mục đầu tư khác nhau nhưng khoản đánh giá các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ chung của khối công ty chứng khoán dự báo sụt giảm mạnh trong quý II.

Đối với ACBS, lợi nhuận từ phí giao dịch và margin trong quý II dự kiến giảm so với quý I. Lợi nhuận chung của Công ty trong nửa đầu năm 2019 dự kiến giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018.

Động thái của các công ty chứng khoán

Nhìn nhận về bức tranh chung của thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm 2019, ông Cần cho rằng, nội tại vững chắc với các chỉ số vĩ mô ổn định và tích cực trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới phải đối mặt với rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm lại là điểm tích cực đối với Việt Nam. Tuy vậy, rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là khó lường và sức ảnh hưởng của các nền kinh tế lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu rất lớn.

“Năm 2019 có lẽ là năm tích lũy thận trọng, chuẩn bị cho năm 2020 tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Động lực tăng trưởng trong năm nay sẽ đến từ dòng vốn nước ngoài dự kiến tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Khả năng nâng hạng của thị trường Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng như dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến hoàn thiện trong quý IV/2019 sẽ là động lực thúc đẩy thị trường”, ông Cần nhận định.

Lường trước khó khăn của thị trường năm 2019, nhiều công ty chứng khoán đã giảm tỷ trọng danh mục tự doanh. Chẳng hạn, cuối quý I/2019, giá trị danh mục cổ phiếu niêm yết và UPCoM của HSC có giá trị ghi sổ là 416 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. HSC có khoản đầu tư vào một số cổ phiếu lớn như MWG, VIC, VNM… Trong quý II/2019, giá của nhóm cổ phiếu này không biến động mạnh so với cuối quý I/2019 nên giá trị danh mục biến động không lớn.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, nhằm hạn chế sự phụ thuộc của lợi nhuận vào các yếu tố lên/xuống của thị trường chứng khoán, Công ty hạn chế tự doanh, đồng thời tập trung phát triển các dịch vụ.

Bên cạnh đó, VNDIRECT tiếp tục huy động vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh thông qua phát hành trái phiếu với quy mô dự kiến 1.500 tỷ đồng, qua đó nâng cao năng lực hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động trên thị trường vốn. Nguồn vốn tối đa phục vụ cho hoạt động cho vay ký quỹ được duy trì ở mức 6.000 tỷ đồng như năm 2018. Trên thị trường vốn, Công ty tìm kiếm các cơ hội đầu tư và phân phối trên thị trường, trong đó tập trung vào các giao dịch trên thị trường trái phiếu.

Đáng chú ý, nhiều công ty chứng khoán đang gấp rút triển khai sản phẩm mới là chứng quyền có bảo đảm (CW), dự kiến được triển khai vào ngày 28/6 tới. Phát hành chứng quyền đòi hỏi công ty chứng khoán phải cơ cấu và phân bổ danh mục tự doanh cho phù hợp, để vừa đảm bảo tỷ trọng trong tổng tải sản, nguồn vốn ở mức hợp lý, vừa đảm bảo quản lý rủi ro chung cho danh mục gồm cả cổ phiếu và chứng quyền, cũng như đầu tư vào hợp đồng tương lai.

Hoạt động phòng ngừa rủi ro được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị giá cổ phiếu, từ đó tác động đến danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán khác, dù không trực tiếp tham gia phát hành chứng quyền.

Tin bài liên quan