Cổ phiếu thủy sản qua thời hấp dẫn

Cổ phiếu thủy sản qua thời hấp dẫn

Doanh nghiệp thủy sản phàn nàn giá cổ phiếu trên sàn chưa phản ánh hết giá trị thực của công ty trong khi một số chuyên gia khuyến cáo giờ chưa phải lúc hấp dẫn để đầu tư vào nhóm này.

Thảm cảnh các đại gia thủy sản miền Tây

> DN thủy sản tính gì cho năm 2013?

 

Nửa năm qua, giá của 23 cổ phiếu ngành thủy sản trên hai sàn giao dịch Hà Nội và TP HCM xuất hiện nhiều diễn biến trái chiều. Một nửa trong danh sách giảm giá từ 10% đến trên 20%, có mã giảm hơn 50% trong khi số còn lại tăng nhẹ hoặc tăng gấp đôi (đã tính đến các yếu tố kỹ thuật gây pha loãng giá như chia tách cổ phiếu, phát hành thêm cổ phần).

 

Cổ phiếu thủy sản qua thời hấp dẫn ảnh 1

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thủy sản cho rằng giá cổ phiếu hiện không phản ánh đúng giá trị thực của công ty. Ảnh: Vietfish

 

Tính chung tốc độ tăng giá của các cổ phiếu thủy sản niêm yết qua 6 tháng là 10%, cao gấp đôi HNX-Index (5,4%) nhưng thấp hơn mức tăng của Vn-Index (16%)và còn thua xa các nhóm ngành xây dựng, viễn thông (15-30%).

 

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/7, giá một cổ phiếu VNH giảm gần 50% so với phiên nửa năm trước (28/12/2012), xuống còn 2.300 đồng. Đây là một trong những mã có giá rẻ dưới 5.000 đồng thuộc nhóm thủy sản.

 

Trên sàn giao dịch, VNH cũng đang thuộc diện cảnh báo do lỗ sau thuế hơn 18 tỷ đồng từ năm 2012. Quý I vừa qua, công ty tiếp tục lỗ gần 3 tỷ đồng, nguyên nhân chính là giá vốn hàng bán trong kỳ quá cao khiến lợi nhuận công ty dần teo tóp.

 

Danh sách cổ phiếu thủy sản giảm giá còn có sự góp mặt của AGD (Cổ phần Gò Đàng), ABT (Thủy sản Bến Tre) hay MPC (Thủy sản Minh Phú). Kinh doanh quý I vừa qua của các doanh nghiệp này cũng không mấy khả quan khi lãi sau thuế giảm mạnh từ 40% đến trên 60% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong đó, Thủy sản Minh Phú còn dự tính kế hoạch hủy niêm yết do khó khăn trong vấn đề gọi vốn từ đối tác nước ngoài. Quý I, Minh Phú lãi sau thuế gần 18 tỷ đồng, chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm trước.

 

Ngành thủy sản vẫn có một số mã tăng giá so với hồi đầu năm, chẳng hạn BLF của Công ty cổ phần Thủy sản Bạc Liêu. So với ngày 28/12, chốt phiên 11/7, BLF tăng gấp đôi, lên 6.800 đồng một cổ phiếu. Trong số các mã thủy sản, giao dịch của BLF cũng được xếp vào hàng khả quan nhất với khối lượng hơn 5,6 triệu cổ phiếu.

 

Kết thúc quý I, Thủy sản Bạc Liêu tăng mạnh lãi sau thuế, từ 311 triệu đồng cùng kỳ năm trước lên gần 3,4 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty đạt hơn 84 tỷ đồng.

 

Một số cổ phiếu khác như HVG của Thủy sản Hùng Vương hay AGF của Xuất khẩu Thủy sản An Giang so với cuối năm 2012 cũng có mức tăng giá đáng kể 68% và 85% theo thứ tự. Lãi sau thuế quý I của hai đơn vị này cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, trong đó Thủy sản Hùng Vương đạt 134 tỷ đồng, còn Xuất khẩu Thủy sản An Giang thu về 16,6 tỷ đồng.

 

Cổ phiếu thủy sản tăng, giảm giá mạnh nhất nửa năm

 

Tăng

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 11/7

%

BLF

6.800

106

AGF

38.100

85,94

HGV

37.800

68,35

VHC

24.700

28,96

FMC

12.200

27,98

 

Giảm

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 11/7

%

VNH

2.300

-50

MPC

22.100

-25,84

NGC

9.400

-23,4

GFC

5.700

-22,97

ANV

7.000

-18,68

Đơn vị tính: VND

Tốc độ tăng trưởng các ngành trên sàn chứng khoán qua nửa năm

Thời gian: Tính từ ngày 2/1 đến ngày 28/6.
Nguồn: Công ty cung cấp dữ liệu Phú Toàn

 

Mã CK

Tăng trưởng

Viễn thông

30,1%

Xây dựng

16,28%

Công nghiệp

15,3%

Thực phẩm

11,91%

Cao su

9,12%

Dầu khí

8,25%

Dịch vụ tài chính

8,12%

Ngân hàng

0,55%

Bất động sản

-1,91%

* Ngành thủy sản: Tăng trưởng 10% (thời gian tính từ ngày 2/1 đến 11/7)

 

Giám đốc tài chính Công ty Thủy sản Nam Việt - Nguyễn Duy Nhất cho biết, khó khăn hiện nay của ngành thủy sản là dù mở rộng quy mô nhưng chi phí cũng tăng theo và lãi không tương xứng. Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu niêm yết trên sàn.

 

Theo ông Nhất, nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận thấp là do các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh với nhau quá gay gắt, dẫn đến làm ăn manh mún, thiếu liên kết đẩy chi phí lên cao.

 

Trong khi đó, giám đốc một công ty thủy sản niêm yết tại sàn TP HCM trần tình, trên thực tế doanh nghiệp thủy sản không quá quan tâm đến thị giá của cổ phiếu vì nó chỉ phản ánh một phần nhỏ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

 

Theo vị giám đốc này, khối lượng giao dịch cổ phiếu thủy sản rất khiêm tốn, đôi khi giá cổ phiếu bị tăng, giảm thất thường do nhà đầu tư mua, bán nhiều trên sàn chứ không phải vì hoạt động kinh doanh yếu kém. Điều này khiến giá cổ phiếu niêm yết có khoảng cách rất lớn, thậm chí không phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp, vị giám đốc giải thích.

 

Cổ phiếu trên sàn giảm giá, trong khi đó tình hình vĩ mô chưa thuận lợi tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp thủy sản. Mới đây, khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng tỷ giá USD thêm 1%, một số công ty thủy sản thường nhập nguyên liệu cũng vấp phải hàng loạt khó khăn.

 

Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm Sao Ta (Mã CK: FMC) cho biết năm nay mọi chi phí như giá xăng, điện đều tăng, dẫn đến hàng loạt khoản chi khác như phí vận chuyển, bao bì, nhân viên cũng lên theo. Lại thêm chuyện tăng tỷ giá USD, sức ép ngày một lớn khiến lợi nhuận thu về cứ teo tóp dần, ông Lực nói.

 

“Với doanh nghiệp xuất khẩu như của tôi, giá USD tăng thực ra cũng có lợi. Tuy nhiên do phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài về nên mới gặp khó khăn lớn. Chẳng hạn mọi năm tôi đều mua nguyên liệu dự trữ, nhưng năm ngoái thì lại thua lỗ. Tới năm nay không dự trữ nữa thì tỷ giá USD lại tăng, không ngờ giá tôm nguyên lại cao như vậy”, ông Lực phàn nàn.

 

Quý I vừa qua, Thực phẩm Sao Ta lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước công ty còn lỗ trên 10 tỷ đồng. Giá một cổ phiếu FMC cũng tăng từ 9.500 đồng lên 12.200 đồng,

 

Tuy nhiên, theo ông Lực, giá cổ phiếu hiện tại vẫn nằm dưới giá trị thực của doanh nghiệp, chưa kể cả giá trị thương hiệu. “Bản thân cổ phiếu công ty sau khi làm loãng giá thấp nhất cũng phải 13.000 mới đúng”, ông Lực nói thêm.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lực - Giám đốc Công ty chế biến thủy sản Đồng Tâm, thuộc Công ty cổ phần thủy sản số 4 cho biết, trước mắt tỷ giá đôla tăng không có lợi cho những doanh nghiệp đang vay ngoại tệ vì áp lực trả cả gốc và lãi vay gia tăng. Tuy nhiên, về lâu dài, tỷ giá USD tăng gây ảnh hưởng tốt đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có ngành thủy sản vì được bù đắp các chi phí từ nguồn thu ngoại tệ.

 

Còn chuyên gia phân tích tại một công ty chứng khoán thuộc top 10 thị phần nhận định, hiện nay đặc thù của cổ phiếu thủy sản là thanh khoản khá thấp. Đây cũng là lý do nhà đầu tư không mấy mặn mà đổ tiền vào nhóm cổ phiếu này.

 

“Điểm bất lợi của thanh khoản kém là chỉ cần một vài phiên nhà đầu tư đặt lệnh giá thấp cũng có thể dễ dàng khiến giá trị cổ phiếu bị điều chỉnh mạnh. Vì thế, việc một số doanh nghiệp thủy sản niêm yết cho rằng giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực của công ty cũng có phần hợp lý”, chuyên gia này nói.

 

Theo vị chuyên gia, hiện thủy sản không còn là nhóm cổ phiếu nóng trên sàn, nhà đầu tư mua bán số lượng rất ít. Tăng trưởng ngành này 2 năm qua không tốt, nhiều doanh nghiệp khó khăn, đa số lợi nhuận thấp hoặc thậm chí thua lỗ, chuyên gia giải thích.

 

“Năm 2013, các doanh nghiệp thủy sản cũng không dám đặt kỳ vọng nhiều, chỉ có công ty đầu ngành mới có mong tăng trưởng cao. Riêng nhóm doanh nghiệp nhỏ chỉ cần tồn tại để duy trì hoạt động đã là may mắn. Trong bối cảnh trên sàn có hàng trăm mã khác hấp dẫn hơn, nhà đầu tư ‘bỏ bê’ cổ phiếu thủy sản là bình thường”, vị chuyên gia phân tích.

 

Cũng theo chuyên gia này, đối với những ngành có tăng trưởng và lợi nhuận tốt như hàng tiêu dùng, nhà đầu tư có thể yên tâm lựa chọn chiến lược phòng thủ hoặc tấn công. Còn đối với ngành thủy sản, đây không phải là kênh đầu tư hấp dẫn thời điểm này, chuyên gia tổng kết.

 

Nửa năm qua, mã có thanh khoản cao nhất nhóm thủy sản là AVF của Công ty cổ phần Việt An. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch cũng chỉ lên tới 55 triệu cổ phiếu, bằng 4,3% so với lượng khớp lệnh của mã thanh khoản cao nhất ngành ngân hàng, và 8,7% đối với nhóm bất động sản.