Cổ phiếu hàng không, những câu hỏi chờ đại hội

Cổ phiếu hàng không, những câu hỏi chờ đại hội

(ĐTCK) Mặc dù có tín hiệu khôi phục đường bay quốc tế, nhưng các hãng hàng không vẫn phải đối mặt với tình trạng lượng khách hàng suy giảm kéo dài.

Sau giai đoạn khống chế dịch bệnh thành công và hơn hai tháng không có ca nhiễm Covid-19 mới ngoài cộng đồng, Chính phủ đang phát đi tín hiệu tái mở cửa một số đường bay quốc tế. Ngày 18/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam đang thảo luận với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản về việc kết nối lại các chuyến bay, vì đây là những nền kinh tế đầu tiên kiểm soát được đại dịch”.

Mới đây, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam đã kêu gọi Chính phủ cấp thị thực, cho phép người nước ngoài vào nước ta.

Hiện tại, chúng ta đã cho phép người nước ngoài rời Việt Nam và cho phép các chuyến bay thương mại đón người Việt trở về từ châu Âu, nhưng các chuyến bay thương mại đưa công dân châu Âu vào Việt Nam vẫn chưa được nối lại.

Với những động thái hiện tại, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các hãng hàng không Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi khi đường bay tới các thị trường chính được mở cửa trở lại trong tương lai gần. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2019, Việt Nam đón nhận 18 triệu khách quốc tế, trong đó lượng khách du lịch đến từ châu Á chiếm tới 79,89%.

Ba quốc gia có lượng khách du lịch lớn nhất vào Việt Nam là Trung Quốc (chiếm 32,24%), Hàn Quốc (chiếm 23,83%) và Nhật Bản (chiếm 5,29%).

Bên cạnh đó, giá trị xuất - nhập khẩu đều cho thấy, các đối tác quan trọng của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Nếu hoạt động thương mại dần khôi phục với nhóm 5 khu vực này sẽ là tín hiệu tích cực đối với ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Cổ phiếu hàng không, những câu hỏi chờ đại hội ảnh 1

Vietnam Airlines (HVN) có chiến lược phát triển hãng hàng không chất lượng. Đối với đường bay quốc tế, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương là đường bay quan trọng nhất, quyết định tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong đó, trọng tâm tại Đông Bắc Á là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…

Theo báo cáo thường niên năm 2019 của HVN, năm 2019, thị phần bay quốc tế của hãng chiếm 21%, thị phần nội địa chiếm 50,1%, tổng thị phần 33,2%.

Trong năm 2019, hãng đã vận chuyển 10,034 triệu lượt khách quốc tế và 19,016 triệu khách nội địa. Mạng lưới bay quốc tế của hãng là 64 đường bay, mạng lưới nội địa là 44 đường bay.

Trong khi đó, tại Vietjet (VJC), năm 2019, hãng mở rộng 11 đường bay quốc tế và 5 đường bay nội địa, nâng tổng số đường bay lên 139 tuyến, bao gồm 44 tuyến nội địa và 95 tuyến quốc tế.

Các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Campuchia của VJC phục vụ 24,9 triệu lượt khách trong năm 2019, chiếm 44% lượng khách hàng không quốc tế của Việt Nam.

Được biết, ngày 27/6 tới, VJC sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, còn HVN ban đầu dự kiến tổ chức Đại hội vào 29/6.

Tuy nhiên, gần tới ngày tổ chức Đại hội, các hãng hàng không vẫn chưa công bố các tài liệu Đại hội. HVN mới cung cấp thông tin liên quan tới chủ trương bán các tàu A321, trong khi VJC chưa công bố định hướng phát triển, cũng như báo cáo của Ban giám đốc, Hội đồng quản trị…

Ngày 23/6, HVN đã công bố thông tin về việc hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông tới ngày 16/7/2020, do công tác chuẩn bị các nội dung Đại hội chưa hoàn thành.

Điều này càng khiến nhiều nhà đầu tư tò mò hơn về tình hình kinh doanh của các hãng hàng không và có nhiều câu hỏi chờ đợi sẽ được lãnh đạo các hãng giải đáp tại Đại hội.

Thứ nhất, sau khi gặp cú sốc đại dịch Covid-19 đã tác động làm dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của HVN âm 3.822,1 tỷ đồng trong quý I/2020 so với cùng kỳ dương 2.994,7 tỷ đồng. Đối với VJC, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 2.008,7 tỷ đồng.

Với những khó khăn trong ngành, Chính phủ đã có những biện pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn dòng tiền ngắn hạn?

Thứ hai, trong tháng 5 và đặc biệt tháng 6, khi hầu như mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước đã khởi động trở lại, tình hình kinh doanh nội địa của các hãng hàng không được khôi phục như thế nào so với trước đại dịch?

Các hãng đã có chuẩn bị nào để vừa khai thác, vừa đối phó với nguy cơ xuất hiện đợt lây nhiễm thứ 2 nếu như Chính phủ quyết định cho mở lại các đường bay tới các đối tác quan trọng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thứ ba, với kế hoạch phát triển đội bay trước đây lớn và duy trì việc mua máy bay mới liên tục, trong khi nhu cầu đi du lịch sẽ tiếp tục hạn chế cho tới khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn trên thế giới hoặc ít nhất là có vắc xin, các hãng có kịch bản nào để có thể giải quyết bài toán dư thừa công suất ngắn hạn?

Điều này được dự báo kéo dài trong bao lâu thì có thể khôi phục lại hoạt động kinh doanh giống như trước khi dịch bệnh xảy ra?

Việt Nam nhờ vào việc khống chế dịch tốt đang dần nối lại các đường bay quốc tế, tuy nhiên, lượng khách dự kiến sẽ chưa thể khôi phục ngay lập tức.

Các hãng hàng không đều phải giải quyết bài toán dư thừa công suất trong ngắn hạn. Điều này đòi hỏi các hãng hàng không có giải pháp thích ứng với điều kiện thị trường mới để tồn tại vượt qua khó khăn ngắn hạn.       

Tin bài liên quan