Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích các cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/12 của một số công ty chứng khoán.

FPT: Khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 56.000 đồng/CP

(CTCK Sài Gòn - SSI)

CTCP FPT (FPT) báo cáo trong 11 tháng năm 2013 doanh thu đạt 24.927 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.246 tỷ đồng, tăng 14% và 4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ mảng bán lẻ tăng 100% trong 11 tháng và là lý do chính giúp doanh thu tăng trưởng mạnh. Đến cuối tháng 11, FPT đã hoàn thành 93% kế hoạch doanh thu và 85% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ và EPS đạt 1.385 tỷ đồng và 5.049 đồng/cổ phiếu, hoàn thành 82% kế hoạch năm 2013.

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/12 ảnh 1

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2013 sẽ đạt 27.347 tỷ đồng và 2.615 tỷ đồng, tương ứng EPS là 6.023 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 1 năm 56.000 đồng/cổ phiếu.

 

VNM: có thê mua THÊM

(CTCK FPT - FPTS)

Doanh thu thuần 9 tháng 2013 của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) đạt mức tăng trưởng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức tăng của thị trường nội địa và xuất khẩu lần lượt là 17,1% và 15%.

Biên lợi nhuận gộp đạt trên 37%, cao nhất kể từ 2008 do hưởng lợi từ tồn kho nguyên liệu nhập khẩu giá thấp và đợt tăng giá bán 5%-7% trong tháng 2/2013.

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2013 là 32.036 tỷ đồng và 6.609 tỷ đồng, lần lượt đạt 98,6% và 106,1% so với kế hoạch. Theo đó, EPS năm 2013 tương ứng đạt 7.929 đồng/cổ phiếu và ROE đạt 38,3%.

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/12 ảnh 2

Ngày 12/12, Vinamilk công bố thông tin tiếp tục đầu tư thêm 2 triệu NZD vào Công ty Miraka Limited để giữ nguyên tỷ lệ 19,3% vốn cổ phần của dự án. Trước đó, Vinamilk đã cho ra mắt sản phẩm sữa tươi tiệt trùng nhập khẩu Twin Cows do chính Miraka sản xuất và đóng gói hoàn toàn tại New Zealand, đánh vào tâm lý chuộng sữa ngoại của người tiêu dùng trong nước.

Vinamilk công bố đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài do Bộ KHĐT cấp cho khoản đầu tư 7 triệu USD để nắm 70% vốn của công ty Driftwood, một bước hiện thực hóa quyết định thâu tóm đã được Vinamilk công bố trong báo cáo quản trị hồi tháng 6.

Vinamilk cũng đã được Cục Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp số đăng ký để được phép xuất khẩu hàng vào nước này.

Tạm ứng cổ tức lần 2/2013 với tỷ lệ tạm ứng 8% mệnh giá, ngày chốt danh sách cổ đông là 18/12/2013. Dự kiến Vinamilk sẽ còn một đợt thanh toán cổ tức nữa vào năm sau khoảng 6% để đạt kế hoạch cổ tức 34% cho năm 2013.

Tháng 12/2013, theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2015 thì SCIC vẫn tiếp tục nắm giữ và đầu tư dài hạn tại Vinamilk. Trong một động thái khác, hai quỹ của Dragon Capital là Amersham Industries Limited và Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) đã đăng ký bán lần lượt 4,6 triệu cổ phiếu và 8,8 triệu cổ phiếu với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.

Xét các công ty cùng ngành niêm yết trong khu vực châu Á, sau khi điều chỉnh P/E dựa vào rủi ro tương quan giữa thị trường Việt Nam và thị trường quốc gia của các công ty được xét, hệ số P/E bình quân là 20x. Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2013, Vinamilk đạt 6.609 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với EPS forward 2013 là 7.929 đồng/cổ phiếu. Kết quả định giá theo phương pháp P/E giá mục tiêu của VNM là 159,000 đồng. Tính đến ngày 24/12/2013, giá mục tiêu đang cao hơn 15,2% so với giá giao dịch trên thị trường, do đó chúng tôi đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư có thê mua THÊM cổ phiếu VNM.

 

Ngành dược phẩm: Tăng trưởng ổn định

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Sản phẩm ngành dược là nhu yếu phẩm cần thiết đối với đời sống của người dân, sự tăng trưởng của ngành nhìn chung ít chịu ảnh hưởng bởi các tác động của nền kinh tế. Thêm vào đó, Việt Nam có quy mô dân số khá lớn, tăng nhanh và ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân thì ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, tổng chi tiêu tiền thuốc (chiếm gần 30% chi phí y tế) vẫn duy trì đà tăng qua các năm, với mức tăng ổn định khoảng 17-20%/năm, giai đoạn từ 2009-2014.

Theo dự báo của BMI, tốc độ tăng trưởng tổng chi tiêu tiền thuốc cả nước cho năm 2014 là 18% so với năm 2013, đạt 3,9 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 17% của năm 2013. Đáng chú ý, xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược đang ngày càng gia tăng.

Cải thiện mức chi tiêu thuốc bình quân đầu người. Thu nhập được cải thiện cộng với ý thức bảo vệ sức khỏe ngày càng cao giúp mức chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người tăng gần gấp đôi, từ mức 20 USD/người/năm ở 2009 lên mức gần 40 USD dự báo cho năm 2013.

Lưu ý, tuy thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng tăng nhưng hiện vẫn chỉ đang phù hợp với các loại thuốc nội với chất lượng tương đương thuốc ngoại nhập nhưng giá chỉ bằng 30-50%.

Đây là lợi thế giúp các công ty dược nội địa có thể cạnh tranh được trên chính sân nhà của mình.

Chính phủ chủ trương gia tăng thị phần thuốc nội địa. Giá trị thuốc sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 50% tổng chi tiêu toàn thị trường. Có thể coi đây là cơ hội đối với các công ty dược trong nước khi chính phủ chủ trương gia tăng thị phần thuốc nội địa lên mức 70% trong năm 2015 và 80% đến năm 2020. Tuy nhiên, thử thách là không nhỏ, bởi các đối thủ ngoại ngoài tiềm lực tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm, còn có lợi thế về khoa học công nghệ cao. Thêm vào đó là tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt. Thị trường đông dược - triển vọng lạc quan, bởi các lý do sau:

(1) Phân khúc thị trường tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu từ các sản phẩm dược liệu hiện chiếm dưới 10% tổng chi tiêu thuốc cả nước, trong khi xu hướng sử dụng các sản phẩm này của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. So với tổng giá trị thuốc sản xuất trong nước, doanh thu sản phẩm đông dược chiếm khoảng 14% trong năm 2012. Theo ước tính của Bộ y tế, tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 30% trong 2015.

(2) Giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Khác với sản xuất tân dược (90% nhu cầu nguyên liệu phải nhập khẩu, chủ yếu là hóa dược, do ngành công nghiệp hóa dược trong nước còn kém phát triển) thì sản xuất đông dược có thể tận dụng được lợi thế nguồn nguyên liệu thảo dược trong nước khá dồi dào. Với hơn 4.000 loài thảo dược, Việt Nam hiện xếp thứ ba thế giới về đa dạng sinh học.

(3) Không thuộc đối tượng kiểm soát giá theo quy định.

(4) Mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng ở châu Á...

 

PVT: Thích hợp với phong cách đầu cơ

(CTCK Maritime Bank - MSBS)

Là đơn vị vận tải có năng lực đội tàu chở hàng lỏng lớn nhất Việt Nam, vận chuyển toàn bộ lượng dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, khoảng 30% sản phẩm xăng dầu và toàn bộ lượng LPG của Nhà máy, đứng đầu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển trong bảng xếp hạng của VNR 500.

Năm 2012, trong bối cảnh thị trường vận tải bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, kết quả kinh doanh của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) vẫn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và có sự tăng trưởng mạnh so với năm 2011. Doanh thu thuần đạt 4.461 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế đạt 109 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2011.

9 tháng đầu năm 2013, kết quả kinh doanh PVT tiếp tục đà tăng ấn tượng, lợi nhuận sau thuế đạt 176 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ và hoàn thành gấp 4,5 lần kế hoạch cả năm 2013.

Tháng 11/2013, PVT đưa vào vận hành tàu Mercury trọng tải 104.000 DWT- tàu chở dầu thô lớn nhất Việt Nam; dự án hoán cải tàu 105.000 DWT thành kho nổi FSO đang được PVT và các bên liên quan triển khai để kịp tiến độ đưa vào sử dụng trong tháng 4/2015. Tháng 12, cổ phiếu PVT chính thức được đưa vào danh mục FTSE Vietnam Index. Đây là những tin tốt giúp cổ phiếu PVT tăng trưởng.

Khối lượng cổ phiếu giao dịch rất lớn, trung bình trong 21 phiên gần đây là 2.663.315 cổ phiếu/ngày.

Theo chúng tôi, PVT là cổ phiếu thích hợp với phong cách đầu tư và đầu cơ cổ phiếu có thể nắm giữ dài hơn 3 tháng.

>> Tin tài chính nổi bật ngày 24/12

>> Góc nhìn kỹ thuật trước phiên 25/12

>> Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 25/12

>> Nhà đầu tư nước ngoài quay ra bán SSI

>> Phiên chiều 24/12: Đẩy giá FLC thành công