Nhóm cổ phiếu ngân hàng xuất hiện những biến động khác thường

Nhóm cổ phiếu ngân hàng xuất hiện những biến động khác thường

Cổ phiếu ngân hàng: Vì sao "lặng sóng"?

Tuần qua, nhóm CP ngân hàng xuất hiện những biến động khác thường. Từ tình trạng lình sình nhiều tháng, đột nhiên đồng loạt tăng giá kịch trần trong ngày 16/9. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, lượng cung khổng lồ lại được xả ồ ạt khiến nhóm CP này chấp nhận mất điểm trong phiên cuối tuần.

Kỳ vọng không thành

 

Ngay từ đầu tuần trước, nhóm CP ngân hàng, tài chính, CK đã được nhiều CTCK "lưu ý" khách hàng, thậm chí còn tiên đoán là "tuần của CP tài chính". Quả thực nhóm CP này đã "lên tiếng" đúng vào thời khắc quan trọng của thị trường trong ngày 16/9: Gần như toàn bộ nhóm CP lớn lẫn các CP nhỏ giảm giá mạnh, nhưng VN-Index vẫn tăng nhẹ 0,23 điểm nhờ STB, PVF, VCB, CTG tăng kịch trần. Nếu tính chung cả VN-Index và HNX-Index thì ngày 16/9 chỉ tăng 0,2% (trong đó chủ yếu là nhờ HNX-Index), nhưng nhóm các CP ngân hàng trên cả hai sàn tăng bình quân 1,4%.

 

Điểm đặc biệt trong cách mà nhóm CP ngân hàng tăng giá là sức cầu rất lớn và dư mua trần ồ ạt, gợi nhớ lại thời kỳ vàng son khi thị trường bước ra khỏi đáy hồi tháng 3 vừa qua. "CP ngân hàng dậy sóng" là khẩu hiệu mà không ít NĐT kỳ vọng vào một chu kỳ tăng trưởng mới của nhóm CP vốn là đầu tàu của cả hai sàn. Tuy nhiên, chỉ một phiên sau đó, ngày 17/9, tất cả các CP ngân hàng đều xuất hiện lượng cung ồ ạt, đặc biệt là hoạt động phân phối giá trần rất mạnh. Trong phiên cuối tuần, áp lực bán với nhóm CP này thực sự không mạnh, nhưng đa số mã giảm giá. Chỉ số chung của nhóm CP này trên cả hai sàn giảm 0,3%, trong khi hai chỉ số vẫn tăng.

 

Chưa đủ lực tạo "sóng"?

 

Một đặc điểm nổi bật của quá trình tăng giá từ đầu tháng 8 đến nay là sự xoay vòng giữa các nhóm CP như hàng hóa mùa vụ, vật liệu xây dựng, thủy sản, vận tải và gần đây nhất là bất động sản. Dòng tiền đầu cơ chạy qua chạy lại giữa các nhóm CP và đẩy giá lên tuần tự. Trong khi đó, nhóm CP ngân hàng tài chính đã giao dịch èo uột suốt từ đầu tháng 8 đến nay. Chỉ số chung của nhóm CP này giảm 4,4%, trong khi VN-Index tăng 20% và HNX-Index tăng 15,3%.

 

Thực tế 3 phiên cuối tuần qua đã cho thấy có vẻ như xuất hiện một "con sóng giả" từ nhóm CP ngân hàng hơn là sự xoay vòng tuần tự giữa các nhóm CP. Thông thường CP ngân hàng luôn là nhóm tăng đầu tiên trong các đợt đi lên của Index. Điều này có thể thấy trong những con sóng từ tháng 3 đến tháng 7 vừa qua. Chỉ riêng từ đầu tháng 8 trở lại đây, nhóm CP tài chính, ngân hàng gần như bị bỏ quên với tỉ suất sinh lời rất thấp so với các nhóm CP khác.

 

Điều đó có nghĩa là nhóm CP này chưa tăng được bao nhiêu, trong khi dòng tiền "nóng" đã "kiếm ăn" ở nhiều, nhóm CP khác. Diễn biến tăng kịch trần của các CP ngân hàng ngày 16/9 là bất thường. Chỉ trong 3 phiên nhưng diễn biến giá thay đổi quá nhanh, trong đó áp lực bán xuất hiện gần như lập tức và kéo dài, không giống với các hoạt động đè giá, rung lắc thường thấy trong sự khởi đầu một chu kỳ đi lên.

 

Thông thường, hoạt động đè giá là nhằm giảm căng thẳng của tình trạng mất thanh khoản và "rũ bỏ" những NĐT luôn tìm cách chốt lãi sớm. Thủ thuật mua bán này thường kết thúc với việc mua lại ngay lập tức trong phiên nhằm tránh "mất hàng" và bù đắp lại đúng khối lượng đã bán ra. Tuy nhiên, với CP điển hình STB trong ngày 17/9, khối lượng khớp lệnh tới gần 15,9 triệu đơn vị chỉ sau một phiên tăng giá cho thấy STB đã bị xả hàng thực sự.

 

Một điểm nữa là sự phân hóa rất nhanh giữa các CP cùng ngành. Dòng tiền đầu cơ chủ yếu đột biến ở một vài CP, mà cụ thể là STB, VCB ở sàn HOSE chứ không đồng đều ở các mã khác. Chẳng hạn SHB hay ACB trên sàn HNX trong ngày 16/7 vẫn bị bán ra rất mạnh. Ngay trong phiên giao dịch đột biến ngày 17/9, STB và VCB cũng tách nhóm khỏi PVF, CTG khi vẫn được mua vào khá mạnh ở cuối phiên. Ngược lại, PVF, CTG gần như không nhận được sự hỗ trợ mua đáng kể nào dù mới phiên trước vẫn còn được đẩy giá kịch trần. Việc cung cầu xoay chuyển quá nhanh tạo cảm giác có vẻ một vài CP ngân hàng được đẩy lên để chốt lời hơn là dòng vốn đổ vào cả một nhóm CP ngành.

 

Khó có thể lý giải một cách cặn kẽ tại sao dòng tiền vốn đang xoay vòng rất đều đặn qua từng nhóm CP (sector) lại bỏ qua nhóm CP quan trọng bậc nhất này. Dù vậy, từ góc độ cơ bản, nhóm CP ngân hàng không có nhiều lực hỗ trợ như các lĩnh vực sản xuất khác trong quý III. Những khó khăn của bài toán lãi suất huy động đang tăng cao với lãi suất cho vay bị khống chế vẫn chưa có lời giải rõ ràng. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng giảm dần trong quý III là minh chứng. Các thông tin về gói kích cầu thứ hai - vốn được kỳ vọng là tạo lực đẩy cho lợi nhuận các NH như trong 6 tháng đầu năm - chắc chắn cũng chưa được cụ thể hóa trước tháng 10 tới.