Chính sách bất động sản siết lại là cơ hội cho các DN có quỹ đất sạch - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Chính sách bất động sản siết lại là cơ hội cho các DN có quỹ đất sạch - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Cổ phiếu BĐS: Cái khó ló cái khôn!

(ĐTCK-online) Những phiên gần đây, dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại, tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) hạng trung. Hàng loạt cổ phiếu BĐS thị giá đầu hai, ba đã tăng trần như DXG, CDC, BCI, D2D, DRH, VPH, FDC, LCG...

Lý do cơ bản là thời gian qua, do lãi suất tăng cao, tín dụng thắt lại và một số chính sách liên quan đến thị trường BĐS như Nghị định 69/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở khiến nhà đầu tư lo ngại các DN BĐS gặp khó khăn.

Nhưng thực tế cho thấy, các chính sách mới khiến cho các DN BĐS gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng nhưng đồng thời cũng tạo lợi thế cho DN có quỹ đất sạch. Mà những công ty BĐS niêm yết hiện nay hầu hết là những DN có kinh nghiệm hoạt động lâu năm, sở hữu quỹ đất sạch, giá vốn rẻ.

CTCP Địa ốc Đất Xanh (DXG) và Quỹ đầu tư FPT vừa công bố thông tin sẽ trở thành cổ đông chiến lược của nhau bằng việc Quỹ FPT mua 10% cổ phần trong cơ cấu vốn của DXG. Mục tiêu của việc hợp tác này là nhằm chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của DXG từ 160 tỷ đồng lên 320 tỷ đồng trong thời gian tới.

Mặc dù TTCK giảm giá mạnh thời gian qua, nhưng DXG vẫn âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Đất Xanh vừa góp vốn 49% cùng với Công ty Phú An vào Công ty Địa ốc Long Điền, đầu tư dự án Suối Son ở Đồng Nai.

Ông Bùi Đắc Tuần, thành viên HĐQT Long Điền cho biết, mặc dù ở Đồng Nai hiện có nhiều dự án nhưng số dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng không nhiều. Và khi những chính sách mới và lãi suất cao khiến cho việc giải phóng mặt bằng dự án khác khó khăn hơn thì lại là "cơ hội để DN có dự án sạch ló mặt ra".

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT DXG cho biết, DXG sẽ công bố một số dự án trên cả nước mà những dự án này đều sạch. Đây là cơ sở để DXG không ngại việc thực hiện huy động vốn trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Ngay khi giá cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất là 25.300 đồng/CP, HĐQT CTCP Licogi 16 (LCG) đã ra nghị quyết, trong đó dự kiến lợi nhuận quý IV năm nay là 50 tỷ đồng, phấn đấu lợi nhuận cả năm đạt 224,8 tỷ đồng. Quan trọng hơn, LCG dự kiến lợi nhuận năm 2011 là 225 tỷ đồng, tương đương P/E năm 2011 trên 4 lần ở mức giá 25.300 đồng/CP đóng cửa ngày 19/11. Ngày hôm qua, LCG tăng trần lên hơn 30.000 đồng/CP với dư mua lớn.

Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai, một công ty có tài sản đất lớn, sử dụng vốn vay rất ít và lợi nhuận chắc chắn nhờ những khoản doanh thu đã thu của khách hàng chờ hạch toán, từng giảm xuống 21.000 đồng/CP, nay đã bật lại 26.000 đồng/CP với lực cầu mạnh.

Nhiều cổ phiếu BĐS khác đã giảm quá đà trong thời gian qua do những đánh giá chung chung về ảnh hưởng tiêu cực của chính sách mới đến công ty BĐS. Nhưng thực tế cho thấy, với tiềm lực khác nhau, các công ty BĐS niêm yết đều có lợi thế riêng để duy trì kết quả kinh doanh ổn định trong năm nay và năm sau.

Đại diện Công ty Nhà Thủ Đức cho biết, trong bối cảnh hiện nay, mặc dù số lượng căn hộ TDH Trường Thọ bán chậm hơn dự kiến ban đầu, nhưng thương hiệu Thuduc House được khách hàng tin yêu, cộng với chính sách hỗ trợ khách hàng hợp lý nên Công ty tin tưởng dự án TDH - Trường Thọ có thể bán hết trong năm 2011. Bước sang năm 2011, Thuduc House sẽ tiếp tục tung ra thị trường khoảng hơn 200 căn hộ từ dự án TDH - Phước Bình và TDH - Phước Long, đều dành cho những người có thu nhập trung bình và thấp.

CTCP Chương Dương (CDC) cũng tập trung thực hiện dự án chiến lược của năm tới là nhà thu nhập thấp. Trước thông tin về việc bán nhà cho người thu nhập thấp ở Hà Nội của Công ty Vinaconex Xuân Mai, ông Trần Mai Cường, Chủ tịch HĐQT CDC kỳ vọng, dự án nhà thu nhập thấp của CDC cũng được sự hưởng ứng của thị trường. 

Một điểm đáng chú ý khác là giá cổ phiếu của nhiều DN BĐS giảm thấp tương đương với mức giá của giai đoạn khủng hoảng, nhưng so với thời kỳ khủng hoảng năm 2008 có một điểm khác biệt là giá trị tài sản đất đai của DN không bị mất giá. Ngược lại, các dự án có mặt bằng sạch càng có giá và có khả năng thanh khoản cao khi có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài dư dả tiền bạc sẵn sàng mua lại một phần hoặc toàn bộ dự án. Nhiều chủ đầu tư đã bán một phần dự án trong thời gian qua để thu hồi vốn cho kế hoạch đầu tư mới.

ĐHCĐ bất thường của CTCP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu (VRC) vừa qua cũng đã thông qua chủ trương tìm đối tác liên doanh thực hiện dự án khu dân cư ở quận 7, TP. HCM. Quốc Cường Gia Lai cũng cho biết, nhiều đối tác nước ngoài muốn hợp tác với Công ty bằng hình thức mua lại một phần hoặc toàn bộ dự án và Quốc Cường sẵn sàng bán vốn góp của dự án ở một mức giá hợp lý.

Cũng giống như TTCK, khó khăn của DN BĐS hiện nay nếu có chỉ là khó khăn trong ngắn hạn. Nhìn trong dài hạn, DN BĐS niêm yết là những công ty có nhiều khả năng nhất trong việc duy trì tăng trưởng lợi nhuận ổn định, bởi thị trường BĐS đã phát triển sang giai đoạn mới là phát triển nhà dành cho nhu cầu ở thật, đang thiếu và đang tăng cao do tốc độ đô thị hóa nhanh ở nước ta.