Cổ phiếu VEA đối mặt với đà giảm mạnh

Cổ phiếu VEA đối mặt với đà giảm mạnh

(ĐTCK) Từ ngày 5/8 đến nay, giá cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP thường xuyên giảm mạnh. Quyền Tổng giám đốc VEA chưa biết ứng phó cách nào.

“Bốc hơi” gần 10.000 đồng/cổ phiếu

Ngày 3/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại VEA và một số đơn vị thành viên, đồng thời khởi tố bị can đối với một số lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao của VEA.

Ngay sau đó, ngày 5/8 (thứ Hai), VEA công bố thông tin, trấn an nhà đầu tư rằng, hoạt động của Tổng công ty không bị ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin về khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, từ đó đến nay (ngày 20/8), cổ phiếu VEA có 8/12 phiên giảm giá, trong đó có nhiều phiên giảm sâu.

Ðáng chú ý, chốt phiên giao dịch ngày 19/8, trong bối cảnh giá cổ phiếu VEA giảm 2.700 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 5,19%, xuất hiện khối lượng giao dịch thỏa thuận 500.000 đơn vị, giá trị 24,7 tỷ đồng. Ðiều này làm dấy lên quan ngại về cổ đông lớn cũng đang tìm cách “thoát hàng”.

Ngày 20/8, giá cổ phiếu VEA giảm thêm 1.400 đồng/cổ phiếu (-2,79%), xuống còn 48.700 đồng/cổ phiếu. Như vậy, kể từ sau thời điểm VEA bị khởi tố hình sự, giá cổ phiếu này giảm gần 10.000 đồng/cổ phiếu.

Lùi kế hoạch chuyển sàn

Trong bối cảnh giá cổ phiếu liên tục giảm, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, VEA sẽ có động thái “đỡ” giá, chẳng hạn mua cổ phiếu quỹ, để minh chứng cho hoạt động của Tổng công ty vẫn diễn ra bình thường.

Phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán đã trao đổi với ông Ngô Văn Tuyển, quyền Tổng giám đốc, người công bố thông tin của VEA về vấn đề này, nhưng ông Tuyển không đưa ra câu trả lời.

“Diễn biến giá cổ phiếu VEA tăng hay giảm do thị trường chứng khoán quyết định, chứ chúng tôi không thể can thiệp. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh của VEA vẫn diễn ra bình thường. Số lượng 3.000 xe ô tô tồn kho, tương đương với giá trị 1.000 tỷ đồng đang dần được tiêu thụ”, ông Tuyển nói.

Ngày 20/8/2019, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc VEA gửi công văn tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đăng ký bán 20.000/23.100 cổ phiếu đang nắm giữ, từ ngày 21/8 - 21/9.

Ðăng ký bán gần như toàn bộ lượng cổ phiếu của ông Tuấn trong bối cảnh giá cổ phiếu liên tục giảm sâu có khiến cho cổ đông thêm mất niềm tin vào VEA, hay đây là động thái dọn đường cho xử lý sai phạm mới liên quan đến lãnh đạo VEA? Trước quan ngại này của nhiều cổ đông, ông Tuyển cho biết, việc bán cổ phiếu của ông Tuấn mang tính cá nhân để thu xếp tài chính cho chi tiêu gia đình.

Một vấn đề khác mà cổ đông VEA đang quan tâm là với các sai phạm của VEA đang chờ cơ quan công an làm rõ, liệu mục tiêu chuyển cổ phiếu từ UPCoM sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm nay có còn khả thi? Ông Tuyển thừa nhận, hồ sơ niêm yết trên HOSE của VEA đang phải xử lý một số thông tin, nên kế hoạch chuyển sàn trong năm nay đến thời điểm hiện tại là không thể thực hiện được. Dự kiến, kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE sẽ được dời sang quý I/2020.

Báo Ðầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có thông tin mới liên quan đến quá trình xử lý sai phạm xảy ra tại VEA, cũng như những diễn biến về hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp này.  

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, VEA là một trong những doanh nghiệp chậm thực hiện quyết toán sau cổ phần hóa. Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đã kiểm tra và phát hiện một số sai phạm, nên đôn đốc VEA xử lý để quyết toán, nhưng Tổng công ty không triển khai thực hiện, mà còn giấu giếm một số vấn đề, nên càng làm trầm trọng hơn những sai phạm.

Tin bài liên quan