Cổ phiếu dệt may trước cơ hội từ EVFTA

Cổ phiếu dệt may trước cơ hội từ EVFTA

(ĐTCK) Ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết chiều 30/6, nhiều mã cổ phiếu dệt may như GMC, TMC, MSH… tăng giá. 

Phản ứng tích cực trong ngắn hạn

Nhóm dệt may niêm yết hiện tại có nhiều doanh nghiệp nằm trong nhóm tiềm năng của ngành và có thực lực để nắm bắt cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do. Trong số đó, do các quy định liên quan đến nguồn gốc xuất xứ nên các doanh nghiệp có khả năng sản xuất sợi cotton, sợi tổng tổng hợp và các doanh nghiệp may mặc có khả năng sản xuất hàng may mặc, kiểm soát từ khâu mua nguyên liệu (phương thức FOB) hoặc cao hơn là thiết kế (ODM) được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Ngay trong phiên giao dịch ngày 1/7, cổ phiếu GMC, TMC, MSH… đồng loạt “xanh”. Thực tế, nhóm cổ phiếu dệt may đã có diễn biến tích cực trước khi thông tin EVFTA chính thức được ký kết.

Các mã TCM, TNG, GMC, GIL, STK… đều có chuỗi thời gian tăng giá ấn tượng trong quý I/2019, thậm chí nhiều cổ phiếu đạt mức giá cao kỷ lục vào tháng 3/2019, sau đó hạ nhiệt và giao dịch có phần trầm hơn trong quý II và bắt đầu sôi động trong phiên giao dịch đầu quý III, một phần được lý giải là nhờ hiệu ứng EVFTA.   

Doanh nghiệp có chuỗi sản xuất khép kín từ sợi - dệt - may sẽ tận dụng cơ hội từ EVTFA tốt hơn.

Doanh nghiệp ngành may có chuỗi sản xuất khép kín từ sợi - dệt - may sẽ có lợi thế trong việc đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Với các doanh nghiệp chỉ đơn thuần may gia công thì biên lợi nhuận khó có thể tăng. Do đó, nhóm cổ phiếu dệt may được dự báo sẽ phân hóa mạnh trong thời gian tới, nhất là khi Hiệp định có hiệu lực (dự kiến trong năm 2020).

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, năm 2019 là một năm tương đối nhiều rủi ro với TCM, có thể kể đến ảnh hưởng từ khách hàng Sear (chiếm 7% doanh thu hàng năm) nộp đơn phá sản. Ngoài ra, thu hẹp quy mô sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng và việc trích lập dự phòng đối với khoản phải thu từ khách hàng này, mảng sợi bông có thể gặp khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Trước mắt, các công ty chứng khoán phân tích, tác động tích cực của EVFTA sẽ chưa đáng kể do các doanh nghiệp và đối tác đặt hàng cần thời gian để tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển các dự án dệt nhuộm nhằm đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định, trong đó có quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, đồng thời có tính nguồn gốc xuất xứ cộng gộp từ nước thứ 3 đã có cam kết thương mại tự do với cả Việt Nam và EU như Hàn Quốc.

Ông Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dệt may đều nhìn nhận khá tích cực khi Hiệp định EVFTA chính thức được ký kết, song cơ hội đến với mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Đối với GMC, trước mắt, Công ty chưa lượng hóa được lợi thế từ EVFTA mang lại, cũng như tác động của Hiệp định đến biến động giá cổ phiếu trên sàn, mà chỉ đang nỗ lực để phát huy tốt nhất khi cơ hội đến.

“Trong năm 2019, Công ty sẽ nỗ lực duy trì doanh thu ở mức tối thiểu 2.000 tỷ đồng, tương đương với năm 2018 và lợi nhuận phấn đấu tăng trưởng khoảng 10% so với kế hoạch năm 2018”, ông Hùng nói.

Theo lãnh đạo GMC, nguồn thu của GMC chủ yếu đến từ xuất khẩu. Hiện các khách hàng xuất khẩu của Công ty đã có kế hoạch đặt may với sản lượng tăng thêm 20 - 30% cho năm 2019 và năm tiếp theo. Cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, GMC đánh giá, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ làm dịch chuyển đầu tư trong ngành dệt may Việt Nam và Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống của GMC nên đối với GMC, đây là cơ hội để Công ty gia tăng hoạt động xuất khẩu trong năm 2019.

Phân hóa trong dài hạn

TNG là doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu, chiếm đến 85% tổng doanh thu, các thị trường chính là EU, Mỹ, Hàn Quốc…, riêng thị trường EU chiếm tỷ trọng 56%. Nhìn vào con số này, giới phân tích có thể nhìn nhận EVFTA sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh của TNG, khi mức thuế xuất khẩu vào EU sẽ giảm dần về 0% trong vòng 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực (mức thuế bình quân đối với ngành dệt may Việt Nam hiện nay là 9,6%).

EVFTA sẽ giúp nâng lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam so với các quốc gia khác như Bangladesh, Campuchia, Myanmar hay Trung Quốc, trong đó Myanmar và Campuchia vốn được hưởng ưu đãi thuế quan từ các thị trường chính bao gồm EU và Mỹ.

Nhìn trước cơ hội này, TNG đã thực hiện mở rộng các dự án, đồng thời nâng công suất năm 2019 lên tối thiểu 10% so với năm 2018. Trong 5 tháng đầu năm 2019, TNG đạt doanh thu 1.542 tỷ đồng, tăng 35,5%; biên lợi nhuận gộp 17,5%, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2018, giúp lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT) đạt 134 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biến động giá cổ phiếu trên sàn cho thấy, phản ứng của giới đầu tư đối với các mã cổ phiếu ngành dệt may trước thông tin EVFTA chính thức được ký kết là khác nhau. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG cho rằng, các doanh nghiệp ngành dệt đã chờ đợi Hiệp định được ký kết từ rất lâu và đánh giá thông tin này rất tích cực, tạo sự cạnh tranh và nỗ lực phấn đấu cho các doanh nghiệp, nhất là ngành dệt. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có sự chuẩn bị từ 4 - 5 năm trước mới có thể tận dụng được cơ hội này, còn những doanh nghiệp chờ Hiệp định được ký kết mới bắt đầu đầu tư, mở rộng hoạt động thì sẽ rất khó để cạnh tranh.

Nói về sức tác động của EVFTA đến biến động giá cổ phiếu, ông Thời chia sẻ, Công ty không quá quan tâm đến biến động giá cổ phiếu và giá cổ phiếu là do thị trường tự đánh giá. Tuy nhiên, cơ hội từ EVFTA mang ý nghĩa dài hạn nhiều hơn, bởi điều này giúp Công ty có thể mở rộng phát triển, cạnh tranh hơn, từ đó mang lại hiệu quả lợi nhuận tốt hơn. Từ hiệu quả của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể đánh giá được cổ phiếu.

Anh Lê Xuân Nam, nhà đầu tư tại Hà Nội đánh giá, nhóm cổ phiếu dệt may của Việt Nam so với tiềm năng thì hệ số P/E phải ở mức 10 - 15 lần mới phù hợp, trong khi hiện tại nhóm này đang duy trì P/E bình quân dưới 10. Đây là cơ hội đáng xem xét đầu tư. Mặc dù vậy, nhà đầu tư cần phải chọn cổ phiếu có nhiều triển vọng tốt trong tương lai.

“Cá nhân tôi quan tâm đến TMC, STK, đây là các doanh nghiệp chủ động và tự chủ được nguồn nguyên liệu nên sẽ chủ động hơn khi bước vào cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của ngành dệt trong thời gian tới. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, lợi thế cạnh tranh sẽ dành cho các doanh nghiệp sản xuất theo phương thức có giá trị gia tăng cao (FOB/ ODM/ OBM) như GMC,VGG”, anh Nam chia sẻ.

Dù vậy, chia sẻ từ ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán cho thấy, cổ phiếu ngành dệt may đang ở vùng giá khá cao so với lịch sử giá, trong khi triển vọng đối với từng cổ phiếu là khác nhau, nên không phải cổ phiếu nào gắn mác dệt may đều có cơ hội tăng. 

Tin bài liên quan