Trên hai sàn niêm yết, hàng trăm cổ phiếu đã xuống thấp hơn mệnh giá - Ảnh: Hoài Nam

Trên hai sàn niêm yết, hàng trăm cổ phiếu đã xuống thấp hơn mệnh giá - Ảnh: Hoài Nam

Cổ phiếu của các "ông lớn" lâm nạn

(ĐTCK-online) 1/3 số cổ phiếu niêm yết trên cả hai sàn đang có giá thấp hơn mệnh giá, thậm chí chỉ bằng giá mua một mớ rau nhỏ. Trong đó, có cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vận tải, điện, xi măng hoặc doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt/thị giá lên tới 20%. Triển vọng hoạt động tồi tệ của các công ty khiến nhà đầu tư quay lưng với chứng khoán hay sự "ghẻ lạnh" xuất phát từ tâm lý bi quan?

Xét về vị thế, họ là các "ông lớn" trong ngành. Doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt, nhưng vẫn có thể gặp các vấn đề ngắn hạn (như tỷ giá, lãi vay, hàng tồn kho…) và tạm thời sa sút. Điều này khiến giá cổ phiếu xuống thấp. Tuy nhiên, khả năng phá sản gần như được loại trừ. Bởi vậy, đà rơi có thể chưa dừng lại, nhưng các tên tuổi lớn đáng được quan tâm.

 

Tàu biển Vosco "mắc cạn"

Hiện tại, cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam đã rơi xuống dưới mức 6.000 đồng/CP. Năm 2010, Công ty có vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng, đạt lợi nhuận sau thuế 119,5 tỷ đồng. Các khó khăn chung của ngành vận tải biển đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý I/2011 khi VOS chỉ đạt lợi nhuận sau thuế khiêm tốn 3 tỷ đồng.

Xét về năng lực vận tải, VOS đang là công ty lớn nhất tại Việt Nam. Đội tàu của VOS có tổng trọng tải gần 600.000 DWT, bằng khoảng 20% tổng năng lực vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và 10% của đội tàu cả nước.

Nhưng không khó để nhận ra lý do thị trường rẻ rúng cổ phiếu vận tải biển. Bên cạnh khó khăn xuất phát từ môi trường kinh doanh, so với quy mô, VOS có khả năng sinh lời rất thấp. Tương lai hoạt động kinh doanh cũng khó tạo nên sự đột biến, trong khi mức sử dụng đòn bẩy đang cao.

Hơn nữa, với tốc độ đầu tư tàu như hiện tại, thì những năm tới, VOS phải sử dụng nợ khá nhiều, đặc biệt là nợ ngoại tệ. Điều này không chỉ gây áp lực tài chính, mà còn tác động tới lợi nhuận (năm 2010, VOS phải hạch toán lỗ chênh lệch tỷ giá gần 85 tỷ đồng, tương đương 70% lợi nhuận sau thuế).

Khi "tàu mẹ" Vosco mắc cạn, nhiều "tàu con" cũng gặp "tai nạn" tương tự. Cổ phiếu DDM của CTCP Hàng hải Đông Đô, cổ phiếu MHC của CTCP Hàng hải Hà Nội, cổ phiếu SHC của CTCP Hàng hải Sài Gòn… hiện chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/CP. Mỗi người mỗi vẻ, nhưng tổng thể, lý do không khác với cổ phiếu VOS là bao.

 

Cổ phiếu ngành điện… "mất điện"

Ngành điện vẫn được tiếng là ổn định, nhưng vài năm qua, lợi nhuận của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) "nhảy nhót" như đồ thị hình sin: năm 2008, Công ty lỗ 212 tỷ đồng, năm 2009 lãi 892 tỷ đồng, năm 2010 lãi 3,9 tỷ đồng.

Sự thất thường này của PPC đã được mổ xẻ nhiều, khiến giờ đây mỗi khi đồng yên (PPC có khoản vay khá lớn) lên giá mạnh là các NĐT chứng khoán liên tưởng ngay đến sự đi xuống của cổ phiếu PPC.

Quý I/2011, PPC báo lãi 177 tỷ đồng, nhưng giá cổ phiếu vẫn rơi xuống dưới 9.000 đồng/CP, mức thấp nhất trong lịch sử. NĐT đã thấm thía bài học PPC làm lụng, ki cóp lợi nhuận 4 quý để cuối năm tỷ giá "ăn mòn" lợi nhuận.

Hiện tại, suất đầu tư cho 1 MW thủy điện khoảng 1 triệu USD, nhiệt điện khoảng 1,5 triệu USD. Với tổng công suất 1024 MW, để xây dựng một nhà máy tương đương với PPC, NĐT cần bỏ ra số vốn gấp chục lần giá trị vốn hóa thị trường của công ty này hiện nay. Đó là chưa tính đến vài năm thi công, NĐT đánh mất vô số cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, khái niệm cổ phiếu giá rẻ vẫn khó thuyết phục các các tổ chức ra tay. Thất vọng này xuất phát phần lớn ở cơ chế quản lý: giá bán điện đầu ra thời gian qua được điều chỉnh tăng, nhưng công ty sản xuất điện được hưởng lợi ích trực tiếp không đáng kể.

Còn CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), 3 năm qua lợi nhuận giảm dần đều. Nếu như năm 2008, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 179 tỷ đồng, thì năm 2009 chỉ đạt 52 tỷ đồng. Năm 2010, lợi nhuận giảm xuống còn 22,3 tỷ đồng, bằng 1/8 so với cách đó 2 năm. Ngoài biến động tỷ giá, chi phí lãi vay là nhân tố chính kéo lợi nhuận của Công ty "cài số lùi". Quý I/2011, BTP vẫn báo lãi và sắp tới đủ sức trả cổ tức bằng tiền mặt, nhưng không ngăn được đà giảm giá của cổ phiếu khi đang rơi về mốc… nửa mệnh giá.

Nhiều cổ phiếu ngành điện khác cũng đang "mất điện" trên diện rộng. Cổ phiếu VSH của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh đã rơi xuống dưới mệnh giá. Cổ phiếu TIC của CTCP Điện Tây Nguyên còn 7.600 đồng/CP. Sự đánh giá của thị trường với cổ phiếu điện dường như khá khắt khe. Phần lớn công ty có lợi nhuận suy giảm, nhưng kinh doanh vẫn có lãi. Tuy nhiên, điều này không gây ngạc nhiên. Bên cạnh các lý do đã nêu trên, sự thờ ơ của thị trường với cổ phiếu điện còn là hệ quả tất yếu của bài toán so sánh khi đây đó vẫn có nhiều cơ hội hấp dẫn hơn.

 

HT1 mờ nhạt sau sáp nhập

Trái với các kỳ vọng, sau khi sáp nhập Hà Tiên 2, CTCP Hà Tiên 1 (HT1) trải qua 3 quý thua lỗ liên tiếp. Với một công ty có vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng, chiếm thị phần gần 30% khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh ĐBSCL, mức lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng trong năm 2010 của HT1 là quá thấp. Lý do, sau sáp nhập, HT1 đã phải tháo gỡ một loạt vấn đề không có trong kịch bản ban đầu: "Bom mìn" của thế hệ lãnh đạo cũ, từ clinker tồn kho, nghĩa vụ thuế, tới nhân sự được "cài cắm" lại. Chưa hết, việc nhận diện lại thương hiệu Hà Tiên 2 đã khiến Công ty lỡ mất nhiều cơ hội kinh doanh. Sản phẩm đầu ra nằm trong nhóm hàng hóa chịu sự điều tiết giá của Chính phủ khiến HT1 không thể chuyển chi phí sang phía người tiêu dùng như các ngành khác. Cơn bão tỷ giá và lãi suất ập đến đúng lúc HT1 triển khai nhiều công trình trọng điểm, khiến hiệu quả hoạt động giảm sút mạnh.

Trong ngắn hạn, doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam này (công suất lớn nhất, 2,8 triệu tấn/năm) được nhận định là khó cải thiện được tình hình kinh doanh, do có các khoản vay nợ lớn. Tuy nhiên, về dài hạn, cổ phiếu xi măng khá lý thú khi mức giá bán xi măng tại Việt Nam đang thấp nhất khu vực. Sau khi mở cửa hoàn toàn thị trường theo cam kết WTO, xi măng nội địa cũng là một trong số ít ngành không có yếu tố cạnh tranh quốc tế (chi phí vận chuyển đội giá thành). Ngoài ra, khu đất mặt đường xa lộ Hà Nội có giá trị thị trường 30 triệu USD là một tài sản ngầm của HT1.  

"Các mã giảm quá đà sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư ngắn hạn, có khả năng chịu rủi ro"

Quản Trọng Thành, Chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Mê Kông

 

TTCK vẫn chìm trong sắc đỏ và đang chứng kiến đà giảm mạnh nhất trong hai tháng gần đây. HNX-Index liên tục giảm từ tuần trước, nhưng đà giảm đã chậm lại, trong khi đà giảm của VN-Index mạnh dần lên trong 3 phiên gần đây với sự điều chỉnh giá ở các cổ phiếu lớn. Những cổ phiếu này đã từng giúp nâng VN-Index lên trong thời gian trước và nay, với việc giảm giá ở những mã này và giảm đồng loạt ở các cổ phiếu blue-chip khác, đã khiến đà rơi của VN-Index nhanh hơn.

 Cổ phiếu của các "ông lớn" lâm nạn ảnh 1

Theo phân tích của chúng tôi, lúc này, chỉ số hai sàn đều đã nằm gần các ngưỡng hỗ trợ. Lực bắt đáy đã xuất hiện nhưng còn dè chừng. Thanh khoản đang có dấu hiệu cải thiện, nhưng chưa rõ nét. Trong các phiên sau đó, đà giảm vẫn có thể tiếp tục trong đầu phiên, nhưng nếu lực bắt đáy đủ mạnh để kéo thị trường lên nhẹ vào cuối phiên thì sẽ tạo ra một kịch bản tốt hơn cho thị trường tuần sau.

 

Các mã giảm quá đà sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu rủi ro. Còn với các nhà đầu tư dài hạn hay các nhà đầu tư cá nhân không chịu được rủi ro, chưa có lý do để phải vội vàng lúc này. Nhà đầu tư dài hạn có thể đợi xu hướng rõ ràng hơn và có lựa chọn khác là lãi suất gửi ngân hàng đang rất hấp dẫn.