Cổ phiếu ngành phân bón “chạy chậm” hơn chính sách

Cổ phiếu ngành phân bón “chạy chậm” hơn chính sách

(ĐTCK) Sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu vào thị trường Việt Nam chịu mức thuế tự vệ tạm thời hơn 1,8 triệu đồng/tấn, nhưng hầu hết doanh nghiệp ngành phân bón trên sàn chứng khoán đang sản xuất urê và NPK. Chỉ một số ít doanh nghiệp hưởng lợi, vì DAP là một trong 3 nguyên liệu chính phối trộn NPK.

Doanh nghiệp nào hưởng lợi?

Kể từ 19/8/2017, sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu vào thị trường Việt Nam chịu mức thuế tự vệ tạm thời là hơn 1,8 triệu đồng/tấn, áp dụng đến ngày 6/3/2018, hoặc khi Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương và Hiệp hội Phân bón đề xuất Chính phủ xem xét đưa mặt hàng phân bón về diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%, thay vì thuộc đối tượng được miễn thuế.

Trước thông tin trên, giá các cổ phiếu ngành phân bón có diễn biến trái chiều. Trong khi giá cổ phiếu LAS của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và SFG của Công ty cổ phần Phân bón miền Nam có xu hướng tăng, thì giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), Tổng công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, so với thời điểm đầu năm, hầu hết cổ phiếu ngành phân bón đều có mức tăng giá khá mạnh, trong bối cảnh thị trường chứng khoán cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có diễn biến khả quan.

Cổ phiếu ngành phân bón “chạy chậm” hơn chính sách ảnh 1

LAS sẽ được hưởng lợi lớn nếu thuế VAT với phân bón về 0%

Trong đó, cổ phiếu BFC có mức tăng giá mạnh nhất, hơn 40%, dù doanh nghiệp dường như không hưởng lợi từ chính sách áp thuế tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu. Giá cổ phiếu DDV của Công ty cổ phần DAP - Vinachem tăng không nhiều, dù được hưởng lợi rõ ràng nhất từ chính sách này. DPM có khả năng sẽ tham gia sản xuất phân DAP trong thời gian tới

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), quyết định áp thuế tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất DAP. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch hiện đang sản xuất urê và NPK, riêng DPM có khả năng sẽ tham gia sản xuất phân DAP trong thời gian tới. Tuy nhiên, VDSC cho rằng, phải đến đầu năm 2018, các sản phẩm DAP do DPM sản xuất (nếu có) mới được tung ra thị trường.

Về khả năng điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, thực chất thông tin này đã râm ran trên thị trường từ trước. Trong trường hợp đề xuất được thông qua, ngoại trừ BFC, các cổ phiếu trong nhóm ngành phân bón, gồm cả phân lân và urê, hầu như đều được hưởng lợi, nhất là LAS (có thể sẽ được hoàn một khoản thuế lớn).

Áp lực cạnh tranh

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngành phân bón đang được định giá ở mức tương đối hấp dẫn, P/E trung bình khoảng 8 lần, thấp hơn nhiều mức P/E bình quân toàn thị trường.

Theo một số chuyên viên phân tích chứng khoán, trong trường hợp mặt hàng phân bón thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế đầu vào, nhưng chưa chắc giữ được mức giá bán như hiện tại, trong bối cảnh sản phẩm phân bón có sự cạnh tranh gay gắt, nhất là đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp cho thấy, doanh thu quý II/2017 tăng trưởng, nhưng kèm theo đó là chi phí bán hàng tăng. Một trong những nguyên nhân khiến chi phí bán hàng tăng là doanh nghiệp tăng chiết khấu cho đại lý nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm (hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón mang tính chu kỳ, cao điểm thường tập trung vào quý II). Ngoại trừ một số doanh nghiệp sản xuất có biên lợi nhuận gộp cao, thì các công ty thương mại và phối trộn NPK có mức biên lợi nhuận gộp tương đôi thấp.

Mặt khác, với các doanh nghiệp ngành phân bón, sản lượng tiêu thụ phụ thuộc khá lớn vào thời tiết và rủi ro biến động giá nguyên liệu ở mức cao.

Một chuyên viên phân tích nêu quan điểm, các hỗ trợ về chính sách chỉ mang tính ngắn hạn và phần nào phản ánh hiện trạng khó khăn của ngành phân bón trong nước, khi giá cả và chất lượng khó cạnh tranh với phân bón ngoại nhập. Ngay cả khi thuế tự vệ đã được áp dụng đối với sản phẩm DAP, vẫn không ngoại trừ khả năng doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu từ các quốc gia không nằm trong danh sách hạn chế.

Bên cạnh đó, xét trên mặt bằng chung, một thực tế mà doanh nghiệp phân bón đang phải đối mặt, đó là nguy cơ dư cung. Trước đó, nhu cầu thị trường tốt lên, hầu như các nhà máy trong nước đều gia tăng công suất, khiến giá phân bón khó tăng.

Tuy nhiên, nhu cầu ở nhóm sản phẩm phân bón chất lượng cao, với hàm lượng dinh dưỡng cao, đang rất lớn. Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp chú trọng đầu tư đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thực tế. Dự báo, kết quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm vẫn khả quan.        

Kể từ 19/8/2017, sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu vào thị trường Việt Nam chịu mức thuế tự vệ tạm thời là hơn 1,8 triệu đồng/tấn, áp dụng đến ngày 6/3/2018, hoặc khi Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

Biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ, trừ các quốc gia/vùng lãnh thổ đang phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt Nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam (có 135 quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời).

Tin bài liên quan