Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/10

Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/10

(ĐTCK) REE được khuyến nghị mua, SJD chỉ phù hợp với đầu tư dài hạn, PNJ được cho là đang “hy sinh” lợi nhuận, TBC và BCI có rủi ro về thanh khoản.

 

REE: Hoàn tất mẫu hình tích lũy - MUA

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

REE sau một giai đoạn dài liên tục đi ngang tích lũy trong mẫu hình tam giác đã chính thức bật tăng, thoát ra khỏi cạnh trên của mẫu hình này.

Đồng thời, một đỉnh liền sau cao hơn đã được thiết lập. Xu hướng của REE vì vậy chuyển sang tăng.

Chỉ báo so sánh độ mạnh tương đôi giữa REE và VN-Index cho thấy, REE đã không còn hoạt động yếu hơn thị trường chung kể từ giữa tháng 9 trở lại đây.

Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/10 ảnh 1

Đến hiện tại, REE đang dần dần mạnh hơn mức hoạt động chung của thị trường.

Khối lượng giao dịch trong 3 phiên vừa qua luôn đứng trên mức bình quân 50 ngày, cho thấy dòng tiền đang trong trạng thái mở rộng. Điều này nếu được duy trì sẽ củng cố đáng kể độ tin cậy xu hướng tăng của đường giá.

NĐT có thể xem xét mua vào REE ở giá hiện tại 14.000 đồng. Mục tiêu đầu tiên được kỳ vọng tại mức 30.700 đồng (+ 16,3%), mức dừng lỗ tại 24.000 đồng (-9,1%).

 

SJD: Chỉ phù hợp với nhà đầu tư dài hạn

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Cố phiếu SJD có 3 ưu điểm:

Thứ nhất, tỷ suất cổ tức của SJD được duy trì ở mức tương đối hấp hẫn, bình quân là 13,8% trong giai đoạn 2010 - 2012. Ngoài ra, từ năm 2014, sau khi hoàn trả một phần lớn khoản nợ dài hạn, SJD hầu như không còn gánh nặng nợ vay và chúng tôi kỳ vọng Công ty sẽ tăng mức chi trả cổ tức. Thứ hai, SJD đang được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi 5% trong thời gian bảy năm (Tháng 6/2012 - Tháng 6/2018), sau thời gian này, mức thuế suất là 20%.

Thứ ba, mức P/E forward 4,9 lần của SJD là mức tương đối thấp nếu so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành khác như VSH, TBC và TMP.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn của SJD là thanh khoản khá thấp, khối lượng giao dịch bình quân chỉ khoảng 20.000 đơn vị/phiên.

Do đó, chúng tôi cho rằng, SJD chỉ phù hợp với nhà đầu tư dài hạn và ưa thích cổ tức. Trong dài hạn, chúng tôi quan ngại quá trình tái cấu trúc Tập đoàn Sông Đà có thể khiến SJD phải sáp nhập với một số doanh nghiệp cùng ngành nhưng hoạt động không hiệu quả.

 

VSC có thể duy trì mức ROE cao

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Kết quả quý III/2013 của VSC khả quan với doanh thu tăng 9% đạt 213 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp biên quý III/2013 tăng mạnh gần 7 điểm phần trăm so với cùng kỳ, lên mức 40,6%. Do đó, mặc dù thu nhập tài chính ròng của VSC trong quý III/2013 (chủ yếu là lãi tiền gửi) giảm 58%, còn 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý III /2013 của VSC vẫn tăng 14%, đạt 58,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu 9 tháng 2013 gần như không đổi so với cùng kỳ, đạt 577 tỷ đồng do doanh thu 6 tháng 2013 giảm 5% so với 6 tháng 2012.

Lợi nhuận gộp biên của VSC trong 9 tháng 2013 tăng gần 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ, lên mức 37,7%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2013 giảm nhẹ 3%, đạt 161 tỷ đồng do thu nhập tài chính ròng giảm mạnh 66%.

VSC đang tiến hành việc thương lượng mua lại 37% cổ phần của Danalog - một công ty con của Cảng Đà Nẵng và tăng cường đội xe hoạt động cho khu vực TP. HCM.

Công ty dự kiến mua đất ở quận 2, TP. HCM để phát triển trung tâm logistics. Ngoài ra, VSC đã sở hữu 23% cổ phần Cảng PTSC Đình Vũ (nằm cạnh trung tâm logistics của VSC).

Năm 2013, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VSC đạt lần lượt 803 tỷ đồng (+3%) và 221 tỷ đồng (-3%). Đặc biệt, VSC có thể duy trì mức ROE cao ở mức khoảng 30% trong nhiều năm liền và gần như không sử dụng nợ.

Ngoài ra, công ty cũng duy trì chính sách cổ tức tiền mặt ổn định ở mức 3.000-4.000 đồng/cp trong 5 năm gần đây, tương đương tỷ suất cổ tức khá tốt ở mức 7-8%.

Cổ phiếu VSC đang giao dịch ở mức PE 2013 6x, tương đương với bình quân ngành do giá đã tăng hơn 70% tính từ đầu năm đến nay.

 Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/10 ảnh 2

TBC: EPS 2013 ước đạt 2.426 đồng/cp

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Sau khi tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, TBC tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong quý III/2013. Doanh thu quý III/2013 tăng 5,3% so với cùng kỳ, đạt 95,4 tỷ (theo chúng tôi là do sản lượng tăng).

Lợi nhuận trước thuế tăng 2,5%, lên 65,6 tỷ đồng, chủ yếu do thu nhập tài chính ròng và thu nhập khác giảm so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế giảm 0,6%, đạt 58,7 tỷ đồng do thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân cao hơn cùng kỳ (10,5% so với 7,8%).

Như vậy trong 9 tháng 2013, doanh thu của TBC đạt 227 tỷ đồng, tăng 20,8% cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 126,3 tỷ đồng, tăng 29,3% cùng kỳ.

So với kế hoạch doanh thu 223,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 74 tỷ đồng trong năm nay, TBC đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh quý IV/2013 có thể giảm đôi chút so với cùng kỳ do nhà máy giảm sản lượng để tích nước cho mùa khô năm sau.

Chúng tôi ước tính doanh thu 2013 tăng 14% và lợi nhuận sau thuế tăng 21% so với năm trước, đạt lần lượt 290 tỷ đồng và 154 tỷ đồng.

EPS 2013 ước đạt 2.426 đồng/cp, tương đương PE 2013 7,1x, bằng với PE trung bình của các công ty cùng ngành. Thanh khoản thấp (với KLGD trung bình 10 phiên chỉ khoảng 3.000 cp) cũng là điểm hạn chế của TBC.

 

BCI: Doanh thu và lợi nhuận sẽ đột biến trong quý IV

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Doanh thu và lợi nhuận của BCI trong quý III/2013 vẫn tiếp tục ở mức thấp tương đương 2 quý đầu năm.

Nguồn thu ổn định từ cho thuê đất, nhà xưởng và các dịch vụ tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, lợi nhuận được chia từ hệ thống siêu thị Big C và doanh thu bán các căn hộ còn lại của Chung cư Nhất Lan 2 giúp BCI ghi nhận 34,6 tỷ đồng doanh thu thuần và khoảng 5,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2013.

Lũy kế 9 tháng, BCI đạt 79,6 tỷ đồng doanh thu thuần, thực hiện 17,4% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế 20,2 tỷ đồng, thực hiện 22,5% kế hoạch năm.

BVSC ước tính doanh thu thuần của BCI cả năm 2013 là 475 tỷ đồng, vượt kế hoạch 3,6% và lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch. EPS cả năm đạt 1.071 đồng/cp, giảm 55,3% so với năm ngoái do năm ngoái có khoản lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng Khu công nghiệp Phong Phú.

BCI là công ty bất động sản hàng đầu phía Nam với nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án BĐS quy mô lớn, sở hữu quỹ đất sạch khá lớn với chi phí hợp lý và định hướng sản phẩm thuộc phân khúc trung bình, phù hợp với thu nhập của người dân.

Công ty có nguồn thu ổn định từ cho thuê đất, nhà xưởng, kho bãi, các dịch vụ tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân và từ Công ty Big C An Lạc, gần đủ để trang trải chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp hằng năm.

Năm 2013, vào quý IV, BCI đồng thời ghi nhận 2 nguồn lớn từ Dự án Nhất Lan 3 và Khu dân cư Bắc Lương Bèo, mang lại khoản lợi nhuận đột biến, giúp Công ty gần hoàn thành kế hoạch năm.

Theo mức giá giao dịch ngày 21/10/2013, cổ phiếu BCI có mức P/E 2013 khoảng 13x và P/B 0.6, thuộc mức trung bình ngành. Đây là cổ phiếu thích hợp để đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, Công ty vẫn có các rủi ro sau:

Các dự án lớn trong tương lai như Khu dân cư Green Village (Tên cũ: Khu dân cư Phong Phú 2) và Khu dân cư Corona (Tên cũ: Khu dân cư 11A) mới chỉ đóng một phần tiền sử dụng đất. Do đó, giá vốn đất có thể tăng cao sau khi xác định đầy đủ tiền sử dụng đất phải đóng.

Cổ phiếu BCI thuộc dạng kém thanh khoản, mặc dù khối lượng giao dịch đã được cải thiện nhẹ thời gian gần đây.

 

PNJ: Đang “hy sinh” lợi nhuận để thúc đẩy doanh thu

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Doanh thu của PNJ trong 9 tháng 2013 tăng 17% so với cùng kỳ, đạt 5.740 tỷ đồng. Sự tăng trưởng doanh thu này chủ yếu là nhờ mảng vàng miếng (chiếm gần 45% doanh thu của Công ty); mảng kinh doanh bán sỉ nữ trang vàng (chiếm gần 30% doanh thu của công ty) và mảng bán lẻ nữ trang (chiếm 23% doanh thu của công ty). Ngược lại, mảng nữ trang bạc (chiếm gần 3% doanh thu của công ty) giảm 17%.

Tuy nhiên, lợi nhuận biên gộp của PNJ sụt giảm từ 9,1% trong 9 tháng 2012 xuống còn 7,4% trong 9 tháng 2013. Điều này là do lợi nhuận biên gộp của mảng kinh doanh bán lẻ nữ trang vàng (đang đóng góp khoảng 65% lợi nhuận gộp) giảm nhẹ 1 điểm phần trăm, xuống còn 23% và lợi nhuận biên gộp của mảng kinh doanh bạc (đang đóng góp khoảng 18% lợi nhuận gộp) giảm mạnh 4 điểm phần trăm, xuống còn 62%.

Có thể nhận thấy rằng PNJ đang ‘hy sinh’ lợi nhuận để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn nhu cầu của người dân thấp do ảnh hưởng của kinh tế. Ngoài ra, tỷ trọng doanh thu của các mảng có lợi nhuận biên gộp thấp như mảng kinh doanh vàng miếng (1%) và mảng kinh doanh bán sỉ nữ trang vàng (2%) tăng từ 73% tổng doanh thu 9 tháng 2012 lên 90% tổng doanh thu 9 tháng 2013 cũng góp phần đáng kể làm thu hẹp lợi nhuận biên gộp của PNJ.

Trong 9 tháng 2013 PNJ đã ghi nhận khoản chi phí tài chính ròng của PNJ là -40 tỷ đồng trong khi trong 9 tháng 2012 thì PNJ đạt một khoản doanh thu tài chính ròng là 15 tỷ đồng. Điều này là do doanh thu tài chính của PNJ trong 9 tháng 2013 giảm mạnh 83% so với cùng kỳ, do Công ty không còn khoản thu nhập bất thường và cổ tức nhận được từ các công ty đầu tư tài chính giảm 22,4% cùng kỳ.

Lưu ý, PNJ đã bán Công ty Năng Lượng Đại Việt vào quý III/2012 thu về khoản thu nhập tài chính 30 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế của PNJ trong 9 tháng 2013 đã giảm mạnh 44% so với cùng kỳ, còn 116 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản thu nhập tài chính bất thường trong 9 tháng 2012 thì lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng 2013 chỉ giảm 33%, đạt 116 tỷ đồng.

 

 

>> Góc nhìn kỹ thuật trước phiên 24/10

>> CTCK nhận định thị trường ngày 24/10

>> Phiên 23/10: "Sống" nhờ dòng tiền ngoại

>> Khối ngoại mua ròng gần 150 tỷ đồng trong phiên 23/10

>> Tự doanh CTCK bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp trong tuần

>> Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 24/10