Cổ phiếu du lịch “ngủ vùi” đến bao giờ?

Cổ phiếu du lịch “ngủ vùi” đến bao giờ?

(ĐTCK) Thị trường du lịch Việt Nam sôi động hơn nhiều trong vài năm trở lại đây, nhu cầu du lịch trong và ngoài nước của người dân tăng cao. Tuy nhiên, cổ phiếu của ngành du lịch cứ “ngủ vùi” trong thanh khoản kém, thị giá thấp.

Du lịch tăng, cổ phiếu du lịch… ế

Tổng cục Thống kê cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước đón gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016. Khách du lịch nội địa ước đạt 57,9 triệu lượt, trong đó khách lưu trú đạt 27,8 triệu lượt, tăng 10,3% cùng kỳ 2016.

Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 376.000 tỷ đồng, tăng 26,5% cùng kỳ. Những con số ấy cho thấy, ngành du lịch nước nhà đang gặt hái được nhiều tin vui. Mục tiêu đóng góp hơn 10% GDP vào năm 2020 của ngành du lịch được các chuyên gia kinh tế dự đoán có thể đạt được.

Những tên tuổi doanh nghiệp lữ hành đang niêm yết trên sàn chứng khoán có thể kể đến FDT (CTCP Du lịch Fiditour), OCH (CTCP Du lịch và khách sạn Đại Dương), VNG (CTCP Du lịch Thành Thành Công), DAH (CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á), TCT (CTCP Cáp treo Núi bà Tây Ninh)… Tuy nhiên, cổ phiếu nhóm này giao dịch khá im ắng, khác hẳn với những con số tăng trưởng của ngành.

Các mã OCH, FDT, DAH, TCT ghi nhận nhiều phiên không có thanh khoản. Giá cổ phiếu OCH đang giao dịch quanh mốc 6.000-8.000 đồng/cổ phiếu, trong khi công ty này hiện kinh doanh dịch vụ khách sạn, du lịch, sở hữu hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại các thành phố lớn như TP.HCM, Nha Trang, Hà Nội, Hạ Long, Hội An… Năm 2017, OCH đưa ra mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 1.150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 28,7 tỷ đồng.

Chẳng khác OCH, cổ phiếu DAH cũng có giá rẻ như… rau. Hiện OCH giao dịch quanh mốc 3.000-4.000 đồng/cổ phiếu, với trung bình khoảng hơn 30.000 cổ phiếu được chuyển nhượng mỗi phiên.

Đáng ngạc nhiên là cổ phiếu FDT. Mặc dù là tên tuổi lớn trên thị trường du lịch, nhưng hơn 3 tháng nay (kể từ ngày 24/8 đến 14/11), cổ phiếu FDT không có giao dịch. Đây không phải là lần đầu FDT có khoảng thời gian dài trống giao dịch, mà hiện tượng này lặp lại nhiều lần.

Thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, từ ngày 5/1/2017 đến ngày 14/7/2017, cổ phiếu FDT không có thanh khoản, khiến cổ phiếu này đứng nguyên giá 35.000 đồng/cổ phiếu. FDT có duy nhất một phiên giao dịch vào ngày 17/7 giảm 10%, lao dốc về 31.500 đồng/cổ phiếu. Sau đó, FDT tiếp tục đóng băng thanh khoản trong các giai đoạn từ 18/7-11/8 và 14/8-17/8.

Cổ phiếu FDT đang nằm trong diện cảnh báo từ ngày 5/4/2016 do lợi nhuận sau thuế năm 2015 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 âm. Năm 2017, bức tranh kinh doanh của FDT có phần tươi sáng hơn, kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6,4 tỷ đồng. 

Cơ hội ở đâu?

So với các doanh nghiệp cùng ngành khách sạn trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VNG hiện có thanh khoản và tăng trưởng khá hơn. VNG đang duy trì giao dịch trung bình 200.000 cổ phiếu/ngày. Giao dịch của VNG tăng mạnh kể từ tháng 5/2017 sau khi niêm yết thêm hơn 62 triệu cổ phiếu. Công ty này có thế mạnh khi sở hữu chuỗi khách sạn tại các thành phố lớn, các địa danh du lịch như Đà Lạt, Phan Thiết, Ninh Thuận, TP.HCM…

Tuy nhiên, đầu tháng 11, cổ phiếu VNG có nhiều phiên giao dịch tràn ngập sắc đỏ. Có 7/11 phiên giao dịch cổ phiếu VNG giảm điểm, mức giảm cao nhất 5,67% vào ngày 9/11. Hiện cổ phiếu VNG giao dịch quanh ngưỡng 12.000-15.000 đồng/cổ phiếu.

Năm 2017, VNG đưa ra mục tiêu đạt doanh thu 749 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 35,1 tỷ đồng. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017, VNG có lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng đạt hơn 37,5 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm, lợi nhuận riêng Công ty mẹ đạt 10,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm.

Vì sao cổ phiếu ngành du lịch lại kém hấp dẫn đến vậy? Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối Khách hàng cá nhân CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, nguyên nhân chính là do doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành du lịch còn thấp, không đủ sức cuốn hút nhà đầu tư. Phần lớn các cổ phiếu ngành du lịch có thanh khoản thấp, chỉ có VNG có tăng trưởng về thanh khoản do có tài sản bất động sản.

“Nhà đầu tư thường tìm hiểu câu chuyện tăng trưởng của ngành, các vấn đề đột biến của doanh nghiệp. Trong khi đó, lịch sử ngành du lịch nhiều năm ghi nhận tốc độ phát triển chậm”, ông Minh nói.

Hai năm trở lại đây, ngành du lịch có dấu hiệu đi lên rõ rệt, vấn đề còn lại là hiệu quả của các doanh nghiệp trong ngành. Sau sự kiện APEC, du lịch Việt Nam đang có nhiều cơ hội tăng trưởng, nhất là khối doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, doanh nghiệp có thêm phần kinh doanh bất động sản, khu nghỉ dưỡng…

Liệu nhà đầu tư có tìm được cơ hội với nhóm này không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước, nhưng thực tế, cổ phiếu doanh nghiệp du lịch đã “ngủ vùi” quá lâu, rất cần được “đánh thức”.

Tin bài liên quan