Cổ phần hóa từ 2018 sẽ theo 9 điểm mới

Cổ phần hóa từ 2018 sẽ theo 9 điểm mới

(ĐTCK)  Từ ngày 1/1/2018, Nghị định 126/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành.

Bộ Tài chính cho biết, có 9 điểm mới trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ năm 2018 và cho biết, sẽ tập trung quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để đảm bảo cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 là 250.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội. Báo Đầu tư Chứng khoán Xin giới thiệu 9 điểm mới căn bản trong công tác cổ phần hóa kể từ năm 2018.

Một là, bổ sung đối tượng áp dụng Nghị định là các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ.

Hai là, điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá. Nghị định mới quy định rõ tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược.

Quy định rõ quy trình bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai và phải hoàn thành trước thời điểm đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần.

Việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, Nghị định quy định, căn cứ giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bốn là, xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước. Về xác định giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thì được xác định theo phương pháp vốn chủ như các doanh nghiệp chưa niêm yết...

Năm là, quy định rõ việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ quan trọng để xác định giá khởi điểm bán cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa không điều chỉnh sổ sách kế toán theo kết quả xác định lại.

Sáu là, về chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá, về cơ bản chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp đã được kế thừa và duy trì qua các giai đoạn. Nghị định điều chỉnh theo hướng người lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị một (01) cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần), phần giá trị ưu đãi này được trừ vào vốn Nhà nước khi quyết toán và người lao động phải bỏ tiền để thanh toán 60% giá trị một cổ phần theo mệnh giá.

Bảy là, về các phương thức bán cổ phần lần đầu: Ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), Nghị định bổ sung thêm phương pháp mới là phương pháp dựng sổ (book building).

Phương pháp dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành.

Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.

Tám là, tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn... khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi doanh nghiệp.

Chín là, quy định quản lý tập trung nguồn thu từ cố phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cấp II về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do Bộ Tài chính tổ chức quản lý quỹ này. Tập trung chuyển toàn bộ số dư Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ tại thời điểm cuối năm 2017 về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Ngày 28/12/2017 là hạn thanh toán cuối cùng của nhà đầu tư trúng giá Sabeco. Nếu mọi việc suôn sẻ, Nhà nước sẽ thu về khoảng 109.972 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD từ thương vụ bán 53,59% vốn tại doanh nghiệp này.

Về việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc SCIC quản lý, năm 2017, SCIC đã bán vốn tại 40 doanh nghiệp với giá trị là 1.903 tỷ đồng, thu về 21.639 tỷ đồng. Riêng việc thoái của Vinamilk năm 2017 thu về 8.990 tỷ đồng trên giá trị sổ sách là 247 tỷ đồng. 

Tin bài liên quan