Việc tính toán để đưa ra một đề xuất làm hài lòng cổ đông, đồng thời đảm bảo nguồn vốn, cấu trúc tài chính cho công ty là không đơn giản

Việc tính toán để đưa ra một đề xuất làm hài lòng cổ đông, đồng thời đảm bảo nguồn vốn, cấu trúc tài chính cho công ty là không đơn giản

Cổ tức 2018: Cuộc đối thoại về lợi ích bắt đầu

(ĐTCK) Có những doanh nghiệp (DN) trả cổ tức 50-80%, nhưng cũng có những DN không định trả cổ tức năm 2017 và có thể cả năm 2018. Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay liệu có những cuộc “giằng co” cổ tức như các năm trước? Ở mỗi DN, câu trả lời phụ thuộc nhiều vào 2 yếu tố: “thịnh tình” của lãnh đạo DN và bản lĩnh của những cổ đông trung thành.

Những DN trả cổ tức khủng

Ngày 12/3/2018, Công ty cổ phần (CTCP) Gemadept (GMD) chốt danh sách để chi trả cổ tức tiền mặt với tổng tỷ lệ 80%, bao gồm 15% cổ tức của năm 2016 và 65% cổ tức đặc biệt. Đây là mức chi trả cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp ngành logicstic này và là thành quả có được sau gần 1 năm nỗ lực tái cấu trúc, thoái vốn khỏi một số công ty con theo phương án thông qua tại ĐHCĐ 2017. So với thị giá trước phiên giao dịch không hưởng quyền, tỷ lệ cổ tức của GMD lên đến 18,8%.

Tại CTCP Tư vấn Xây dựng điện 2 (TV2), ngay sau ĐHCĐ được tổ chức ngày 28/2, Công ty cũng vừa thông báo ngày 20/3 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2017 tổng tỷ lệ 110%, gồm 10% bằng tiền mặt và 100% bằng cổ phiếu. Đây là kết quả có được sau năm 2017 với lợi nhuận sau thuế (LNST) đột biến lên đến 214,4 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm 2016.

Không hề kém cạnh, sau năm 2017 đạt trên 4.408 tỷ đồng doanh thu, tăng 35% so với 2016, lợi nhuận sau thuế đạt 1.121,8 tỷ đồng, tăng 65%, CTCP Vicostone (VCS) đã công bố tài liệu cho ĐHCĐ tổ chức vào ngày 15/3 với phương án cổ tức cho năm 2017 lên đến 140% (40% bằng tiền và 100% bằng cổ phiếu). Đây là mức cổ tức cao nhất mà cổ đông VCS được nhận kể từ khi niêm yết cách đây 10 năm.

Năm nay, GMD, VCS, TV2 là những cái tên đầu tiên công bố cổ tức khủng. Tuy nhiên, đây không phải là những cái tên duy nhất mang lại niềm vui cổ tức cho cổ đông trong mùa đại hội, bởi bối cảnh vĩ mô, thị trường thuận lợi trong năm 2017 đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su thiên nhiên, ngân hàng, chứng khoán, thép, xây dựng,… “ăn nên làm ra”, vượt kế hoạch lợi nhuận năm cũ.

Với kết quả tích cực này, nhà đầu tư đang kỳ vọng ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có kế hoạch chi trả “khủng”, đem lại niềm vui cho cổ đông trong mùa Đại hội 2018.

Kẻ ngậm ngùi cổ tức bằng… 0

Trong khi nhiều công ty hào phóng chia cổ tức “khủng” thì với cổ đông của nhiều doanh nghiệp, sự chờ đợi là vô nghĩa trên thực trạng các DN kinh doanh khó khăn năm vừa qua.

Phần nhiều trong số DN gặp khó nằm ở nhóm ngành săm lốp, xi măng, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, chăn nuôi… Cổ đông chỉ có thể hy vọng cổ tức ở mức… an ủi, thậm chí mong DN thoát lỗ là may.

CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) là cái tên đáng chú ý trong ngành dịch vụ, kỹ thuật dầu khí khi trong giai đoạn giá dầu tăng mạnh và ở mức trên dưới 100 USD/thùng, PVB đã từng duy trì chính sách chi trả cổ tức rất cao, từ 20 - 25%/năm và là một trong những doanh nghiệp có tỷ suất cổ tức/thị giá hấp dẫn nhất trong ngành.

Thế nhưng, giá dầu giảm mạnh từ cuối năm 2014 đã đẩy doanh nghiệp này vào gian khó, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây, cổ tức theo đó cũng giảm mạnh.

Sau năm 2016 thua lỗ, năm 2017 lãi được 56,2 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối 2017 còn 161 tỷ đồng/21,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành), nhưng DN này không có ý định chia cổ tức. Theo tài liệu ĐHCĐ vừa được PVB công bố, cổ đông năm nay dự kiến sẽ không nhận được cổ tức, trong kế hoạch 2018, cổ tức dự kiến cũng là 0%.

Với hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận chủ yếu nhờ các khoản hoàn nhập, cổ đông của PVB sẽ phải chờ vài năm may chăng mới có thể kỳ vọng cổ tức trở lại như thời hoàng kim. Đây cũng là câu chuyện chung với PVD, PVC, PXS… khi giá dầu giảm khiến các dự án dầu khí phải dừng hoặc giãn tiến độ, giá dịch vụ giảm. Với việc các DN trong ngành có lợi nhuận giảm mạnh hoặc chỉ may mắn thoát lỗ, không có nhiều hy vọng cổ đông tại các doanh nghiệp này sẽ có cổ tức sau mùa đại hội năm nay.

Đối với nhóm doanh nghiệp cổ phiếu săm lốp, tình hình cũng không khả quan hơn. Tại CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), giá cao su đầu vào tăng đã khiến lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 của Công ty giảm gần 60% so với năm 2016, hoàn thành chưa đầy 40% kế hoạch đặt ra. Tại CTCP Cao su Miền Nam (CSM), lợi nhuận sau thuế 2017 cũng giảm 79% so với năm 2016, thực hiện 21% kế hoạch năm. Với kết quả này, con số cổ tức 28% tại DRC hay mức 23% tại CSM của năm 2016 cũng sẽ trở thành quá khứ huy hoàng với hai ông lớn săm lốp tại ĐHCĐ 2018.

Tình trạng của cổ đông CTCP Chăn nuôi (Mitraco-MLS) còn bi đát hơn khi chỉ sau một năm, từ một doanh nghiệp thuộc nhóm có hiệu quả hoạt động cao nhất trên sàn, tỷ lệ cổ tức 43%, MLS đã rơi vào tình trạng thua lỗ, chờ đợi án hủy niêm yết. Theo đó, việc giá heo giảm sốc trong năm 2017 đã khiến MLS lỗ lớn. Tính đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế đã vượt vốn điều lệ, chẳng những không có cổ tức, cổ đông MLS còn phải chứng kiến án hủy niêm yết lơ lửng.

Cổ tức: Cuộc đối thoại về lợi ích

Như thường lệ, mỗi mùa ĐHCĐ, kế hoạch phân phối lợi nhuận, cổ tức luôn là một trong những tin tức được nhà đầu tư mong chờ nhất. Không chỉ là lợi ích thiết thân của những người sở hữu cổ phiếu, chính sách cổ tức tốt và ổn định cũng thể hiện tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, cho thấy khả năng kinh doanh hiệu quả và khả năng quản trị, nhất là quản trị dòng tiền.

Trong khi đó, với ban lãnh đạo DN, việc tính toán để đưa ra một đề xuất làm hài lòng cổ đông, đồng thời đảm bảo nguồn vốn, cấu trúc tài chính cho công ty cũng là không đơn giản. Đặc biệt là với những doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, mở rộng, khi một đồng cổ tức chi trả sẽ phải đánh đổi bằng chi phí cơ hội được giữ lại nguồn lực để tái đầu tư vào các dự án mới có triển vọng tạo ra lợi nhuận cao hơn trong tương lai, hoặc sử dụng để giảm bớt nợ, tiết kiệm chi phí lãi vay, cải thiện cơ cấu tài chính.

Thực tế, tại không ít ĐHCĐ những năm qua, câu chuyện phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức như thế nào là nguồn cơn của phần lớn thời gian tranh luận, chất vấn giữa ban lãnh đạo với cổ đông, thay vì giành thời gian thảo luận những phương án kinh doanh, tăng trưởng mới. Thậm chí, trước sức ép của cổ đông, có doanh nghiệp đã phải điều chỉnh kế hoạch cổ tức ngay tại Đại hội so với dự thảo trước đó.

Chẳng hạn, tại ĐHCĐ 2012, dưới sức ép của các cổ đông, CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco (VTO) đã thay đổi tỷ lệ chia cổ tức năm 2011 từ 4% như tờ trình của HĐQT lên thành 6%. Trước ĐHCĐ 2015, HĐQT Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) dự kiến đưa ra mức cổ tức năm 2014 và 2015 lần lượt là 23% và 25%.

Tuy nhiên, cổ đông Nhà nước đã không đồng ý và đề nghị phải nâng cổ tức lên 25% cho năm 2014, 30% năm 2015 khiến thời gian tổ chức phải lùi lại 3 ngày so với dự kiến. CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (ELC) cũng đã thông báo sửa tở trình, thay đổi tỷ lệ cổ tức từ 12% lên 15% ngay trong ĐHCĐ 2017.

Cũng trong năm 2017, tại ĐHCĐ của một doanh nghiệp lớn đầu ngành xây dựng, các cổ đông lại liên tục chất vấn ban lãnh đạo về việc cổ tức không tương xứng với kết quả kinh doanh khi doanh thu, lợi nhuận 2016 tăng trưởng mạnh nhưng kế hoạch cổ tức đề xuất lại thấp hơn năm trước.

Chủ tịch HĐQT sau đó đã phải phát biểu, mong cổ đông chia sẻ khi doanh nghiệp cần giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững và cam kết, năm sau sẽ chi trả cao hơn, có thể chia thưởng cổ phiếu.

Không chỉ thắc mắc về tỷ lệ chi trả, vấn đề hài hòa giữa tiền mặt và cổ phiếu cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tại ĐHCĐ 2017, CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) đã thống nhất thay đổi nâng tỷ lệ chi trả bằng tiền mặt từ 3% lên 5% và giảm tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu từ 7% xuống 5% ngay trong đại hội để “đảm bảo lợi ích cổ đông do thị giá cổ phiếu đang dưới mệnh giá”.

Có lợi nhuận để chi trả cổ tức là niềm vui với cổ đông, nhưng ở những DN yếu kém hoặc có quỹ lợi nhuận không dồi dào, tìm được phương án chia cổ tức hợp lý, làm vui lòng cổ đông luôn là bài toán khó. Ở những DN này, cổ tức dễ trở thành câu chuyện nhạy cảm, dễ xảy ra những cuộc tranh luận nóng tại Đại hội.

Một thực tế khác là cổ tức nhận được không những bị chiết khấu trực tiếp vào giá cổ phiếu trên sàn mà với cổ tức tiền mặt, cổ đông còn thiệt thòi khi phải đóng thuế thu nhập. Đây là một bất cập chính sách mà nhà đầu tư đã kêu mãi, kêu cả thập niên qua, nhưng vẫn chưa được sửa đổi.

Tin bài liên quan