Cùng với đà tăng trưởng cao của hoạt động kinh doanh, cổ phiếu PNJ đã có tăng giá mạnh

Cùng với đà tăng trưởng cao của hoạt động kinh doanh, cổ phiếu PNJ đã có tăng giá mạnh

Cổ phiếu phát triển bền vững có vững giá?

(ĐTCK) Nhìn lại diễn biến giá của 20 cổ phiếu thuộc chỉ số phát triển bền vững (VNSI) trong hai tháng qua, kể từ ngày ra mắt cho thấy, đa số cổ phiếu tăng giá và mức tăng của chỉ số thấp hơn mức tăng của thị trường chung.

Cụ thể, trong 20 cổ phiếu thuộc chỉ số VNSI trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), có 11 mã tăng giá, 5 mã giảm giá và 4 mã cổ phiếu đứng giá.

Trong nhóm tăng giá, nổi bật là cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Kể từ thời điểm HOSE công bố rổ chỉ số ngày 17/7, giá cổ phiếu PNJ tăng từ 96.000 đồng/cổ phiếu lên 114.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 18,7%. So với thời điểm đầu năm, giá cổ phiếu PNJ tăng 75%.

6 tháng đầu năm, PNJ đạt kết quả kinh doanh khả quan, với doanh thu 5.476 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 377,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 39% và 54,4% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành tương ứng 53% và 62,5% kế hoạch năm. Với đà phát triển này, Ban lãnh đạo PNJ chia sẻ, Công ty có thể sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2017 khi kết thúc tháng 10.

Chỉ số VNSI thể hiện biến động giá của 20 cổ phiếu niêm yết thuộc VN100 có điểm phát triển bền vững tốt nhất. Điểm phát triển bền vững được HOSE thực hiện chấm định kỳ hàng năm vào tháng 7 dựa trên thông tin của các doanh nghiệp vào kỳ xem xét tháng 1 cùng năm. Ngày cơ sở của chỉ số là ngày 21/7/2017.   

Một cổ phiếu tăng giá đáng chú ý khác là FPT của Công ty cổ phần FPT, tăng 32% so với thời điểm đầu năm. Kết quả kinh doanh của FPT cũng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nhóm giảm giá, cổ phiếu CNG của Công ty cổ phần CNG Việt Nam giảm hơn 12% trong vòng 2 tháng và giảm hơn 27% so với thời điểm đầu năm. Sáu tháng đầu năm, CNG ghi nhận doanh thu khả quan khi tăng 61% (đạt 632 tỷ đồng), nhưng lợi sau thuế giảm 13,9% (đạt 50 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh.

Trong khi đó, cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí có xu hướng giảm giá từ đầu năm đến nay, chủ yếu do ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến bất lợi của giá dầu. Sau khi được đưa vào rổ chỉ số VNSI, giá cổ phiếu PVD có đợt tăng ngắn hạn, lên mức 16.000 đồng/cổ phiếu, hiện được giao dịch ở mức gần 14.000 đồng/cổ phiếu, so với ngưỡng trên 20.000 đồng/cổ phiếu đầu năm.

“Biến động về giá cổ phiếu mang yếu tố thị trường và không phản ánh giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá tăng là một trong những yếu tố thể hiện sự hấp dẫn của cổ phiếu, sự tăng trưởng cũng như tiềm năng của doanh nghiệp. Và dù muốn hay không, để có thể tăng trưởng và phát triển bền vững như chính mục tiêu mà chỉ số VNSI đặt ra thì cốt lõi doanh nghiệp vẫn phải ăn nên làm ra”, một chuyên gia chứng khoán nói.

Về tính thanh khoản của các cổ phiếu trong chỉ số VNSI, có 14/20 mã có thanh khoản trung bình 30 phiên giao dịch gần nhất trên 200.000 đơn vị/phiên, trong đó MBB dẫn đầu với mức bình quân 3 triệu đơn vị/phiên. Trong 6 mã còn lại, cổ phiếu NSC của Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, cổ phiếu CTD của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons và cổ phiếu CNG của Công ty cổ phần CNG Việt Nam có thanh khoản dưới 50.000 đơn vị/phiên.

Theo đại diện HOSE, chỉ số VNSI được xây dựng nhằm mục tiêu thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường đến các nội dung về phát triển bền vững. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng khá nóng thời gian qua, chỉ số VNSI tăng thấp hơn (+3,8%) là một tín hiệu cho thấy, giá cổ phiếu có tốc độ tăng ổn định, phù hợp với các tiêu chí phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lịch sử giá những cổ phiếu này trước đó cho thấy, việc nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt, tránh rủi ro trước những biến động bất thường của thị trường.

Hiện nay, HOSE không tổ chức đánh giá các doanh nghiệp phát triển bền vững theo quý, bởi phát triển bền vững là nỗ lực lâu dài của doanh nghiệp, việc đánh giá theo quý chưa thể phản ánh chính xác mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp cận các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực thực thi phát triển bền vững, cùng với họ đánh giá các điểm chưa tích cực để doanh nghiệp có cơ sở khắc phục và hoàn thiện bản thân.

“Ngoài ra, HOSE sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức các buổi hội thảo cho các doanh nghiệp niêm yết nhằm nâng cao kỹ năng và nhận thức về phát triển bền vững. Chúng tôi luôn kêu gọi các quỹ đầu tư, là nhân tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, cam kết đầu tư bền vững trên thị trường chứng khoán”, đại diện HOSE nói.

Tin bài liên quan