Cơn đau đầu của các doanh nhân

Cơn đau đầu của các doanh nhân

(ĐTCK) “Đến khổ với tin đồn”, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP đã thốt lên như vậy khi liên tiếp nhận được câu hỏi về tin đồn ông bị bắt ngày 21/8, thậm chí doanh nhân này đã phải từ chối nghe điện thoại của người quen để tập trung thời gian xử lý tin đồn.

Chuyện của KBC

Tin ông Tâm bị bắt xuất hiện trên thị trường vào ngày 20/8, trùng với thời điểm tâm lý các nhà đầu tư trên TTCK đang bị tác động mạnh từ quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN, giá dầu giảm và những biến động trong hoạt động của một số ngân hàng như Đông Á Bank, Eximbank… Vào cuối giờ giao dịch ngày 20/8, đã có rất nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi “KBC có biến cố gì mà cổ phiếu bị xả sàn?”.

Nếu nhìn vào tình hình kinh doanh của KBC, tin đồn cũng có cơ hội cộng hưởng. 6 tháng đầu năm 2015, KBC báo lãi hợp nhất lên tới 251 tỷ đồng – tăng gần 10 lần so với 6 tháng đầu năm 2014. Phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 252,7 tỷ - tăng 6 lần. EPS cũng được nâng từ 127 đồng lên 549 đồng. Tuy nhiên, tính riêng trong quý II, giá vốn của KBC tăng vọt lên tới 101,1 tỷ đồng, nhờ lợi nhuận tài chính thu được từ chuyển nhượng cổ phiếu, Công ty mới có lãi lớn so với cùng kỳ.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 21/8, KBC tiếp tục thu hút sự chú ý của nhiều NĐT khi tiếp tục bị bán sàn, trong buổi sáng khớp tới 10 triệu cổ phiếu, trắng bảng bên mua. Nhà đầu tư tiếp tục đặt câu hỏi tới tấp về KBC.

KBC và ông Đặng Thành Tâm, ngay sau khi nhận thông tin từ báo chí và thị trường đã phản ứng nhanh. Ông Tâm đứng lên bác bỏ tin đồn về việc bị bắt và công bố mua vào 5 triệu cổ phiếu. Công ty cũng cho biết chuẩn bị ký các hợp đồng thuê đất ước tính khoảng 20 ha, tương đương hơn 300 tỷ đồng và đã cơ cấu toàn bộ các khoản nợ trước đây trong thời gian khó khăn. Nhờ những thông tin này, KBC đã thoát sàn và không còn cảnh bán tống bán tháo như trước.

Tuy vậy, đây mới chỉ là phản ứng bước đầu của thị trường, chưa thể khẳng định rằng cơn đau đầu của ông Đặng Thành Tâm đã được hóa giải. KBC và ông Tâm còn nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất là chứng minh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới để dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, và thị trường.

Ông Đặng Thành Tâm đã có phản ứng nhanh chóng để dập tắt tin đồn 

Sống chung với tin đồn

Trước ông Tâm và KBC, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác trên TTCK cũng phải đau đầu ứng phó với tin đồn. Khi xuất hiện tin đồn về việc CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) trốn thuế và bị truy thu cả trăm tỷ đồng, cổ phiếu HHS liên tục giảm sàn, dư bán khối lượng lớn. Tính riêng ngày 30/06, tin đồn được tung ra và cổ phiếu giảm sàn với khối lượng khớp lệnh tăng mạnh hơn bình thường, đạt mức 4 triệu đơn vị.

Các CTCK lập tức thông báo cắt margin, khiến nhà đầu tư càng đua nhau bán tháo. HHS đã phải có công văn bác bỏ tin đồn, đồng thời Chủ tịch HĐQT Đỗ Hữu Hạ lên tiếng trước truyền thông và đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu.

Cùng phải 3-4 phiên sau đó, nhà đầu tư mới trấn tĩnh, cổ phiếu tăng giá trở lại, song hậu quả và dư âm của tin đồn gây ra với doanh nghiệp này vẫn còn nặng nề. Bởi biến động giá cổ phiếu sẽ tác động đến kế hoạch phát hành tăng vốn của Công ty.

Những vụ việc tin đồn nho nhỏ hơn thì xuất hiện nhan nhản. Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT CTCP Vicostone từng bị mạo danh trên một diễn đàn nổi tiếng về chứng khoán, chia sẻ về kết quả kinh doanh của Công ty. Kẻ mạo danh dán ảnh ông Năng làm hình đại diện trên diễn đàn, lấy cả số điện thoại của ông đăng kèm, khiến không ít nhà đầu tư tin đó là thông tin chính xác. Trên thực tế, đó là số liệu “sai bét” và cơ quan truyền thông đã dẫn lời ông Năng, chia sẻ thông tin hoàn toàn khác.

Ông Đoàn Nguyên Đức không ít lần gặp phải tin đồn thất thiệt 

Thị trường dễ tổn thương

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khi dính tin đồn đã rất nhanh chóng lên tiếng để có thông tin chính xác ra thị trường, bảo vệ thương hiệu và giá cổ phiếu. Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư rất dễ bị tác động, đặc biệt khi số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm đa số trên thị trường.

Đặc biệt với đặc tính dễ tổn thương của TTCK Việt Nam, ngay những nhà đầu tư kinh nghiệm, nhà đầu tư tổ chức cũng bị tác động. Bởi khi cổ phiếu bị bán tháo, giá giảm mạnh, sẽ bị tác động dây chuyền đến hạn mức margin, đến ngưỡng cắt lỗ tự động của nhiều tổ chức đầu tư. Việc bán ra trong những trường hợp đó, dù nhà đầu tư biết là bị thiệt hại song vẫn buộc phải làm để tuân thủ kỷ luật.

Trong một thị trường mà tính minh bạch và tuân thủ pháp luật chứng khoán, pháp luật kinh doanh còn chưa cao như hiện nay, những vụ việc liên quan đến nguyên lãnh đạo của OceanBank, Tập đoàn Dầu khí và CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật… càng khiến tin đồn có “đất sống”. Trước tình trạng nhiễu loạn thông tin, không ít lãnh đạo doanh nghiệp đều tỏ ra lo ngại.

Ứng phó với tin đồn

Tin đồn thường đến một cách rất bất ngờ và theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc T&A Ogilvy, nếu không được xử lý kịp thời, trong thời đại của Internet ngày nay, nó có thể gây ra khủng hoảng truyền thông và trở nên nghiêm trọng vì do tin tức được “copy and paste” rất nhanh.

Thực tế cho thấy, thay vì lờ đi và coi như không có, các doanh nghiệp khi xảy ra tin đồn thất thiệt, nên chủ động ứng phó với nó. Điều đầu tiên là phải "bình tĩnh" để tìm ra nguyên nhân của tin đồn, đánh giá mức độ có thể tác động bởi tin đồn. Trong những trường hợp cần thiết, người đứng đầu doanh nghiệp hoặc người hiểu sâu sắc nhất về nguyên nhân của tin đồn phải đứng ra trấn an dư luận, tìm các căn cứ và cơ sở pháp lý khẳng định tin đồn đó là không đúng.

Một kinh nghiệm mà các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông cũng chia sẻ là “xuất hiện đúng mực”. Các lãnh đạo doanh nghiệp không nên giao việc phát ngôn, xử lý khủng hoảng cho người không hiểu sâu sắc bản chất và nguyên nhân của sự cố, không am hiểu về doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nhân, doanh nghiệp chỉ nên xuất hiện “vừa đủ” trước công chúng và dư luận” và đừng bao giờ quên rằng, khi đối diện với công chúng, sự thành thật luôn được đánh giá cao.

Tin bài liên quan