Nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đang được định giá rẻ, nhưng cơ hội chỉ đến với nhà đầu tư có kinh nghiệm và hiểu rõ doanh nghiệp.

Nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đang được định giá rẻ, nhưng cơ hội chỉ đến với nhà đầu tư có kinh nghiệm và hiểu rõ doanh nghiệp.

Cổ phiếu vừa và nhỏ có thực sự rẻ?

(ĐTCK) Trong khi dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu bluechip có sự phân hóa khiến thị trường giao dịch giằng co, thì dòng tiền đầu cơ đang tiếp sức cho nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đua nhau khởi sắc. 

Doanh nghiệp vốn hóa nhỏ đang rẻ?

Quan sát thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục có diễn biến kém tích cực so với thị trường chung. Thực trạng này đã kéo dài từ năm 2017, dẫn đến mặt bằng định giá chung của nhóm này khá thấp.

Chỉ số giá trên thu nhập (P/E) bình quân của 700 doanh nghiệp vốn hóa nhỏ nhất (trên tổng số 1.500 doanh nghiệp cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM) hiện nay dưới 10 lần, thấp hơn đáng kể so với mức P/E xấp xỉ 16 lần của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE hay mức gần 18 lần của bình quân nhóm 50 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất 3 sàn. 

Dù diễn biến giá không mấy tích cực, nhưng trong nhóm nhỏ và vừa vẫn có những doanh nghiệp có hoạt động cơ bản ổn định, tăng trưởng đều hàng năm, là cơ hội cho nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, rủi ro khi đầu tư ở nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa tương đối lớn, do tính cạnh tranh của khối doanh nghiệp này hạn chế và mức độ minh bạch thông tin cũng không được đánh giá cao.

Việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ở giai đoạn hiện tại có khả năng mang lại lợi nhuận cao, nhưng nhà đầu tư cần chọn lọc cổ phiếu thực sự bị thị trường định giá thấp.

Để đạt hiệu quả đầu tư, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, cần lựa chọn các cổ phiếu đáp ứng tiêu chí về đầu tư và tìm kỹ trong khối “vừa và nhỏ” sẽ thấy có những mã có diễn biến giá tích cực hơn so với các cổ phiếu lớn.

Đơn cử, trong giai đoạn thị trường diễn biến với biên độ hẹp như hiện tại, các cổ phiếu lớn thường ít có biến động, trong khi các cổ phiếu vừa và nhỏ vận động mạnh, có thể chỉ ra một số cổ phiếu như CCL, ASP, HAH, DHC, DHA, HDC, LDG...

Điều này phần nào cho thấy, đầu tư vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lúc này có thể mang lại hiệu quả cao hơn so với đầu tư vào các bluechips.

Nhìn lại giai đoạn giảm giá (downtrend) thời gian qua, trong khi hầu hết cổ phiếu lớn biến động tiêu cực, thì đa phần cổ phiếu vừa nhỏ lại vận động tích cực, nhất là tại các nhịp hồi.

“Ông Robert Shiller, người đạt giải Nobel kinh tế 2014 khi thực hiện các nghiên cứu trên thị trường chứng khoán Mỹ từng cho rằng, các cổ phiếu vừa và nhỏ có xu hướng 'outperform' (tăng mạnh hơn so với bình quân thị trường) so với các cổ phiếu lớn trong một số giai đoạn”, ông Khánh chia sẻ và cho rằng, nhà đầu tư có thể tìm kiếm trong danh sách các cổ phiếu vừa và nhỏ nhiều cơ hội giá hời và tiềm năng.

Cơ hội đến từ việc thị trường đã quên lãng các cổ phiếu loại này và đôi khi khiến giá của chúng rơi về mức rẻ không tưởng.

“Nhà đầu tư không nên bỏ qua việc quan sát tổng thể thị trường để tìm thấy các cơ hội, cho dù đó là cổ phiếu của bất kỳ nhóm ngành nào, có mức vốn hóa lớn, vừa hay nhỏ. Tư duy đi ngược đám đông thường mang lại hiệu quả trên thị trường cổ phiếu”, ông Khánh nhấn mạnh.

Dòng tiền luôn thông minh

Nhiều phương pháp thống kê và so sánh trên thị trường Mỹ, châu Âu và Việt Nam cho thấy, các cổ phiếu vừa và nhỏ trong một số giai đoạn có khả năng tăng giá tốt hơn các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Để các cổ phiếu lớn tăng giá 50%, 100% hay 200% là rất khó khăn, trong khi các cổ phiếu nhỏ có khả năng tăng giá mạnh hơn gấp 3, gấp 4, thậm chí nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn.

Tất nhiên, không phải cổ phiếu vừa và nhỏ nào cũng có khả năng tăng giá mạnh, bởi có rất nhiều mã trong đó giảm sâu. Điều khiến các cổ phiếu nhỏ trở nên hấp dẫn đến từ yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và khả năng dòng tiền "nóng" lãng quên cổ phiếu tốt.

Ở chiều ngược lại, trong một số giai đoạn thị trường điều chỉnh, các cổ phiếu lớn có thể chỉ giảm giá 10-20%, nhưng nhóm cổ phiếu nhỏ có thể giảm 50-80%, thậm chí nhiều hơn.

Hiện tượng giảm giá quá đà là điển hình với cổ phiếu nhỏ, nhưng cái hay của diễn biến này là ở chỗ đến khi thị trường hồi phục thì các cổ phiếu nhỏ lại có mức tăng giá lớn hơn.

Trước thực tế này, ông Lê Đức Khánh cho rằng, việc định giá theo phương pháp tài sản, hoặc so sánh với giá trị sổ sách của doanh nghiệp là phương pháp hay được sử dụng.

Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động kinh doanh tích cực, có thể định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, hoặc so sánh với trung bình ngành hay với các doanh nghiệp khác cùng quy mô.

Nhìn chung, giai đoạn hiện tại có nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đang được định giá rẻ, nhưng cơ hội chỉ đến với những nhà đầu tư có kinh nghiệm và hiểu rõ về doanh nghiệp.

Theo PSI, những doanh nghiệp trong lĩnh vực giấy công nghiệp, dịch vụ kho bãi, cảng, dịch vụ hàng không, công nghệ, dược phẩm... đang có nhiều cơ hội nhất.

Dù vậy, để định giá, nhóm vừa và nhỏ này thường bị “chiết khấu” so với nhóm cổ phiếu lớn, nên nhìn mặt bằng chung dường như được định giá rẻ, nhưng ở đó lại có thể có “cái bẫy”, tức là có thể khiến nhà đầu tư trả giá khi nắm giữ lâu.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường chứng khoán Việt Nam có 2 yếu tố dẫn đến có nhiều cổ phiếu duy trì mức giá rẻ trong thời gian dài.

Thứ nhất là nhà đầu tư thích những cổ phiếu tăng trưởng mạnh, đột biến trong khi doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, còn P/E thấp nhưng tăng trưởng chậm lại ít được chú ý.

Thứ hai là các quỹ ETF chỉ tập trung vào cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn hóa nhỏ thì dù rẻ cũng bị loại ngay từ “vòng gửi xe”.

Tuy vậy, nếu nhỏ mà tốt thì sẽ đến lúc giá “chạy”, tức tăng giá. Do đó, đối với những nhà đầu tư giá trị, học được tính kiên nhẫn như các quỹ tương hỗ thì cầm lâu những cổ phiếu vốn hóa tuy nhỏ nhưng định giá rẻ, cũng là việc đáng giá.

Quan sát thị trường trên cả 3 sàn, ông Trần Đức Anh cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang giao dịch với mức P/E và P/B thấp hơn đáng kể so với phần còn lại của thị trường, nhưng để đầu tư với xác suất thắng là không dễ.

Lý do là nhóm doanh nghiệp vốn hóa nhỏ và vừa nhìn chung có hiệu quả kinh doanh không ổn định, thậm chí trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nhóm này dễ suy yếu.

Thống kê trên thị trường cho thấy, trong khi các doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa nhỏ có lợi nhuận gần như đi ngang hoặc giảm nhẹ, thì nhóm vốn hóa lớn có mức tăng trưởng trên 20%/năm.

Cụ thể hơn, quý II/2019 vừa qua, trong khi nhóm doanh nghiệp trong VN30 có lợi nhuận tăng trưởng 22,4% so với cùng kỳ, thì nhóm doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ trên sàn HOSE có lợi nhuận giảm 9,4% so với cùng kỳ. Như vậy, có thể nói, thị trường đang trả giá cao cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhờ tiềm năng tăng trưởng vượt trội ở nhóm này.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hiện đang bị định giá thấp, nhưng cũng không phải vô lý nếu đặt trong tương quan về tiềm năng tăng trưởng với các nhóm cổ phiếu khác.

Tin bài liên quan