Cổ phiếu dược bị dòng tiền lãng quên

Cổ phiếu dược bị dòng tiền lãng quên

(ĐTCK) Năm 2017, nhiều cổ phiếu ngành dược đã có những sóng tăng mạnh mẽ, mức tăng giá thậm chí tính bằng lần. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, đa số cổ phiếu nhóm này chìm trong sắc đỏ, mặc dù thị trường có những thời điểm tăng mạnh và giao dịch sôi động.

Từ trước đến nay, cổ phiếu ngành dược được biết đến là nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ bền vững nhưng không đột phá. Do vậy, diễn biến giá cổ phiếu tăng ấn tượng trong năm 2017 đã không khỏi gây bất ngờ cho các nhà đầu tư trên thị trường.

Nếu nắm giữ cổ phiếu nhóm này từ đầu năm đến cuối năm, nhà đầu tư có thể có được mức sinh lời rất hấp dẫn. Chẳng hạn, thị giá cổ phiếu DHG ghi nhận mức tăng gần 90%; IMP tăng 33,65%; DMC leo dốc hơn 75,5%; DHT 146%; OPC tăng gần 61%...

Bên cạnh yếu tố thị trường chung rất tích cực, nguyên nhân chính của xu hướng tăng giá này xuất phát từ việc các cổ phiếu đầu ngành sở hữu câu chuyện riêng, hấp dẫn nhà đầu tư rót tiền như nhà nước thoái vốn, sự gia tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn nước ngoài. Từ đó, tạo tác động lan tỏa tới cổ phiếu của các doanh nghiệp khác trong ngành, vốn chưa nhận được nhiều sự chú ý dù có kết quả hoạt động kinh doanh tốt, mức định giá rẻ.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, dòng tiền dường như đang lãng quên nhóm cổ phiếu dược, bởi dù thị trường có những phiên giao dịch rất sôi động, hoặc giảm sâu, cổ phiếu nhóm này vẫn ít có biến động, thanh khoản cũng không mấy tích cực. Trong khi đó, xét về kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp ngành dược đang có màn biểu diễn không hề tệ.

Cụ thể, về hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp trong ngành đa phần có đóng góp chính từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và hầu như không vay nợ hoặc vay nợ không đáng kể.

Quý I/2018, Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM (IMP) có doanh thu thuần 253,2 tỷ đồng, tăng trưởng 12,8%, lợi nhuận sau thuế đạt 32,88 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017. EPS cơ bản (4 quý gần nhất) đạt 2.893 đồng/cổ phiếu, EPS pha loãng vào khoảng 2.894 đồng/cổ phiếu.

Với mức giá đóng cửa ngày 10/5, IMP đang giao dịch ở mức P/E 21,3 lần; P/E pha loãng 21,25 lần. Tính đến cuối quý I, tổng tài sản Công ty đạt 1.655 tỷ đồng, trong đó 14,4% là nợ phải trả, vốn chủ sở hữu 85,6% và doanh nghiệp không có nợ vay tài chính.

Tương tự, trong quý I, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) ghi nhận lãi sau thuế hơn 52 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017, với EPS cơ bản đạt 6.099 đồng/cổ phiếu, P/E cơ bản 16,2 lần, không có nợ vay tài chính.

Trong khi đó, PME - doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có nhà máy thuốc tiêm và thuốc viên đạt tiêu chuẩn GMP - EU tiếp tục có phong độ ổn định với lợi nhuận hơn 73 tỷ đồng trong quý I, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS cơ bản đạt 4.761 đồng/cổ phiếu, P/E khoảng 17,4 lần.

PME cũng không có nợ vay tài chính và đang có lượng tiền mặt và gửi tiết kiệm 620 tỷ đồng. Năm 2018, Công ty có kế hoạch đầu tư thêm nhà máy theo tiêu chuẩn châu Âu và đã chủ động được nguồn vốn.

Tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), trong quý I vừa qua, lãi sau thuế của Công ty đạt 171,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (do lợi nhuận tài chính và lợi nhuận khác giảm). EPS cơ bản khoảng 4.901 đồng/cổ phiếu, P/E 21,3 lần.

Với kết quả này, nhiều nhận định cho rằng, cổ phiếu DHG sẽ khó tăng trong ngắn hạn nhưng dài hạn, động lực tăng giá của cổ phiếu có thể sẽ đến từ câu chuyện nới room ngoại lên 100%. Tại thời điểm 31/1, DHG có 681,6 tỷ đồng nợ vay tài chính, chiếm 48,9% tổng nợ và 25% vốn chủ sở hữu.

Kết quả hoạt động kinh doanh không được tích cực như những cái tên kể trên, trong quý I, Công ty cổ phần Traphaco (TRA) có lợi nhuận 37,6 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính đều giảm. EPS cơ bản khoảng 5.714 đồng/cổ phiếu, P/E cơ bản khoảng 14,4 lần. Tuy nhiên, tỷ lệ đòn bẩy của TRA khá an toàn, khi nợ vay tài chính chiếm khoảng 40% tổng nợ, 14% vốn chủ sở hữu.

Trong khi đó, dù có tỷ lệ đòn bẩy khá cao, nhưng Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây (DHT) lại ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh 62% trong quý I, đạt hơn 21 tỷ đồng. EPS cơ bản 6.249 đồng/cổ phiếu, P/E khoảng 7 lần. Đáng chú ý, trong năm 2017, DHT đã tăng vốn gấp 2 lần, lên 126 tỷ đồng.

Có thể thấy, các doanh nghiệp ngành dược đang có hoạt động ổn định, tăng trưởng đều hàng năm, vậy nhưng vẫn chưa tạo được lực hấp dẫn mạnh đối với dòng tiền. Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến này xuất phát từ việc dòng tiền đang chuyển hướng sang những ngành “hot” hơn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… và sau giai đoạn leo dốc năm 2017, mặt bằng định giá nhóm cổ phiếu dược không còn rẻ như trước.

Bên cạnh đó, thanh khoản nhiều cổ phiếu trong ngành khá thấp do cơ cấu cổ đông cổ đặc. Chẳng hạn, chỉ tính riêng các nhà đầu tư tổ chức ngoại đã sở hữu tới 49% tại PME; Taisho sở hữu 24,4% và SCIC sở hữu 43,31% cổ phần tại DHG; Abbott chiếm 51,69% và SCIC 34,71% vốn tại DMC; tại IMP, các quỹ đầu tư cũng đang nắm tỷ lệ sở hữu lớn...

Tin bài liên quan